THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:58

Độc đáo Lễ cúng Bàn Vương của đồng bào dân tộc Dao

Trong tất cả các ngành Dao đều có một điểm chung trong tín ngưỡng, đó là tục thờ cúng Bàn Vương. Theo truyền thuyết của đồng bào dân tộc Dao, "Bàn Vương" hay còn gọi là "Bàn Hồ", tức là con "Long khuyển" mình dài ba thước, lông đen, vằn vàng, từ trên trời giáng xuống trần và được vua Bình Hoàng yêu quý. Một hôm, nhận được chiến thư của Cao Vương, trong khi chưa tìm ra phương cách giao chiến thì Bàn Vương xin được đi giết Cao Vương. Bàn Vương giết được Cao Vương và được vua Bình Hoàng gả cho cung nữ Cối Kê về sinh sống và sinh được 6 người con trai và 6 người con gái. Vua Bình Hoàng ban sắc cho con cháu Bàn Vương thành 12 họ: Bàn, Phàn, Mãn, Uyển, Đặng, Trần, Lương, Tống, Phượng, Đối, Lưu, Triệu và Bình Hoàng cấp Quá sơn bảng văn để họ phân tán đi sinh sống ở các nơi. Sau khi Bàn Vương gặp nạn và chết đi, đời đời con cháu tổ chức cúng tạ để tưởng nhớ vị vua anh hùng trong lòng dân tộc.

Độc đáo Lễ cúng Bàn Vương của đồng bào dân tộc Dao - Ảnh 1.

Lễ cúng Bàn Vương thường được tiến hành theo trình tự: Gia chủ mời ba thầy cúng. Thầy cúng thứ nhất gọi là thầy cả sẽ cúng trả hai lợn thần cho Bàn Vương và các đời tổ tiên; thầy cúng thứ hai sẽ cúng cầu khấn sức khỏe, thần lúa, thần chăn nuôi; thầy cúng thứ ba cúng trả các lễ vật cho các vị thần và các bậc tổ tiên gần.

Đúng ngày lành, giờ tốt, ba thầy cúng được mời đến nhà gia chủ làm lễ lập đàn cúng; treo hai bộ tranh Tam Thanh cạnh ban thờ tổ tiên (chỉ những người làm thầy cúng mới có bộ tranh này), làm phép tẩy uế, vẩy nước phép khắp nhà, làm phép trấn an, dán các bùa phép (viết bằng chữ Nôm Dao trên giấy bản) quanh nhà, rồi khấn mời ma Bàn Vương, tổ tiên và các thần cùng âm binh của các thầy về dự lễ chẩu đàng.

Trên đàn cúng, lễ vật gồm: một con lợn (lợn thần) đã mổ, gà trống, bánh dày, một túm gạo gói trong vải trắng (sài chiên), giấy bản cúng và 7 siên (vật khí để làm lễ của thầy cúng).

Ba thầy cúng và có thêm ba người đàn ông đứng tuổi ngồi vào hai ghế dài kê song song đối diện hai bên đàn cúng. Thầy cả trịnh trọng khấn, tế lễ, dâng lợn thần cho Bàn Vương, cầu mong Bàn Vương phù hộ cho con cháu trong gia đình và gia tộc. Sau đó, hai thầy phụ và ba người đàn ông lần lượt đọc những bài cúng kể về sự khai thiên lập địa, sự tích nạn hồng thủy, quá trình chuyển cư đầy gian truân của người Dao.

Sau khi cúng tế Bàn Vương, tổ tiên, các vị thần, thánh của gia chủ và gia tộc của gia chủ, các thầy cúng hóa tiền, vàng và làm lễ tiễn đưa Bàn Vương, tổ tiên, các vị thần, thánh về lại cõi âm.

Lễ cúng Bàn Vương trước đây thường diễn ra trong 3 ngày 3 đêm, ngày nay được rút ngắn những vẫn giữ được sự linh thiêng và giá trị nhân văn.

Người Dao coi việc thờ cúng Bàn Vương là một việc làm có liên quan đến vận mệnh của mỗi người, mỗi dòng họ và của cả dân tộc. Đây là nghi lễ mang đậm tính nhân văn, hướng con người luôn nhớ đến nguồn cội và luôn có tổ tiên là Bàn Vương linh thiêng phù hộ trong cuộc sống. Nghi lễ này còn là sợi dây liên kết cộng đồng trong mối quan hệ dòng họ, làng bản.

Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, Lễ hội Bàn Vương đã trở thành một trong những lễ hội quan trọng nhất trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Dao. Đồng thời, trở thành điểm nhấn đặc biệt thu hút du khách đến với huyện, góp phần thúc đẩy ngành du lịch – dịch vụ của địa phương.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
2 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh