THỨ NĂM, NGÀY 21 THÁNG 11 NĂM 2024 09:48

Nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm theo Nghị quyết 11 giúp dân “vượt khó”

Ngay sau khi được Trung ương giao chỉ tiêu vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP về  Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nguồn vốn này đã nhanh chóng được các địa phương đưa đến các với đối tượng thụ hưởng với mục tiêu hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.

Ông Kim Diễn là một trong những hộ ở ấp Kinh Mới, xã An Ninh, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng được giải ngân 50 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Sau khi nhận được tiền vay, ông đã mua 2 con bò sữa để tăng số lượng đàn bò của gia đình, cải thiện kinh tế gia đình sau 2 năm khó khăn do đại dịch. Ông phấn khởi nói: “Nhờ nguồn vốn này, tôi có tiền tái đầu tư việc chăn nuôi, không bao lâu nữa, bò này cho sữa thì nguồn thu nhập mỗi ngày cũng góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Tôi rất cám ơn vì Chính phủ đã có chương trình hỗ trợ kịp thời cho nông dân hậu COVID-19”.

Cũng tại Sóc Trăng, bà Trần Thị Út, ngụ Khóm 4, Phường 3, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng) xúc động cho biết, gia đình bà làm nghề sản xuất, kinh doanh xá pấu chua - ngọt. Năm 2021, tình hình dịch Covid-19 đã làm cho tình hình sản xuất, kinh doanh của gia đình gặp rất nhiều khó khăn, đầu ra sản phẩm giảm rất nhiều. “Được NHCSXH giải ngân cho vay 50 triệu đồng, có vốn trong tay, gia đình tôi đã có thể tiếp tục sản xuất, kinh doanh, chí thú làm ăn để vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống"- bà Út kể.

Người dân làm thủ tục vay vốn

Người dân làm thủ tục vay vốn

Tại  Đak Lak, gia đình chị Nông Thị Phượng (xã Ea Tam, huyện Krông Năng) cũng được vay vốn ưu đãi theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thu nhập bấp bênh, năm 2021 gia đình chị không làm công nhân ở Bình Dương nữa mà quyết định về quê sinh sống. Sau khi được giới thiệu về chính sách cho vay theo Nghị quyết số 11, chị đã làm hồ sơ và được giải ngân 50 triệu đồng để chăn nuôi bò. Chị Phượng chia sẻ, nguồn vốn chính sách là nguồn lực lớn giúp chị ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế sau khi hồi hương.

Tại Thừa Thiên Huế, chị Nguyễn Thị Hồng Loan ở tại thôn Kim Đôi, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền- chủ một cơ sở sản xuất mỳ sợi cho biết, từ khi dịch Covid-19 diễn ra làm ảnh hưởng nhiều đến công việc và thu nhập của gia đình chị, sản xuất bị đình trệ, máy móc, trang thiết bị xuống cấp, không đủ vốn để tái đầu tư. Tuy nhiên, trong lúc khó khăn đang khó khăn về nguồn vốn để tái đầu tư, thông qua ủy thác Hội nông dân xã Quảng Thành, gia đình chị được NHCSXH huyện Quảng Điền cho vay 50 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, nhờ vậy, gia đình chị đã đầu tư, mua sắm, sữa chữa máy móc, trang thiết bị để phục hồi sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 7 lao động tại địa phương.

Cũng như chị Loan, chị Nguyễn Thị Bình ở thôn Quán Hòa, xã Quảng Thành, cũng được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Chị  Bình cho biết nguồn vốn đã kịp thời giúp gia đình cải tạo 20.000m2 hồ tôm và sắm sửa ngư lưới cụ để khai thác nguồn lợi thủy sản, nâng cao thu nhập cho gia đình, ổn định đời sống cho gia đình sau dịch Covid-19.

Có thể thấy, từ nguồn vốn cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, thời gian qua, nhiều người dân trên cả nước đã khôi phục được sản xuất, kinh doanh, cải thiện kinh tế hộ gia đình khi được tiếp cận nguồn vốn vay đầy ý nghĩa này. Không chỉ góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động mà việc triển khai có hiệu quả nguồn vốn cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm còn góp phần giữ chân được người lao động ở lại quê nhà lập nghiệp.

Bảo Châu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh