Cô giáo trường làng nuôi ước mơ gieo chữ nơi cửa bể
- Tra cứu phẫu thuật
- 04:26 - 26/06/2015
Lớp học tình thương nơi xã nghèo
Tháng 9/2001, cô Nguyễn Thị Thông về nghỉ chế độ sau 35 năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong ngành giáo dục nhưng lòng yêu nghề, yêu trẻ cứ vấn vương, níu giữ bước chân cô. Những phận trẻ mồ côi cha do đi biển đã mãi mãi không trở về, những gia đình quá khó khăn không có tiền cho con đi học, hay những đứa trẻ tật nguyền thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sự chăm sóc của gia đình…luôn khiến cô day dứt khôn nguôi.
Lớp học tình thương của cô Nguyễn Thị Thông
Cảm thương cho những số phận bất hạnh ấy, trong suốt 14 năm qua, hết khóa học này đến khóa học khác, cô Thông đã tận tâm giúp đỡ hàng trăm học trò nghèo vùng biển xã Ngư Lộc mà không thu bất kỳ đồng học phí nào. Cô Thông cũng đã trở thành người bà, người mẹ, người thầy của lũ trẻ nghèo lam lũ ở cái xã nghèo bãi ngang hứng chịu nhiều bão lụt nhất tỉnh Thanh Hóa.
Nhớ lại những ngày đầu trước khi quyết định mở lớp, cô kể: “Sau ngày nghỉ, tôi luôn suy nghĩ làm gì để có tiền như chế biến hải sản, kinh doanh buôn bán, hay mở lớp dạy thêm thu phí cũng được… nhưng tôi muốn chọn một việc làm gắn bó với tình làng nghĩa xóm, có ý nghĩa với đời, có ý nghĩa với người Đảng viên được học và làm theo lời Bác lại phù hợp với hoàn cảnh, năng lực của mình. Từ đó, tôi quyết định mở lớp dạy miễn phí cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chưa có điều kiện đến trường hay người lớn mù chữ hoặc tái mù…giúp họ biết chữ để hòa nhập cộng đồng, có điều kiện nâng cao thu nhập, tìm kiếm việc làm và góp phần nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục của các trường tiểu học vững chắc…”
Tháng 2/2002, cô Thông đã xin chính quyền xã được mở lớp học tình thương cho trẻ em nghèo ngay tại nhà và không thu học phí. Lớp học đầu tiên chỉ có 16 em, trong đó có tới 8 em mồ côi. Bàn ghế dành cho học sinh ngồi cũng chỉ là những cánh cửa nhà, cửa bếp ọp ẹp, cũ kỹ được kê trên những viên gạch vỡ. Chiếc bảng viết ngày đó là tấm cót ép đã rách mép...Đó là tất cả những gì mà cô giáo Nguyễn Thị Thông gây dựng làm hành trang "gieo" con chữ.
Tuổi đã cao nhưng ngày ngày cô Thông vẫn cần mẫn là "người đưa đò thầm lặng"
Không chỉ dùng đồng lương hưu ít ỏi của mình để mua sách vở, đồ dùng học tập cho các em, cô còn đến các trường trên địa bàn huyện, vận động các nhà hảo tâm để xin sách giáo khoa, vở, bút, đồ dùng học tập… mang về cho các em học sinh nghèo. Việc dạy học cho các em cũng gặp rất nhiều khó khăn do học sinh trong lớp chênh lệch về tuổi khá lớn. Để các em đều nắm được kiến thức, cô đã tận tâm chỉ dạy từng ly, từng tý, coi các em như con em của mình. Cô kể: “Tôi chăm các cháu như con cháu ruột thị của mình, đói cho ăn, ốm cho thuốc, tôi lại thường xuyên thăm hỏi, động viên các trường hợp không có ham muốn học tập, tận tình chỉ bảo đến nơi, đến chốn, cô trò thân thiết như người một nhà. Nhiều em nhà của dột nát tôi đã mạnh dạn đề xuất với thôn, với xã hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, đến nay đã có 7 gia đình hiện đang sống trong căn nhà ấm cúng đầy hạnh phúc”.
Sau 14 năm (2002-2015) đến nay cô Thông đã dạy miễn phí cho 97 em có độ tuổi từ 11 đến 19 tuổi, 90 em đã hoàn thành chương trình tiểu học và tiếp tục học lên tại các cơ sở đào tạo; 59 người (độ tuổi 20-60) học xóa mù giờ đã biết chữ. Hiện tại cô đang dạy 1 lớp 7 em học sinh. Riêng năm học 2014-2015 cô đã dạy xóa mù cho 5 người lớn tuổi biết đọc thông, viết thạo. Mới đây, lớp học của cô đã được UBND xã cho mượn phòng học khang trang hơn tại Trung tâm học tập cộng đồng. Vậy là cô và trò đã không còn phải ngồi học trong lớp học tạm bợ nữa.
Lớp học của cô giờ đây nhiều người đã trưởng thành từ những đứa trẻ không biết chữ, 6 đứa trẻ nhờ cô dạy dỗ đã được đi xuất khẩu lao động, một số em học nghề thợ mộc, máy khâu…số còn lại đã trở thành lao động chính trong gia đình. Với nhũng người lớn tuổi, nhờ được học chữ có thể kinh doanh, buôn bán, học nghề thuyền trưởng, máy trưởng…phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống gia đình và làm giàu cho quê hương.
“Còn sức khỏe sẽ tiếp tục mở lớp dạy học…”
Đã bước sang tuổi gần 70, nhưng hàng ngày cô Nguyễn Thị Thông vẫn cần mẫn bên những trang vở, từng bước dạy chữ, nuôi ước mơ cho những đứa trẻ nghèo nơi đây.
Cô Nguyễn Thị Thông vinh dự nhận quà của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thi Doan trao tặng
tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Thanh Hóa lần thứ IX
Không quản ngày đêm, vừa dạy học cô vừa tham gia các phong trào khuyến học ở địa phương. Phong trào hội khuyến học xã nhà cũng vì thế ngày càng phát triển. Ghi nhận những cố gắng vượt bậc của cô trong suốt nhiều năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, cô liên tục được Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp khen ngợi với những phần thưởng cao quý: Nhà giáo ưu tú, thư khen ngợi của Chủ tịch nước, bằng khen của tỉnh, của Trung ương hội…
Chia sẻ với chúng tôi cô chỉ cười bảo: Còn sức khỏe tôi sẽ tiếp tục mở lớp dạy học, tiếp tục gắn bó với lớp học tình thương này để góp phần nhỏ bé của mình giúp cho những đứa trẻ nghèo, những người không biết chữ thêm cơ hội để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.