Huyệt Giải khê, vị trí huyệt Giải khê, tác dụng huyệt Giải khê, giai khe
- Bài thuốc hay
- 14:45 - 07/06/2024
GIẢI KHÊ
Tên Huyệt:
Huyệt ở chỗ trũng giống cái khe suối (khê) ở lằn chỉ (nếp gấp cổ chân) (giống hình 1 cái Giải), vì vậy gọi là Giải Khê.
Tên Khác:
Hài Đái, Hài Đới.
Xuất Xứ:
Thiên ‘Bản Du’ (LKhu.2)
Đặc Tính:
+ Huyệt thứ 41 của kinh Vị.
+ Huyệt Kinh, thuộc hành Hỏa, huyệt Bổ.
+ Nơi tụ khí của kinh Túc Dương Minh.
Vị Trí:
Huyệt giải khê nằm ở chỗ lõm trên nếp gấp trước khớp cổ chân, giữa 2 gân cơ cẳng chân trước và gân cơ duỗi dài ngón chân cái.
Giải Phẫu:
Dưới da là khe giữa gân cơ cẳng chân trước và gân cơ duỗi dài riêng ngón chân cái, khe khớp mác-chầy-sên.
Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh chầy trước.
Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5-S1.
Tác Dụng:
Hóa thấp trệ, thanh Vị nhiệt, trợ Tỳ khí, định thần chí.
Chủ Trị:
Trị tổ chức mềm quanh khớp cổ chân bị viêm, cơ cẳng chân teo, não thiếu máu, thận viêm.
Châm Cứu:
Châm thẳng, sâu 0, 5 - 1 thốn, Ôn cứu 3 - 5 phút.
Tham Khảo:
(“Hàn khí trú tại Vị, khí quyết nghịch từ dưới lên trên tán vào Vị, rồi lại xuất ra từ Vị, gây chứng ợ, châm bổ kinh Túc Thái Âm và Dương Minh [là Đại Đô và Giải Khê]
(Thiên ‘Khẩu Vấn’ (LKhu.28, 15).
(“Chứng phong thủy, chân sưng, mặt đen: châm huyệt Giải Khê là chính” (Giáp Ất Kinh).