THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 01 NĂM 2025 12:04

Gieo chữ nơi bản nghèo

 

 “Thương các em lắm, có em buổi sáng đi học chỉ có nắm xôi, có em còn không được ăn gì nữa.”, cô giáo  Mai Thị Thùy Hương, giáo viên điểm trường Cu Tiêng, Trường Tiểu học và THCS Ba Tầng mở đầu câu chuyện với chúng tôi trong ánh mắt, giọng nói trầm buồn. 

Dù khó khăn, thiếu thốn nhưng các em vẫn ham học

Cô Hương kể, Trường Tiểu học và THCS Ba Tầng có 60 giáo viên, với 43 lớp, thuộc cấp 1 và cấp 2, với khoảng  gần 900 học sinh. Đa số các em đều có cuộc sống rất khó khăn. “Trong lớp 1 mình đang theo dạy có 16 em thì cả 16 em đều thuộc diện gia đình hộ nghèo. Cuộc sống gia đình chủ yếu trông vào việc lên nương làm rẫy, trồng sắn.” - cô giáo Mai Thị Thùy Hương chia sẻ.

Đôi chân trần trong bộ đồng phục áo trắng đã ngả màu, những nét chữ ngay ngắn trong đôi bàn tay nhỏ nhắn vốn đã quen với công việc theo cha mẹ lên nương làm rẫy, nay đã chăm chỉ, cần mẫn trong từng nét chữ. Cô Hương cho biết, thiếu thốn là vậy, đường xá đi lại tuy đã khá hơn trước nhưng vẫn còn khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ, thế nhưng các em vẫn đến trường...

 “Thấy các em đến trường là mừng lắm. Năm nay thời tiết cũng thuận lợi, chưa mưa nhiều nên các em đến trường khá đều. Thường vào đầu mỗi năm học, giáo viên đều đến tận nhà thăm hỏi gia đình các học sinh, để vào năm học phụ huynh nhắc con đi học. Các em từ đó cũng đã tạo được thói quen và niềm vui khi đến trường.”, một giáo viên điểm trường Cu Tiêng chia sẻ.

Các em đã chăm chỉ đến lớp hơn.

 Không chỉ thiếu thốn về cái ăn, cái mặc, chuyện thiếu sách, thiếu vở đến trường đối với các em là chuyện xảy ra thường ngày. “Đầu năm học, đối với học sinh lớp lớn thì còn có quà, phần thưởng từ năm học trước để lại, ai còn thiếu gì thì nhắc phụ huynh mua thêm cho con.  Nhưng đối với học sinh lớp 1 thì khác, các em từ mầm non lên, có ít gia đình chuẩn bị đầy đủ cho con đi học nên thường thì giáo viên tự mua cho các em như vở ô li để các em tập viết đúng độ cao chữ, hay các dụng cụ học tập: bút chì, tẩy... để các em học tập.”, cô Hương cho biết.

Nhìn đôi bàn tay nhỏ nâng niu lật từng trang sách giáo khoa không còn thơm mùi giấy mới, vừa được các anh chị quyên góp gửi tặng, em tập đọc, em tập tô, em thì chăm chú nhìn theo từng hình vẽ sinh động mới thấy sự ham học của các em nhỏ nơi đây.

“Thấy các em còn nhiều thiếu thốn càng thôi thúc mình phải làm điều gì đó nhiều hơn cho các em, có thể chỉ là những việc nhỏ thôi như có thêm cho các em những đôi dép, thêm sách vở, thêm chiếc áo ấm khi mùa lạnh đang dần về nơi các em đang ở.”, bạn Nguyễn Thị Lệ Thủy, một thành viên trong nhóm từ thiện tâm sự.

          Sáng sớm nơi bản làng, sương phủ trắng đầu, cái lạnh se se của ngày chuyển mùa như len lỏi trong từng căn nhà, con đường và cả trong những nghĩ suy. Chợt nhớ đến những hình ảnh các em nhỏ hôm qua, vẫn chỉ một manh áo che thân, không quần, không dép và cả không mũ…mà thấy nghèn nghẹn.

          Chia tay bản làng sương mờ với nỗi niềm như day dứt, tôi càng hiểu hơn vì sao một cô giáo trẻ có điều kiện, với cả tương lai tươi sáng rộng mở, từng có thời gian dạy ở một ngôi trường thành phố lại chọn cho mình gắn bó với sự nghiệp gieo chữ ở nơi bản nghèo này. 

Cô giáo  Mai Thị Thùy Hương, giáo viên điểm trường Cu Tiêng phát quà cho các em học sinh

Trong thiếu thốn các em vẫn ham học

Đoàn từ thiện phát quà cho các em học sinh Trường Tiểu học và THCS Ba Tầng

Sương phủ trắng nơi bản làng.

BÙI MINH/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh