THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:36

Lặng thầm gieo chữ vùng sâu

 

Nơi phòng bỏ không, nơi phải học ghép 3

Trường tiểu học Nà Ven là phân hiệu của trường tiểu học Nguyễn Du, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk. Ngôi trường chỉ 2 phòng học được xây kiên cố nằm giữa bãi đất trống, xung quanh cỏ mọc um tùm. Xây dựng được 5 năm theo diện dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đến năm học 2016-2017, Trường chỉ có 5 học sinh nhưng 3 trình độ khác nhau (1 học sinh lớp 1, các lớp 2 và 3 mỗi lớp có 2 học sinh).

Giáo viên Nguyễn Thị Thương, chia sẻ: Do số học sinh quá ít, nên nhà trường đã gộp thành một lớp “3 trong 1”,  2 tấm bảng ở hai đầu. Mỗi buổi học, cô Thương cùng lúc dạy gộp cả 3 lớp, buộc cô phải chạy qua chạy lại hai tấm bảng để dạy các em học.

Ông Hoàng Quốc Hội, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Du cho biết: “Điểm trường Nà Ven được thành lập hơn 5 năm. Các năm trước điểm trường này có 4 trình độ từ lớp 1 đến lớp 4 nhưng năm nay học sinh lớp 4 được bố mẹ chuyển trường nên chỉ còn 3 lớp. Việc bố trí giáo viên được điều động luân phiên qua các năm và được hưởng chế độ lớp ghép”. 

Vì ít học sinh nên trong khoảng 7 năm nay, trường này bị bỏ hoang, bàn ghế xếp đống không sử dụng. Ngoài một phòng được ban tự quản thôn mượn để làm nơi sinh hoạt tập thể. Còn lại phòng bị bỏ trống, phòng bị môt số người dân chiếm dụng làm của riêng để chứa phân bón, nông cụ. Nhà vệ sinh, công trình nước sạch rêu mốc, cỏ mọc um tùm. Khuôn viên quanh trường được người dân tận dụng để trồng hoa màu đó là điểm trường đội 2, thuộc trường tiểu học Cư Pul, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk được xây dựng theo dự án “Xây dựng điểm trường cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”do quốc tế đầu tư được khởi công xây dựng đưa  vào giảng dạy từ năm 2004.

Trường Nguyễn Du nơi có lớp học ghép.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Cư Pul cho biết: “Sau khi xây dựng xong, điểm trường được đưa vào hoạt động ngay với 3 trình độ từ lớp 1 đến lớp 3, mỗi lớp từ 3 đến 5 em học sinh. Điểm trường duy trì đến năm học 2010-2011 thì ngừng vì không tuyển được học sinh. Trường có làm báo cáo gửi phòng giáo dục về vấn đề trên. Những năm sau đó, có 1,2 học sinh, nhưng phụ huynh tình nguyện chở con em mình ra tận trường chính để học. Năm học này, điểm trường đội 2 có 1 em học sinh lớp 1, nhưng cũng được gia đình đưa đón ra trường chính học. Hiện tại, điểm trường được địa phương mượn để sinh hoạt. Những năm học tới đây, nếu tuyển được học sinh thì điểm trường sẽ vẫn được mở lại”.

Phòng học được mượn để chứa vật liệu điểm trường đội 2

 Hành trình gian nan gieo chữ

 Chúng tôi đến thôn Noh Prông, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, nơi sinh sống của đồng bào Mông di cư ngoài kế hoạch với 371 hộ và 2.121 khẩu, trong đó số trẻ em trong độ tuổi đi học chiếm 1/3 dân số. Địa hình cách trở, nằm biệt lập bên kia suối Êa Noh Prông. Để ra được trung tâm xã, phải đi qua chiếc cầu gỗ tạm bợ do dân trong thôn tự làm bắc qua con sông Krông Ana.

Thầy Bùi Qúy Hiểu, phụ trách điểm trường Trung học cơ sở ở thôn Noh Prông cho biết: “Trường có 20 thầy cô vào thôn giảng dạy hiện đi bằng cầu tạm do người dân tự làm, đoạn đường vào thôn là con đường duy nhất đi và vận chuyển nông sản của người dân nên đường bị cày xới, lầy lội không thể đi được mà phải đi tắt qua rẫy cà phê. Trời nắng có cầu tạm đi nhưng đến mùa lũ về nước lớn cầu tạm bị cuốn trôi, muốn vào thôn không còn cách nào khác thầy cô phải liều mình đi trên những chiếc bè do người dân tự chế từ mấy bó nứa lồ ô mà không hề có phương tiện bảo hộ, luôn ẩn chứa những hiểm họa không lường”. Năm học này, có 35 thầy cô giáo từ mầm non đến trung học cơ sở hàng ngày phải lặn lội vào thôn dạy học. Chuyện thầy cô phải xắn quần xách dép lội bộ, bị sụt chân, té xuống sông hay sách vở nhúng bùn diễn ra hàng ngày. Học sinh ở đây hầu hết là dân tộc Mông, họ lo lên rẫy kiếm cái ăn, cái mặc nên việc học chưa thực sự coi trọng, học sinh bỏ học thường xuyên, giáo viên phải đến tận nhà tìm hiểu động viên khuyến khích các em đến lớp.

  Đôi mắt trong veo ngây thơ khát khao được học chữ

  Điểm trường Đắk Sar, một phân hiệu của trường tiểu học Y Ngông Niê Kđăm (Buôn Đắk Sar, xã Đắk Nuê, huyện Lắk) có 199 học sinh với 8 lớp học. Dù mới được đầu tư xây dựng nhưng do không đủ cơ sở vật chất nên trường phải mượn 2 phòng học của điểm trường mầm non Hoa Cúc để dạy. Nhà nội trú cho giáo viên chưa có nên chỗ ngủ, chỗ ở của các thầy cô giáo là mấy bộ bàn ghế ghép lại với nhau. Cô H’Diệu Triếk (sinh 1991) nhớ lại những ngày đầu về điểm trường Đắk Sar: nhà ở xã Bông Krang cách hơn 40 km, nên cô “cắm buôn” ở đây cả tháng mới về nhà. Những ngày đầu vào công tác, nơi đây chưa có điện, tối đến buôn chìm trong không gian tĩnh mịch, chỉ có mấy ngọn đèn dầu le lói. Nước sinh hoạt khan hiếm, các cô phải đến nhà người dân xin dùng, các thầy phải đi bộ ra suối cách trường 1 km để tắm giặt. Nghĩ mà chạnh lòng, muốn bỏ nghề, nhưng nhìn những đứa trẻ với ánh mắt trong veo ngây thơ, khát khao được học chữ lại thấy động lòng, tâm hồn dịu lại, biết yêu thương và chia sẻ nhiều hơn.

LÊ NHUẬN-NGỌC ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh