CHỦ NHẬT, NGÀY 08 THÁNG 09 NĂM 2024 09:13

Lưu giữ nét đẹp truyền thống, nghề dệt của phụ nữ Ê đê

Thổ cẩm vừa được dệt xong

Thổ cẩm vừa được dệt xong

Tây nguyên, một dải trường sơn xanh thắm với những cánh rừng đại ngàn. Nơi cư trú của hơn 20 tộc người da nâu mắt sáng, vóc dáng  hiền hòa. Tây Nguyên, vùng đất cao nguyên đại ngàn đầy nắng và gió. Nơi đây có những bản trường ca, sử thi,  truyền thuyết về đồng bào dân tộc. Đắk Lắk cái nôi của văn hóa Tây Nguyên nơi chứa đựng nhiều nét văn hóa dân gian truyền thống, những phong tục tập quán lễ hội. Những người phụ nữ Ê đê ngày ngày cặm cụi bên khung cửi để tạo ra những tấm vải thổ cẩm với nhiều hoa văn độc đáo. Thổ cẩm không đơn thuần là tấm vải bình thường mà ẩn chứa cả tâm hồn của người đồng bào Ê Đê. Mỗi sản phẩm thổ cẩm làm ra đều mang nét đẹp truyền thống của dân tộc, đồng thời nói lên sự cần cù, khéo tay của người phụ nữ.

Sự độc đáo trên từng miếng thổ cẩm của người Ê đê là nhờ ở cách phối hợp màu. Để tạo thành những sợi chỉ màu khác nhau, người Ê đê nhuộm màu trên sợi chỉ trắng. Công thức nhuộm màu dựa vào kinh nghiệm ngàn đời của cư dân khi họ biết được tính năng của các loại lá, vỏ và rễ cây rừng.

Thiếu nữ Ê đê bên khung dệt

Thiếu nữ Ê đê bên khung dệt

Bà H’Wik Niê (buôn Bling, xã Cư M'gar, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) năm nay hơn 60 tuổi. Sản phẩm đầu tay của bà là chiếc địu dài 6m được giữ như một vật kỷ niệm, vì phải mất hai năm mới hoàn thành.

Bà H’Wik cho biết, ngày đó, vừa học dệt vừa tìm nguyên liệu mất nhiều thời gian. Để có chỉ dệt, bà phải tự trồng và thu hoạch bông, kéo sợi thành chỉ. Ngày đó, bà phải lên rừng để tìm cây krum (cách gọi của đồng bào Êđê) làm màu đen cho chỉ vì thổ cẩm của người Ê đê màu đen là chủ đạo, và tìm các loại cây khác để tạo chỉ nhiều màu sắc dệt hoa văn. Đối với đồng bào Ê đê, dệt thổ cẩm không những phục vụ gia đình, mà còn thể hiện sự đảm đang, nét đẹp của người phụ nữ.

Theo bà H'Wik, hiện nay các sợi chỉ bông được thay thế bằng chỉ công nghiệp, đa dạng màu sắc, nên dệt vải đỡ vất vả và không tốn thời gian như trước. Với tay nghề thành thạo, bà làm ra sản phẩm thổ cẩm ưng ý trong vòng một tuần.

Ngoài dệt vải giỏi, bà H’Wik là một người ủ rượu cần có tiếng trong buôn nên được nhiều người tin tưởng đặt ủ rượu vào các dịp lễ, tết. “Gia đình có truyền thống làm rượu cần, từ nhỏ tôi được học và làm quen quy trình ủ rượu. Rượu cần chỉ cần ủ một tháng là có thể mang ra sử dụng, để càng lâu hương vị càng thơm, ngon”, bà H’Wik chia sẻ.

Những sản phẩm được làm bằng thổ cẩm

Những sản phẩm được làm bằng thổ cẩm

Say mê với văn hóa truyền thống, bà mua lại một bộ chén đồng 11 cái, có kích thước khác nhau. Trong các lễ cúng của đồng bào Ê đê, bà dùng nó để đựng thức ăn và rượu cần dâng lên thần linh.

Hiện gia đình bà có hai chiếc ché cổ được bố mẹ để lại hơn 50 năm nay. Theo bà H’Wik, đây cũng là những vật dụng truyền thống bà gìn giữ để truyền lại cho con cháu sau này. Giúp chúng trân trọng, tiếp tục lưu giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống không chỉ góp phần gìn giữ biểu tượng văn hóa cổ truyền của người Ê Đê mà còn có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, giúp địa phương giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
2 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh