THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:15

Nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm là “đòn bẩy” giúp các hộ nghèo ở Đồng Tháp thoát nghèo

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các chương trình tín dụng chính sách đã được Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Tháp chuyển tải kịp thời đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện để phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.  

Với phương châm “Trao cần câu, không trao con cá”, các hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã tiếp vốn đến tận tay các hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách, tạo động lực cho các hộ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. 

Nhờ tiếp cận được nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm mà nhiều hộ nông dân ở Đồng Tháp vươn lên thoát nghèo.

Nhờ tiếp cận được nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm mà nhiều hộ nông dân ở Đồng Tháp vươn lên thoát nghèo.

Để tạo điều kiện cho các đối tượng “cần vốn làm ăn” tiệm cận với các nguồn vốn chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Tháp đã tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên. Từ đó, kịp thời giải ngân vốn vay giúp các hộ nghèo, khó khăn, gia đình chính sách đầu tư sản xuất. 

Tỉnh đặt ra chỉ tiêu giải quyết việc làm trong năm 2022 là 30.000 lao động, trong đó có ít nhất 1.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm dưới 46,6% so với tổng số lao động xã hội; duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 2,3%.

Bà Trương Thị Điệp ở ấp K9, xã Phú Đức, huyện Tam Nông vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ xã để mua giống kiệu và thuê lao động để trồng 3.000m² kiệu. Có vốn vay với lãi suất thấp, gia đình bà Điệp an tâm làm ăn, xuống giống bắt đầu vụ mùa. 

Bà Điệp cho biết, trước kia với công việc là thuê làm mướn mưu sinh bấp bênh “nay có mai không” nên cái nghèo vẫn đeo bám. Nhờ tiếp cận được với nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội nên bà mạnh dạn vay để đầu tư làm ăn. Mục tiêu trước mắt là 1 năm tới sẽ trả hết số nợ và tích luỹ được vốn làm ăn lâu dài. 

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Tháp Lại Văn Bé Chín cho biết: Hiện, toàn tỉnh Đồng Tháp có 11 Phòng giao dịch thực hiện cho vay tại địa bàn. Ngoài ra, đơn vị đã đặt 135/143 Điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn cùng 8 Điểm giao dịch tại trụ sở ngân hàng. Đây là điều kiện thuận lợi nhất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn vay được dễ dàng.  

Nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm hỗ trợ cho tỉnh Đồng Tháp triển khai giải quyết công ăn việc làm cho lao động tại địa phương.

Nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm hỗ trợ cho tỉnh Đồng Tháp triển khai giải quyết công ăn việc làm cho lao động tại địa phương.

“Mô hình Điểm giao dịch xã đã giúp tiết kiệm rất lớn chi phí đi lại của người dân. Thay vì hàng tháng các hộ dân có nhu cầu giao dịch phải đi đến trụ sở ngân hàng ở trung tâm huyện, với mô hình này người dân chỉ cần đến UBND cấp xã vào ngày giao dịch cố định hàng tháng và giao dịch trực tiếp với các nhân viên ngân hàng thuộc tổ giao dịch lưu động”, ông Chín thông tin. 

Tín dụng chính sách đã trở thành một kênh tín dụng hiệu quả với lãi suất ưu đãi (tối thiểu từ 3 - 9%/năm tùy theo từng chương trình), hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội, đẩy lùi tín dụng đen.

Tính đến nay, tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Tháp đạt 2.702 tỷ đồng cho 161.379 hộ vay. Thông qua nguồn vốn ưu đãi đã có hàng trăm nghìn lao động trên địa bàn có việc làm ổn định, hàng nghìn học sinh, sinh viên có cơ hội học tập… giúp bà con có được cuộc sống ổn định.

Cũng theo ông Lại Văn Bé Chín, thời gian tới, để triển khai có hiệu quả hơn nữa tín dụng chính sách trên địa bàn, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục nhiều giải pháp nhằm đưa được nguồn vốn tín dụng chính sách đến được đúng đối tượng thụ hưởng, đáp ứng vốn kịp thời cho các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay.

Hỗ trợ việc làm cho lao động từ vùng dịch trở về địa phương

Qua tổng hợp kết quả khảo sát bước đầu đối với người lao động từ các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 trở về Đồng Tháp, toàn tỉnh hiện có khoảng 21.500 người có nhu cầu học nghề, cần hỗ trợ việc làm (bao gồm nhu cầu tham gia lao động có thời hạn ở nước ngoài).

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở LĐ-TB&XH phối hợp với UBND các huyện, thành phố thường xuyên rà soát, nắm bắt nhu cầu học nghề, việc làm của người lao động trở về từ các tỉnh, thành phố; nhu cầu quay trở lại nơi làm việc ở ngoài tỉnh của người lao động khi dịch bệnh được kiểm soát; cung cấp danh sách các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ điều kiện dạy nghề cho các địa phương lựa chọn để đào tạo nghề cho người lao động.

Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp phối hợp với Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh để thông tin, tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động cho người lao động.

UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị lực lượng lao động trở về từ các tỉnh, thành phố chủ động nắm bắt thông tin, liên hệ với UBND cấp xã, các cơ quan liên quan, đăng ký các khóa học nghề, tìm kiếm việc làm phù hợp với nhu cầu và khả năng của bản thân.

XT

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh