CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:02

Tâm tư người gieo chữ rẻo cao

 

Lăn lóc với trẻ vùng cao

Ngoài già làng, trưởng bản, bán bộ xã ra thì người có uy tín ở các bản, làng, phun, sóc xa xôi vẫn là giáo viên. Người giáo viên không đơn thuần là người “cõng chữ lên non” mà là những “tuyên truyền viên”, lời nói của họ rất có giá trị, nhiệm vụ đặc biệt là đào tạo nên con người – một tiềm lực quan trọng bậc nhất để phát triển đất nước.

Dưới một khía cạnh khác, giáo viên rẻo cao là cha, là mẹ của trò nghèo miền núi. Môi trường làm việc của họ là sương giăng mây phủ, dột nát, xộc xệch, chênh vênh, ngay như tiếng Việt còn thiếu chứ chưa dám nói đến cơ sở vật chất. Có người phải lọc cọc, thậm chí phải “cuốc bộ” nửa ngày đường mới đến trường, phải ăn, phải ngủ, phải lên rẫy cuốc đất trỉa ngô cùng dân mới mong kéo được một đứa trẻ đến lớp trong khi họ vẫn còn gia đình của mình.

 

Bỏ biên chế đối với giáo viên liệu có nâng cao được chất lượng giáo dục


Họ còn là người chở che cho trẻ côi cút trên đỉnh núi chênh vênh. Đơn cử như cô bé Sùng Thị Mảy (học lớp 6, xã Mồ Dề), cha mất, mẹ đi lấy chồng, mấy năm rồi em chưa nhìn thấy mẹ,…những đứa trẻ côi cút như thế này ở miền núi không thiếu, với chúng thiếu ăn, thiếu chữ, thiếu cả tình thương. Và, chính thầy giáo Trần Mạnh Cường đã mang lại cho chúng hơi ấm, tình cảm của một người cha. Quê thầy Cường cách xã Mồ Dề gần 200 cây số, vợ, con, bố mẹ thầy đều ở quê, một mình thầy lên Mồ Dề dạy học, sáng thầy ngược dốc lên núi dạy các em, chiều thầy lại như người cha đi từ bản này sang bản khác xem các em ăn ở như thế nào, nên trồng cây gì, nuôi con gì để có thức ăn.

Hoặc như cô giáo Quách Thị Sáng, quê ở Thanh Hóa lên tận huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) để dạy học. Học trò của cô là những đứa trẻ người Mông như Hờ Thị May, Hờ A Dính, Thò A Sử,… nhà của đám trẻ này sống cách xa trường khoảng 30 km đường rừng, tít trên đỉnh núi Pú Xi mây giăng bao phủ quanh năm. Hơn mười năm cắm bản, cô đã quen với cuộc sống chỉ cây cối, đèo dốc và đám học trò dân tộc. Vì đặc thù công việc nên vợ chồng cô đã xác định sống trọn đời ở đây.

Những giáo viên từ xuôi miền núi dạy học đa phần là phải xa gia đình, xa chồng con, cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn, điện nước cũng chẳng có. Cô giáo Hoàng Thị Xiêm, quê ở Yên Bái lên huyện Sìn Hồ (Lai Châu) chia sẻ, trình độ dân trí của người dân ở đây còn thấp, cuộc sống có khăn, chưa có điều kiện quan tâm con em đến trường, học sinh nghỉ nhiều, chính các cô phải đến từng nhà để động viên.

Lỗi không phải do giáo viên

Nhà trường không như doanh nghiệp, nếu như người đứng đầu nhà trường không thực sự có tâm huyết, có tính đố kỵ, nay dọa cắt hợp đồng, mai cắt hợp đồng thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý giáo viên bởi họ không có nhiều cơ hội lựa chọn nơi làm việc, hay nói chính xác hơn là, một phải “cố đấm, ngoan ngoãn” nghe lời lãnh đạo dù sai; hai là thất nghiệp, hoặc có khi đi xã khác, huyện, tỉnh khác mà xin việc. Lúc này liệu các nhà hoạch định chính sách sẽ bàn đến giáo dục hay bàn đến việc làm?

 

Giáo viên vùng cao còn lắm gian nan


Dưới một khía cạnh khác, nhiều giáo viên tâm sự: “Ngày ra trường chúng tôi mới đôi mươi, 20 năm lăn lộn với rừng núi, với đám trò thuộc dân tộc thiểu số, chúng tôi đã già đi rất nhiều, tóc đã ngã màu. Giả như có bỏ biên chế, bỗng dưng bị sa thải, thất nghiệp trong một phút giây ngắn ngủi so với 20 năm cống hiến cả tuổi trẻ cho giáo dục. Khi còn trẻ chúng tôi cũng năng động so với thời cuộc, giờ đã già, sự năng động sáng tạo làm sao có thể bằng giới trẻ”.

Vậy thì làm sao có thể có cơ hội tìm kiếm việc làm nếu chính sách hợp đồng không hợp lý?Là giáo viên, không chỉ dạy trò kiến thức mà còn dạy đạo đức lối sống, nên hơn ai hết giáo viên là người tự ý thức nhất về năng lực của mình, nói cách khác họ có lòng tự trọng khi đứng trên bục giảng. Cô giáo Nguyễn Thị Sáu (Trung tâm GDTXDN Như Thanh, một huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa) tâm sự: “Đâu đó vẫn còn có giáo viên chưa thực sự chất lượng nhưng họ đều tâm huyết với nghề, đứng trên mục giảng vì lòng yêu nghề, yêu trò và vì lòng tự trọng nữa. “Nếu giáo viên dạy dỗ không tốt thì bản thân thầy cô đó sẽ bị học sinh và đồng nghiệp coi thường, đó là hình phạt lớn nhất với nghề giáo”.

Khi bàn đến việc bỏ biên chế đối với giáo viên, Giáo sư Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nói đến nhiều bất cập, nó sẽ ảnh hưởng đến toàn hệ thống giáo dục: “Hàng triệu người chịu thương chịu khổ, suốt đời hưởng đồng lương còm cõi theo chế độ biên chế mà lặng lẽ dạy học ở bất cứ nơi khó khăn nào, có người đã hy sinh tuổi thanh xuân, nay đã có tuổi, sức đã yếu, giờ phải bước ra khỏi biên chế nhà nước, ký hợp động lao động lại với chính ngôi trường mình đã nhiều năm gắn bó... Có cái gì đó cảm thấy bị tổn thương!”.

Nói “biên chế” là chỗ dựa cho giáo viên là đúng. Đúng ở chỗ khi có biên chế, giáo viên hoàn toàn yên tâm về mức lương, về vị trí làm. Ngành nghề ổn định thì giáo viên mới chuyên tâm tập trung vào chuyên môn và ngược lại.

 

Là giáo viên ở huyện Phú Quốc (Kiên Giang), thầy Lê Nhật Tiến (Trường Tiểu học THCS Hòn Thơm) chia sẻ: “Ở hải đảo, cơ sở vật chất còn chưa đáp ứng yêu cầu, có nơi điện còn chưa có, chưa đủ dùng… Nếu Bộ GD&ĐT tiến hành bỏ biên chế thì có tăng lương cho giáo viên hay không? Đồng lương giáo viên đủ nuôi sống gia đình thì thầy cô mới quên đi chuyện “cơm áo, gạo tiền” để hết lòng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Với đồng lương thấp, những người yêu nghề và chọn theo nghề đã chấp nhận thiệt thòi ở góc độ nào đó so với các ngành nghề khác”.

HẠNH NGUYÊN - CÙ HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh