THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:36

Đắk Lắk: Gian nan con đường gieo chữ vùng xa

Đường đến trường gập ghềnh, trắc trở

Một ngày đầu năm học mới, chúng tôi đến trường tiểu học Bùi Thị Xuân ở xã Cư San- xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện  M'Đrắk để xem thầy cô bám trường dạy chữ. Đang giữa mùa mưa, nhưng hàng ngàn ha lúa của người dân tại huyện M'Đrắk bị chết khô, hàng chục hộ dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Gần 3 giờ vượt nắng gió, cuối cùng chúng tôi cũng đến được trường. Cô Hoàng Thị Huệ, có thâm niên hơn 10 năm "gieo chữ" cho biết: Cuộc sống của cô trò giờ đỡ hơn thời mới đặt chân đến. Không điện, không nước, không sóng điện thoại… Cư San ngày ấy như tách biệt với thế giới bên ngoài. Thứ ánh sáng duy nhất soi rọi con chữ là ánh đèn dầu leo lét. Vào mùa mưa bão thôn làng chìm trong bóng tối, giáo viên phải tranh thủ soạn bài giảng trước khi "con gà lên chuồng". Để có nước sinh hoạt, giáo viên xin theo dân leo tít lên đồi khoét ao trữ nước rồi chặt ống tre dẫn nước về dùng. Mùa nắng, nguồn nước khô cạn, thầy cô phải thay phiên nhau lên núi vét từng giọt nước nấu ăn, tắm giặt.. rất vất vả.

Hiện, điện, nước đã đầy đủ, chỉ có con đường vào trường vẫn luôn là nỗi ám ảnh với các thầy cô. Cô Huệ ví Cư San như một "ốc đảo" bao phủ bởi đồi cao suối sâu. Muốn vào trường, giáo viên phải vượt 40 cây số đường đất đi từ trung tâm huyện vào hoặc băng rừng hàng chục cây số qua xã Krông Á, xã Cư Pông (huyện Ea Kar) rồi vượt con suối dữ bằng chiếc bè tạm. Đường nào cũng xa xôi, nguy hiểm và mùa nào giáo viên cũng "cược" mạng sống với tử thần. Mùa khô, họ trổ tài "tay lái lụa" lách qua  ổ voi, ổ gà như những "chiếc bẫy" tàng hình dưới trời nắng gắt, nếu không cẩn thận sẽ rơi xuống vực sâu; mùa mưa lũ, các tuyến đường vào trường đều chìm trong nước, chỉ còn cách trèo đồi, vượt suối bằng bè tạm kết từ thân chuối đặt trên chiếc thùng phuy nổi lơ lửng giữa dòng nước xiết. Cô Huệ nhớ lại: Mùa mưa 2011, cô cùng đồng nghiệp lên bè vượt suối, đi được một nửa, nước suối bất ngờ trôi xoáy dữ dội làm bè chao đảo. Rất may có các thầy giáo kéo mạnh sợi dây thừng (được cố định ở hai đầu suối) để vào bờ an toàn. Không riêng cô Huệ mà các giáo viên trường tiểu học Bùi Thị Xuân đều phải đánh cược mạng sống để đến trường. Tuy chưa có trường hợp đáng tiếc xảy ra nhưng chuyện té ngã, trầy xước… xảy ra như cơm bữa. Để tránh hiểm nguy, khi vào mùa mưa các thầy cô chọn cách ở lại trường. Nhiều đêm nhớ nhà, con nhỏ, các thầy cô chỉ biết động viên nhau vượt qua.

Ánh mắt học trò là nghị lực vượt qua

Đắk Lắk: Giang nan con đường gieo chữ vùng xa nhất  - Ảnh 2.

Thầy cô giáo đi bè để vào trường dạy

 Vất vả, hiểm nguy là vậy, song vì tình yêu nghề cùng sự hồn nhiên say mê con chữ của trò nghèo H'Mông đã níu chân bao thầy cô giáo. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk năm 2015, thầy Khúc Thừa Tú (giáo viên lớp 5C) được phân công về trường tiểu học Bùi Thị Xuân. Dẫu biết dạy ở vùng sâu, mọi thứ sẽ khó khăn, thiếu thốn nhưng ngày đầu về trường, thầy Tú vẫn "choáng". Thầy kể: Lần đầu về trường đúng vào mùa mưa, đường sình lầy đi không nổi. Thấy phía trước có mấy giáo viên cũng đang vật lộn với bùn đất, thầy hì hục đi theo. Hơn 2 giờ vừa đi vừa đẩy xe mới tới được trường. Những ngày đầu bỡ ngỡ, được đồng nghiệp động viên, giúp đỡ, thầy Tú dần quen với cuộc sống nơi đây. Đặc biệt nhìn bọn trẻ lấm lem bùn đất, hồn nhiên cắp sách đến trường khiến thầy yêu mến chúng đến lạ. Hơn 5 năm bám trường gieo chữ vùng sâu, thầy Tú luôn trăn trở, tìm cách "kéo" học sinh bỏ học giữa chừng quay lại lớp. Nhiều gia đình khó khăn, hay bắt con em ở nhà đi rẫy. Thầy phải đến tận nhà vận động phụ huynh. Có nhà hiểu chuyện cho con đi học lại, có người cố chấp khiến thầy buồn lòng. Một trong những trường hợp thầy Tú chăm sóc "đặc biệt" là em Trọ A Sàng (sinh năm 2006). Sàng là con thứ 3 trong gia đình có 10 anh chị em đang tuổi đến trường. Nhà nghèo lại đông con nên cứ vào vụ gieo trồng hay thu hoạch gia đình lại bắt em nghỉ học. Kiên trì "mưa dầm thấm lâu", thầy Tú cũng đưa được em Sàng trở lại học, đến nay đã học tới lớp 5.

Đắk Lắk: Giang nan con đường gieo chữ vùng xa nhất  - Ảnh 3.

Học sinh học trong lớp tạm làm bằng tôn

Cũng có trường hợp phụ huynh thiếu hiểu biết, hay gây chuyện khiến các thầy cô giáo phiền lòng như trường hợp của cô Phạm Thị Dung (giáo viên lớp 3B). Cô Dung kể: Hôm cô mang khung ảnh lên lớp dạy học,  học sinh Thào Seo Chính nghịch làm vỡ. Sợ cô giáo phạt, Chính không chịu đến trường. Cô Dung đến nhà tìm hiểu thì bị phụ huynh la chửi, bắt cô đền tiền vì làm cho con họ bỏ nhà đi. Mặc cho cô Dung giải thích, phụ huynh em Chính một mực không nghe, khiến cô ấm ức chỉ biết khóc. May có thầy cô giáo trong trường và trưởng thôn đứng ra phân tích, phụ huynh mới hiểu chuyện, không làm khó cô giáo, tiếp tục cho con đến trường. Nỗi buồn nhanh chóng qua đi, cô Dung lại say sưa đứng trên mục giảng. Với cô khó khăn cũng là thử thách giúp trưởng thành hơn trong công việc và cuộc sống.

Học cùng trường và về dạy cùng đợt với thầy Tú là cô Lưu Thị Phương (giáo viên lớp 3C) luôn được học sinh yêu mến bởi giọng nói nhỏ nhẹ, ấm áp. Nhà cô Phương ở trung tâm huyện M'Đrắk, cách trường 40 cây số nhưng do đường khó đi nên cô ở lại, cuối tuần mới về. Mỗi lần lên trường, cô thường vận động gia đình người thân, bạn bè… góp quần áo, giầy dép  mang vào trường. Quần áo nhỏ cô cho học sinh, đồ lớn thì tặng phụ huynh. Món quà không lớn, song học sinh, phụ huynh đều vui vẻ đón nhận. Đáp lại sự yêu thương của cô, nhiều em mang quà là cây nhà lá vườn… tặng cô giáo, tỏ lòng biết ơn.

Đắk Lắk: Giang nan con đường gieo chữ vùng xa nhất  - Ảnh 5.

Đường vào trường tiểu học Bùi Thị Xuân

"Gieo chữ" ở vùng xa, vào những ngày lễ, như 8/3 hay 20/11 của thầy cô giáo nơi đây rất giản đơn nhưng vô cùng ấm áp. Cô Phương cho hay: Ngày lễ, các em học sinh thường hay đến nhà nội trú chơi với thầy cô. Thứ chúng mang tặng là những đóa hoa dại thơm ngát hay khúc mía, quả chuối… khiến chúng tôi cảm thấy thật xúc động. "Nhận những món quà ấy mình rất vui. Chúng làm mình càng yêu thêm nghề, tạo động lực để mình tiếp tục gắn bó với mái trường". Cô Quản Thị Thanh Liễu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện trường có 438 học sinh, trong đó chỉ có 1 em là dân tộc Kinh, còn lại đều là đồng bào dân tộc H'Mông. Trường có 10 phòng học trong đó có 2 phòng tạm làm bằng tôn, do không đủ phòng nên học sinh chỉ học một buổi. Từ khi thành lập trường (năm 2009) đến nay không được đầu tư, tu sửa do khu vực trường nằm trong diện tích quy hoạch hồ thủy lợi Krông Pắc Thượng khiến việc dạy học gặp nhiều khó khăn. Dẫu vậy, các thầy cô giáo  vẫn luôn tâm huyết, gắn bó với học sinh vùng sâu Cư San.


Lê Nhuận

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh