Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp hàng chục nghìn lao động ở Tây Ninh có việc làm, tăng thu nhập
- Bài thuốc hay
- 18:36 - 19/11/2023
- Nguồn vốn tín dụng chính sách là "đòn bẩy" giúp Bình Phước giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững
- Đồng Tháp dùng nguồn vốn tín dụng làm "đòn bẩy" giúp người dân phục hồi kinh tế
- Nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm là “đòn bẩy” giúp các hộ nghèo ở Đồng Tháp thoát nghèo
- Nguồn vốn chính sách tạo động lực để người dân Vĩnh Long phát triển kinh tế
Tạo việc làm mới cho lao động địa phương
Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Tây Ninh đã phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh chuyển tải kịp thời nguồn tín dụng ưu đãi đến với người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định chính trị, trật tự xã hội…
Đến nay, mô hình quản lý và hoạt động của NHCSXH tỉnh Tây Ninh đã huy động hiệu quả sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương: Trung ương, tỉnh, huyện/thị xã/thành phố; cán bộ NHCSXH chuyên trách làm nhiệm vụ tác nghiệp; NHCSXH ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh); ủy nhiệm một số nội dung công việc cho Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Với phương châm "Thu nợ tại nhà, giải ngân tại xã", hàng tháng NHCSXH tỉnh đều tổ chức phiên giao dịch định kỳ theo lịch cố định tại các xã, phường, thị trấn với nghiệp vụ thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm, giải ngân,… Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí và thời gian đi lại cho người dân.
Bộ máy điều hành, tác nghiệp tinh gọn, tinh thần trách nhiệm cao, luôn tận tụy, trách nhiệm với phương châm"Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ". Vốn tín dụng chính sách xã hội đầu tư đã vươn khắp 94/94 xã, phường, thị trấn và 100% ấp, khu phố và đã thu hút, tạo việc làm cho gần 82.000 lao động.
Anh Nguyễn Chí Tâm ở ấp Thuận Chánh (xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu) đã bươn chải mưu sinh ở nhiều nơi. Sau nhiều năm, anh trở về địa phương làm nghề mộc, ban đầu, anh làm đồ nội thất từ gỗ ép công nghiệp để bán. Nhưng do thiếu vốn không thể đầu tư máy móc, thiết bị mà chỉ sản xuất thủ công, nên sản phẩm không nhiều, thu nhập thấp và không ổn định.
Tham gia sinh hoạt hội viên Hội Nông dân xã Lợi Thuận từ năm 2019, anh Tâm được phổ biến về các chương trình tín dụng của NHCSXH. Từ đó, anh được Hội Nông dân xã tạo điều kiện tiếp cận 50 triệu đồng nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH huyện Bến Cầu và vay 20 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Có vốn, anh Tâm đầu tư máy móc, thiết bị để mở rộng sản xuất.
“Từ các nguồn vốn vay, tôi đã mua máy móc, thiết bị và nghiên cứu cải tiến mẫu mã sản phẩm. Tôi luôn cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng bảo đảm giá thành hợp lý, nên từng bước tạo được uy tín đối với khách hàng”, anh Tâm cho biết.
Các sản phẩm do cơ sở đồ gỗ của anh Tâm sản xuất được tiêu thụ nhiều cả trong và ngoài tỉnh. Hiện nay cơ sở của anh Tâm giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động đại phương với thu nhập ổn định.
Bổ sung nguồn vốn và tăng hạn mức vay
Trao đổi với PV, đại diện Sở LĐ-TB&XH Tây Ninh cho biết, những năm qua, chương trình giải quyết việc làm đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể, đơn vị, nhất là sự tham gia hưởng ứng của người lao động.
Trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực cho việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm; kết quả công tác giải quyết việc làm tăng thêm luôn vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Thông qua nguồn vốn chương trình cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Tây Ninh đã hỗ trợ cho vay nhiều đối tượng lao động yếu thế, người khuyết tật, lao động khu vực nông thôn. Giúp họ có cơ hội tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình, cộng đồng.
Đặc biệt, nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao cuộc sống cho người lao động. Từ nguồn vốn, có rất nhiều nghề truyền thống được duy trì như: đan lát từ mây, tre, nứa; se nhang, làm bánh tráng…; đồng thời, các mô hình kinh tế có hiệu quả cao được xây dựng như trồng rau sạch, làm nem, nuôi cá, nuôi ba ba…
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song khó khăn mà Tây Ninh gặp phải hiện nay là nhu cầu mức vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm ngày càng cao nhưng nguồn vốn cho vay còn hạn chế.
Tương tự, ông Hồ Văn Khanh, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện nay nhu cầu vay vốn của người lao động đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là rất lớn, tuy nhiên nguồn vốn cho vay chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu thực tế của người lao động.
NHCSXH tỉnh Tây Ninh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo đối với hoạt động của NHCSXH theo tinh thần Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hàng năm đề nghị UBND tỉnh, huyện ưu tiên dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để đáp ứng nhu cầu cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt là chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.