Xâm hại rừng: Cần hành động quyết liệt chứ không thể nói suông
- Pháp luật
- 21:06 - 26/04/2020
Nạn xâm lấn rừng, phá rừng trái phép vẫn đang diễn biến phức tạp, dai dẳng kéo dài chưa thấy hồi kết. Điểm nhanh tình hình thời gian ngắn gần đây, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có hàng chục vụ vi phạm pháp luật liên quan đến rừng xảy ra trên khắp các địa bàn có rừng của tỉnh, như: A Lưới, Phú Lộc, Phong Điền, Nam Đông, TX. Hương Thuỷ… được báo chí phản ánh, cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, bắt giữ.
Khi nào rừng an toàn?
Tháng 9/2018, báo Vietnamnet phản ánh thực trạng lâm tặc phá rừng lấy gỗ quy mô lớn tại 2 tiểu khu 297 và 311 chỉ cách trụ sở của đội bảo vệ rừng chuyên trách Mỏ Quạ (Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới) khoảng 8km. Khi trả lời báo chí về vụ việc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên – Huế Nguyễn Đại Anh Tuấn đã kiên quyết: "Theo quyết định 07 của Chính phủ, chính quyền địa phương là cơ quan quản lí nhà nước về lâm nghiệp. Để xảy ra phá rừng, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước" và "Nếu để xảy ra tình trạng phá rừng như Quảng Nam, tôi sẵn sàng là người từ chức đầu tiên".
Tưởng chừng, với một tuyên bố đanh thép của Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh sẽ giúp "cửa" rừng Thừa Thiên – Huế được khép lại. Nhưng chỉ 1 thời gian rất ngắn sau, các vụ phá rừng liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh này. Tháng 10/2018, vụ phá rừng phòng hộ tại huyện Phú Lộc, khiến 2 cán bộ của Công TNHH Nhà nước MTV Lâm Nghiệp Nam Hòa bị kỷ luật. Tháng 3/2019, báo chí tiếp tục "khui" ra vụ phá rừng phòng hộ ở thượng nguồn sông Tả Trạch (TX. Hương Thủy). Vụ việc khiến 6 cán bộ thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thuỷ bị kỷ luật.
Tháng 10/2019, báo Dân Sinh phản ánh thực trạng lâm tặc luồn sâu vào khu rừng đầu nguồn sông A Lin (H. A Lưới), để khai thác gỗ trái phép. Theo phản ánh của người dân, tình trạng phá rừng ở đây kéo dài trong nhiều năm, khiến những cây gỗ lớn cứ mất dần theo thời gian. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng kiểm tra thì chỉ ghi nhận có 8 gốc cây bị cưa hạ có đường kính gốc từ 40 cm đến 70 cm, (chủng loại gỗ: dâu, quế, trám trắng, mỡ thuộc loại gỗ thông thường). Vụ việc tạm khép lại thì tháng 4/2020 người dân xã Trung Sơn (A Lưới) lại vào khu vực này phát trắng rừng trái phép để làm nương rẫy.
Để làm rõ sự việc, UBND xã Trung Sơn ra thông báo: cá nhân, hộ gia đình nào vi phạm thì "tự giác" ra trụ sở xã để giải quyết? Trả lời báo Dân Sinh, ông Hồ Văn Ngưm – Phó Chủ tịch UBND A Lưới cho biết, huyện đang chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xác minh, làm rõ. Khi phát hiện đối tượng vi phạm sẽ xử lý nghiêm để răn đe.
Ngược sang huyện Nam Đông, báo Thừa Thiên – Huế ngày 7/1/2020 có bài "Rừng Nam Đông tiếp tục bị xâm hại", phảnh ánh nạn phá rừng xảy ra ở xã Thượng Quảng. Khu vực rừng bị xâm hại cách khá xa khu dân cư, đường đi lại rất khó khăn và có nhiều loài cây gỗ lớn, có giá trị kinh tế.
Hãy hành động, đừng nói suông
Trên đây chỉ là 1 số ít trong tổng số các vụ xâm hại rừng tự nhiên tại Thừa Thiên – Huế mà chúng tôi muốn điểm lại.
Về sâu xa, không chỉ để xảy ra phá rừng, xâm lấn rừng tự nhiên, các cơ quan hữu quan, chính quyền cấp địa phương tại Thừa Thiên – Huế cũng để xảy ra rất nhiều sai phạm, thậm chí là nghiêm trọng trong quản lý, bàn giao đất lâm nghiệp. Đỉnh điểm, tháng 8/2019, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ban hành hàng loạt kết luận thanh tra liên ngành về việc bàn giao, tiếp nhận và quản lý, sử dụng đất lam nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Điển hình là tình hình bàn giao và quản lý, sử dụng tại địa bàn huyện Phú Lộc. Kết luận thanh tra đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong bàn giao, tiếp nhận và sử dụng đất lâm nghiệp trong khoảng thời gian từ năm 2004 – 2016 ở địa phương này, như: bàn giao không có bảng thống kê diện tích, hiện trạng các loại đất, không có bản đồ kèm theo; bàn giao bàn giao diện tích rừng tự nhiên không chính xác, không tiến hành bàn giao thực địa; giao đất không đúng lô, khoảnh, chênh lệch diện tích theo quyết định của cấp có thẩm quyền; không lập thủ tục để trình UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất theo quy định.
Các xã, thị trấn khi tiếp nhận đất không nắm được diện tích, vị trí được bàn giao nên không quản lý được; tiếp nhận một số diện tích đã bị lấn chiếm từ trước khi bàn giao nhưng không phối hợp, yêu cầu đơn vị bàn giao xử lý dứt điểm nên dẫn đến tình trạng lấn chiếm,… Các phòng, ban chức năng thuộc UBND huyện Phú Lộc cũng đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình.
Đặc biệt, Hạt Kiểm lâm Phú Lộc tham mưu bàn giao diện tích rừng tự nhiên cho Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân không chính xác về diện tích, vị trí, không thực hiện việc bàn giao thực địa. Qua đó, gây ra hậu quả là có 100ha đất rừng bàn giao sai vị trí cho cộng đồng dân cư Thủy Yên Thượng (xã Lộc Thủy).
Việc quản lý lỏng lẻo, sai phạm kéo dài nói trên đã khiến hàng loạt diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ bị phá hoại, chuyển đổi chức năng không đúng theo quy định... Trong các kết luận thanh tra, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu các đơn vị, cá nhân sai phạm phải bị xử lý, tự xử lý; các sai phạm phải được khắc phục,… Tuy nhiên, đến nay, việc xử lý, khắc phục theo yêu cầu vần chưa hoàn thành, chưa dứt điểm.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, trong thời gian qua, tình hình chặt phá rừng tự nhiên, lấn chiếm đất rừng, phá rừng trên địa bàn tỉnh có diễn biến phức tạp; các đối tượng vận chuyển gỗ trái phép, săn bẫy thú rừng dùng nhiều thủ đoạn ngăn cản, chống người thi hành công vụ đã xảy ra tại các địa phương như A Lưới, Phú Lộc và các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin về các vụ việc nêu trên. Trước thực trạng đó, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát xác định các vùng rừng trọng điểm có nguy cơ bị xâm hại để có biện pháp phòng ngừa; tổ chức lực lượng tuần tra rừng để ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, không để sự việc tiếp diễn thành điểm nóng, nổi cộm phá rừng, khai thác rừng trái phép.
Chi cục Kiểm lâm tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phát hiện kịp thời các vụ việc vi phạm và phối hợp tốt với cơ quan chức năng để xử lý các đối tượng vi phạm. Các cơ quan chức năng, UBND các huyện, thị xã, TP. Huế phối hợp triển khai các phương án bảo vệ rừng; tuyên truyền sâu rộng Luật Lâm nghiệp; hướng dẫn thực hiện tốt Quy chế quản lý rừng cộng đồng; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên; chủ động đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.
Ngành Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác quản lý đất đai và tham mưu chính quyền các cấp xử lý kịp thời, đúng pháp luật các vi phạm pháp luật về đất đai; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng hợp pháp hóa việc mua bán, chuyển đổi đất lâm nghiệp trái pháp luật. Các địa phương phải thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp.