THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:11

Tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội nhờ nguồn vốn vay giải quyết việc làm

Được tiếp cận với Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, anh Vũ Văn Đăng, chủ một cơ sở dệt ở làng nghề dệt Phùng Xá, huyện Mỹ Đức đã phát huy hiệu quả đồng vốn, tăng thu nhập cho gia đình, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho 2 lao động ở địa phương.

Anh Vũ Văn Đăng cho biết, do thiếu vốn, nên trước đây vợ chồng anh chỉ có 1 máy dệt đặt tại nhà, trong khi nhu cầu đặt hàng rất lớn. May mắn, tháng 1/2021, anh được vay 60 triệu đồng từ gói vay giải quyết việc làm của NHCSXH. Từ nguồn vốn này, anh đầu tư thêm 1 máy dệt nữa. Trung bình, mỗi máy dệt cho lãi khoảng 350.000 – 400.000 đồng/ngày. Từ nguồn thu nhập tăng thêm, năm 2022, anh tiếp tục đầu tư 2 máy dệt, nâng tổng số máy của cơ sở lên 4 máy, thu nhập của gia đình cũng tăng gấp 4 lần so với trước đây.

Tại huyện Đan Phượng, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đan Phượng cho biết, trong thời gian qua, đơn vị đã triển khai cho vay giải quyết việc làm, giúp nhiều lao động tại địa phương có điều kiện khởi nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập.

Chương trình cho vay giải quyết việc làm được NHCSXH huyện triển khai với mức cho vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và 100 triệu đồng đối với hộ gia đình.

Đối tượng cho vay chủ yếu là các cơ sở kinh doanh, hộ gia đình có mục đích sản xuất, kinh doanh rõ ràng, có tiềm năng phát triển, hiệu quả kinh tế cao, có khả năng giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Chỉ tính riêng năm 2022, Phòng giao dịch đã cho 2.390 lao động vay số tiền 112,4 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ đến ngày 31-12-2022 lên hơn 298,2 tỷ đồng, với 6.523 lao động còn dư nợ. Nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm đã góp phần hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch về tạo việc làm trên địa bàn huyện.

Đặc biệt, trong điều kiện phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, đồng vốn được giải ngân kịp thời, trở thành điểm tựa giúp người lao động khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.

Để nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm phát huy hiệu quả, hướng tới mục tiêu mở ra nhiều cơ hội việc làm cũng như đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn cho người lao động, trong thời gian tới, Phòng giao dịch NHCSXH huyện tiếp tục tham mưu đề xuất tăng nguồn vốn từ Trung ương, thành phố và kiến nghị UBND huyện quan tâm chuyển nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH để cho vay.

Phòng giao dịch cũng phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn nâng cao chất lượng bình xét, thẩm định dự án cho vay, bảo đảm nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng; tuyên truyền đến người vay sử dụng vốn đúng mục đích, thực hiện trả gốc, lãi đầy đủ, đúng kỳ hạn.

Người dân được hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm

Người dân được hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm

Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết: Nghị quyết 11 là chủ trương, chính sách đúng đắn và có ý nghĩa lớn trong việc phục hồi kinh tế - xã hội của địa phương sau dịch Covid-19. Ngay sau khi được phép giải ngân các gói vay, Chi nhánh đã kịp thời huy động toàn bộ lực lượng đi đến tận các xã để rà soát đối tượng thụ hưởng, giải ngân nhằm tạo điều kiện để người dân tiếp cận vốn vay nhanh chóng, thuận lợi, đưa nguồn vốn vay kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng. Qua đó, góp phần giúp người dân vượt qua khó khăn, nhanh chóng ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP trên địa bàn TP tính từ khi triển khai thực hiện đến 31/1/2023 là 178.635 triệu đồng, với 2.770 khách hàng được vay vốn; doanh số thu nợ là 1.540 triệu đồng; tổng dư nợ cho vay đạt 177.095 triệu đồng, với 2.749 khách hàng. Trong đó, cho vay giải quyết việc làm doanh số cho vay là 140.000 triệu đồng với 2.414 khách hàng; dư nợ đến 31/1/2023 đạt 140.000 đồng.

Đánh giá hiệu quả nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm từ nguồn vốn Trung ương và nguồn nhận ủy thác của địa phương, ông Phạm Văn Quyết cho hay: "Nguồn vốn đã góp phần thu hút, tạo việc làm ổn định, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, đẩy lùi tín dụng đen ở khu vực nông thôn, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn. Tín dụng chính sách xã hội được triển khai gắn với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển chuỗi liên kết... đã thực sự phát huy hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định. Qua đó, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn Hà Nội, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình 04/CTr-TU và Chương trình 08/CTr-TU của Thành ủy".

Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng chính sách giải ngân qua NHCSXH đã giúp hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn, hộ khó khăn tại khu vực đô thị thay đổi thói quen, nhận thức trong sản xuất kinh doanh, mạnh dạn đầu tư vốn phát triển kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho gia đình, để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bảo Châu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh