Đổi mới, tạo sự chuyển biến về quy mô, chất lượng, hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp
- Giáo dục nghề nghiệp
- 21:36 - 16/01/2024
Năm 2023, công tác giáo dục nghề nghiệp đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong đó, tuyển sinh ước đạt gần 2,3 triệu người (đạt 100% kế hoạch năm). Công tác tuyển sinh đã có nhiều tín hiệu tích cực, thực hiện việc phân luồng tốt hơn, đặc biệt là tuyển sinh được nhiều học sinh, sinh viên đăng ký học các ngành, nghề trọng điểm mũi nhọn. Tốt nghiệp ước đạt hơn 2 triệu người.
Chỉ số "Chất lượng đào tạo nghề" (B6) được nâng lên ít nhất 5 bậc. Theo số liệu điều tra, thống kê về Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2023, chỉ số chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam dựa trên kết quả đánh giá của doanh nghiệp đã có những bước thăng hạng nhảy vọt. So với năm 2022, chỉ số chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam với điểm trung bình trọng số 4.82 trên thang điểm 7 đã tăng 8 bậc, vượt chỉ tiêu do Chính phủ giao (5 bậc). Trong khu vực ASEAN, Việt Nam nằm trong tốp 4 và chỉ xếp sau Singapore và Indonesia... Nhiệm vụ trọng tâm được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề ra trong năm 2024 là, tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến về quy mô, chất lượng, hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp;tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành trọng điểm, mũi nhọn đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, ưu tiên cho các lĩnh vực, ngành nghề mới với kỹ năng mới, góp phần nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Chỉ tiêu cụ thể được đề ra là: tuyển sinh hơn 2,4 triệu người (trình độ cao đẳng, trung cấp là 530.000 người; trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng là 1,9 triệu người); tốt nghiệp hơn 2,1 triệu người (trong đó: trình độ cao đẳng, trung cấp là 346.000 người; trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng là 1,8 triệu người).
Các nhiệm vụ cụ thể sẽ được thực hiện trong thời gian tới là: Thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ, phát triển và đổi mới giáo dục nghề nghiệp; tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu, chất lượng, hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, thực tập, đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng cho thị trường lao động; đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp, phát triển kỹ năng mềm, hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy công tác tuyển sinh, đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động, nhất là ở những địa bàn, khu vực kinh tế trọng điểm, tập trung đông các khu công nghiệp, khu chế xuất, những ngành nghề mới, kỹ năng mới; thúc đẩy đào tạo lao động có trình độ tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu phát triển trên các lĩnh vực, chuẩn bị cho xu thế chuyển dịch đầu tư, góp phần nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế...
Theo số liệu thống kê, hiện nay, cả nước có 1.886 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 399 trường cao đẳng, 429 trường trung cấp và 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập hiện có 684 cơ sở (chiếm 36,2%) . So với thời điểm ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương, cả nước đã giảm được 181 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập (giảm 14%).
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đã ghi nhận và biểu dưỡng những cố gắng vượt bậc của Tổng cục GDNN trong năm 2023, mặc dù rất khó khăn nhưng đã kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ thực hiện tốt các Nghị quyết của Ban cán sự Đảng, các chính sách phát triển GDNN. Đặc biệt trong năm 2023 tuyển sinh GDNN hoàn thành 100% kế hoạch đế ra ...
Về nhiệm vụ trong năm 2024 của ngành GDNN, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng yêu cầu bám sát các chỉ tiêu và 10 giải pháp mà Tổng cục GDNN đã đè ra trng năm 2024, trong đó Thứ trưởng lưu ý Tổng cục GDNN cần chủ động đánh giá Luật GDNN, từ đó có đề xuất sửa đổi cho phù hợp thực tế. Hiện nay, chúng ta đã ban hành hành Chỉ thị 29, Chiến lược, qui hoạch GDNN... Tổng cục GDNN cần lựa chọn và ưu tiên các công việc trọng tâm, trọng điểm cho phù hợp với thực tế. Tổng cục GDNN cần kiện toàn cơ cấu và chức năng bộ máy... Rà soát, niên cứu các mô hình đào tạo nghề gắn với danh nghiệp, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế bền vững..
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số gắn liền với truyền thông, phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông các hoạt động về GDNN nhằm nâng cao nhận thức của người học, gia đình, xã hội và doanh nghiệp về các chủ trương, chính sách, xã hội hóa trong GDNN. ”Sự sống còn của GDNN là tuyển sinh, vì vậy ,Tổng cục GDNN cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này bằng cách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các trường nghề trong công tác tuyển sinh”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh!
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Tấn Dũng và ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội nghị, Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng khẳng định thời gian tới, Tổng cục GDNN sẽ cố gắng hoàn thành những nhiệm vụ do Bộ và các Lãnh đạo Bộ giao phó, đảm bảo tinh thần dân chủ trong đơn vị, tạo sự đoàn kết để khai thác tốt nhất những cơ hội phát triển GDNN trong năm 2024.