THỨ BA, NGÀY 08 THÁNG 10 NĂM 2024 01:37

Hiểu biết về ung thư phổi, hieu biet ve ung thu phoi, Ung thư phổi

Hiểu biết về ung thư phổi

Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong những bệnh nhân ung thư ở nam giới. Tỷ lệ này có xu hướng giảm ở nam giới, nhưng lại tăng ở nữ giới. Theo số liệu ghi nhận ung thư một số vùng ở Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng đầu và chiếm 20% trong tổng số hàng trăm loại ung thư.

Các triệu chứng: Triệu chứng hay gặp nhất của ung thư phổi là ho kéo dài. Thở ngắn, ho có đờm lẫn máu và đau ngực cũng có thể là dấu hiệu chỉ điểm của ung thư phổi. Một thời gian sau bệnh nhân có thể gầy sút, mệt mỏi, thở nông, khàn giọng, khó nuốt, đau xương, thở khò khè và tràn dịch màng phổi.

Cần chú ý rằng có khoảng 13% bệnh nhân không biểu hiện bất cứ một triệu chứng nào như trên khi khối u của họ được phát hiện.

Chẩn đoán:

Có nhiều kỹ thuật được sử dụng để phát hiện ung thư phổi và xác định loại ung thư nhằm đề ra phương pháp điều trị thích hợp.

Ung thư phổi thường được phát hiện đầu tiên bằng chụp Xquang lồng ngực. Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có thể xác định chính xác hơn vị trí của khối u, kích thước và biết được khối u đã phát triển ra ngoài phổi hay chưa. Có thể chẩn đoán bằng cách lấy một mảnh nhỏ (sinh thiết) ở vùng khác thường của phổi.

Phương pháp sinh thiết thông thường nhất là dùng ống nội soi phế quản, là một ống nhỏ, mềm, dẻo đưa qua mũi hay miệng sau khi đã gây tê, đi qua khí quản vào phổi. Phương pháp này được sử dụng trên 80% bệnh nhân và 2/3 có kết quả sinh thiết dương tính. Xét nghiệm đờm tìm tế bào ung thư chỉ có 1/3 số ca có kết quả dương tính. Nếu khối u ở rìa phổi hay ở xa phế quản thì nội soi phế quản hay xét nghiệm đờm có thể không phát hiện được.

Phương pháp chẩn đoán tiếp theo:

Dùng 1 kim nhỏ xuyên qua thành ngực vào vùng bất thường sau khi đã gây tê tại chỗ. Phương pháp này chẩn đoán được trên 90% bệnh nhân. Đôi khi cần thiết phải tiến hành sinh thiết thêm nếu các phương pháp trên không thành công.

Những mẫu sinh thiết lấy được được nhuộm và soi dưới kính hiển vi quang học.

Nguyên nhân:

Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. 90% bệnh nhân ung thư phổ do hút thuốc lá. Mặc dù còn 4% bệnh nhân bị ung thư phổi mà không hút thuốc, nhưng vài người trong số họ đã hít một số lượng đáng kể khói thuốc lá (hít khói của người hút thuốc lá). 90% bệnh nhân ung thư phổi đã hút hơn 10 điếu thuốc lá/ngày trong 20 năm.

Những công nhân tiếp xúc với bụi silic có nguy cơ cao bị ung thư phổi. Nguy cơ này sẽ tăng lên nhiều lần nếu bệnh nhân có hút thuốc lá.

Theo số liệu tại bảng dưới đây thì nguy cơ bị ung thư phổi do hút thuốc lá cao hơn nhiều do tiếp xúc với bụi silic. Chắc chắn là 2 tác nhân trên đều có thể tránh được. (xem bảng)

Những tiếp xúc nghề nghiệp khác liên quan tới ung thư phổi bao gồm tiếp xúc với quá trình luyện thép, niken, crôm và khí than.

Tiếp xúc với tia phóng xạ có nguy cơ bị các bệnh ung thư trong đó có cả ung thư phổi. Những công nhân mỏ uranium, fluorspar và hacmatite có thể tiếp xúc với tia phóng xạ do hít thở không khí có chứa khí radon.

Có nhiều cuộc thảo luận về vai trò của ô nhiễm không khí trong sự gia tăng ung thư phổi. Ung thư phổi ở thành thị cao hơn ở nông thôn. Sau yếu tố hút thuốc lá, có một số nhỏ dân thành thị có nguy cơ ung thư phổi liên quan đến các chất gây ô nhiễm không khí.

Giống như các bệnh ung thư khác, chúng ta chưa biết được nguyên nhân gây bệnh ở các bệnh nhân. Chúng ta không ai biết được tại sao một người nghiện thuốc lá bị ung thư phổi mà người khác lại không bị. Nghiên cứu về lĩnh vực này hiện nay đã có bước tiến đáng kể và đang xác định được những gen có liên quan đến ung thư phổi.

Điều trị:

Phẫu thuật loại bỏ khối u:

Có hiệu quả nhất khi khối u còn nhỏ và chưa có di căn. Bệnh nhân có thể trạng tốt để phẫu thuật. 20% bệnh nhân được điều trị theo phương pháp này. Những bệnh nhân được phẫu thuật lấy toàn bộ khối u có thời gian sống thêm lâu dài.

Phương pháp này được áp dụng cho 35% bệnh nhân. Mục đích là phá hủy khối u khi nó còn nhỏ (thường có đường kính 6cm) và không có di căn. Đối với những khối u lớn thì nó làm giảm sự phát triển của khối u. Phương pháp điều trị này kéo dài cuộc sống của bệnh nhân nhưng ít khi chữa khỏi bệnh.

Điều trị bằng hóa chất:

Có tác dụng tốt ở hầu hết bệnh nhân ung thư phổi loại tế bào nhỏ và đôi khi ở những loại ung thư phổi khác. Những tiến bộ gần đây về hóa trị liệu đã làm giảm đáng kể những tác dụng phụ so với trước đây.

Điều trị hỗ trợ:

Chỉ áp dụng cho khoảng 1/3 bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn không điều trị được bằng các phương pháp kể trên, bao gồm chăm sóc bệnh nhân, điều trị triệu chứng và làm giảm đau.

Cần có một chế độ ăn thích hợp cho bệnh nhân. Tài liệu “Chế độ ăn và dinh dưỡng đối với ung thư” hướng dẫn về điều này. Nghỉ ngơi, chăm sóc về mặt y tế và giải trí đôi khi giúp ích cho bệnh nhân.

Có một số phương pháp điều trị ung thư phổi không được công nhận bao gồm dùng thuốc tẩy, chế độ ăn kì quái và tiêm các thuốc miễn dịch có khả năng gây nguy hiểm cho bệnh nhân và mất thì giờ, mất tiền cần phải tránh.

Triển vọng:

Ở hầu hết các bệnh nhân ung thư, kết quả điều trị tốt nhất khi ung thư được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Ví dụ có 50% bệnh nhân được phẫu thuật lấy bỏ khối u sống thêm được 5 năm. Tuy nhiên số bệnh nhân này còn ít. Trong tất cả các bệnh nhân bị ung thư phổi, chỉ có 10% sống thêm được 5 năm sau khi được chẩn đoán.

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị mới bao gồm đưa chất đồng vị phóng xạ vào phế quản, điều trị bằng tia xạ, điều trị bằng laser, các thuốc hóa chất mới, những nghiên cứu sinh học phân tử đang được tiến hành và đã thu được một số kết quả.

(Theo SKĐS)

Bích Hồng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh