THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:02

Đồng Tháp dùng nguồn vốn tín dụng làm "đòn bẩy" giúp người dân phục hồi kinh tế

Đòn bẩy để phục hồi “sức khỏe” nền kinh tế

Trên tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP, NHCSXH tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp cùng các cơ quan ban, ngành và Sở LĐ-TB&XH ban hành và triển khai nhanh chóng các gói tín dụng, giải ngân sớm các khoản vay cho các đối tượng chính sách, NLĐ bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19.

Những tháng đầu năm 2022, chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện giải ngân cho 34.692 lượt khách hàng với doanh số cho vay 1.124 tỷ đồng, đến ngày 31/7/2022. Các chương trình tín dụng cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, đã hỗ trợ tạo việc làm cho 4.143 lao động tại địa phương và các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 quay về và ở lại địa phương có nhu cầu vay vốn để tự tạo việc làm, với tổng số vốn được giải ngân là 149 tỷ đồng; hỗ trợ cho 1.774 HSSV vay vốn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến với số tiền gần 18 tỷ đồng; hỗ trợ 14 cơ sở giáo dục mầm non vay vốn để duy trì hoạt động sau dịch bệnh với số tiền 900 triệu đồng; cho 39 người lao động vay để xây dựng nhà ở theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP với số tiền 15,5 tỷ đồng… 

Thông qua các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH, trong 7 tháng đầu năm 2022 đã tạo điều kiện cho hàng chục nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn đầu tư sản xuất, tạo việc làm, phục vụ một số nhu cầu thiết yếu như: xây dựng nhà ở, học tập… góp phần nâng cao cuộc sống, cải thiện thu nhập.

Từ nguồn vốn tín dụng, nhiều hộ kinh doanh gia đình ở Đồng Tháp đã mạnh dạn đầu tư mô hình sản xuất tạo việc làm cho lao động địa phương.

Từ nguồn vốn tín dụng, nhiều hộ kinh doanh gia đình ở Đồng Tháp đã mạnh dạn đầu tư mô hình sản xuất tạo việc làm cho lao động địa phương.

Nhằm tạo đều kiện tối đa cho các doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh, NHCSXH tỉnh đã trực tiếp gặp gỡ, hướng dẫn hồ sơ thủ tục, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn và đã thực hiện giải ngân cho 21 người sử dụng lao động để trả lương cho 8.215 lượt người lao động với số tiền cho vay gần 27 tỷ đồng.

Chi nhánh NHCSXH tỉnh cũng phối với các cơ quan ban, ngành, địa phương thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến và rà soát nhu cầu vốn tín dụng chính sách thực hiện các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và triển khai khẩn trương giải ngân đến đúng đối tượng, đưa nghị quyết phát huy hiệu quả khi đi vào cuộc sống, giúp người dân có thêm động lực để duy trì và phát triển kinh tế sau dịch.

Nhờ chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, anh Kiều Văn Vẽ ngụ ấp Phú Thành, xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc đã tiếp cận được nguồn vốn vay 50 triệu đồng để đầu tư máy nghiền, giàn ép, bồn lắng để sản xuất bột, trung bình một năm anh Vẽ sản xuất 182 tấn bột, nhờ chăm chỉ làm ăn, kinh tế gia đình anh đã từng bước vươn lên và là hộ có thu nhập khá của xã.

Anh Kiều Văn Vẽ cho biết: “Lúc trước kia làm bột theo kiểu truyền thống, sản lượng rất ít, từ khi gia đình tôi tiếp cận được nguồn vốn của NHCSXH, nên tôi đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, nhờ đó làm bột được năng suất cao hơn, kinh tế gia đình ổn định hơn. Sắp tới cũng mong NHCSXH thành phố mở rộng cho người dân tiếp cận vốn vay, để nông dân có cuộc sống ổn định hơn”.

Có thể nói, nguồn vốn tín dụng được NHCSXH tỉnh hỗ trợ kịp thời đã tạo điều kiện rất lớn để các doanh nghiệp, NLĐ vực dậy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khắc phục thiệt hại, đưa nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng trở lại “hậu Covid-19”.

Nhiều chính sách tạo cơ hội cho doanh nghiệp, người dân

Qua 20 năm triển khai thực hiện tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện giải ngân cho trên 824.793 lượt khách hàng vay vốn với doanh số cho vay gần 10.860 tỷ đồng, đã giúp cho 156.410 lượt hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm cho 75.671 lao động.

Bên cạnh việc chuyển tải nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, NHCSXH còn phối hợp các sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội định hướng mô hình sản xuất, tập huấn chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng vốn có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững, đã có nhiều gương điển hình tiên tiến trong thoát nghèo được biểu dương, nhân rộng, được các cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao hiệu quả của chương trình và là điểm sáng trong hệ thống các chính sách giảm nghèo của Việt Nam.

Nhờ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, nhiều lao động ở Đất Sen Hồng tự tạo việc làm ngay tại quê hương, tăng thu nhập, trong đó có nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhờ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, nhiều lao động ở "Đất Sen Hồng" tự tạo việc làm ngay tại quê hương, tăng thu nhập, trong đó có nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bà Trần Thanh Trúc - Phó giám đốc chi nhánh NHCSXH Đồng Tháp cho biết: “Việc tổ chức triển khai tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội”.

Song song với đó, Đồng Tháp cũng đã tiến hành giải ngân 100% chương trình hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ với 1.385 lao động đủ điều kiện, tổng kinh phí 2.132.500.000 đồng.

Trong điều kiện nền kinh tế còn rất nhiều khó khăn sau tác động của dịch bệnh, những chính sách được thực tế hóa vào cuộc sống đã mở ra một cánh cửa mới hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho NLĐ, những hộ kinh doanh, các đối tượng chính sách sớm ổn định sản xuất, duy trì việc làm, vươn lên trong cuộc sống. Đây cũng chính là “đòn bẩy” mạnh mẽ để đưa nền kinh tế của Đồng Tháp sớm trở lại trạng thái bình thường mới và tăng trưởng hơn nữa.

XT

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh