THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:36

Thừa Thiên Huế: “Lâm tặc” hoành hoành, rừng cộng đồng kêu cứu! (Bài 1: Những cánh rừng gỗ cổ thụ biến mất theo thời gian)

 - Ảnh 1Một điểm xẻ gỗ ngổn ngang trong khu vực rừng cộng đồng thôn A Niêng tại khe Punh, nằm dưới chân Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân


Thời gian qua, phóng viên báo Lao động và Xã hội, báo điện tử Dân Sinh liên tục nhận được phản ánh của người dân xã Hồng Trung (A Lưới, Thừa Thiên Huế) về việc: trên địa bàn xã hình thành nhiều nhóm khai thác gỗ lậu tại các khu rừng cộng đồng xung quanh công trình hồ chứa nước thủy điện A Lin B1. Những nhóm “lâm tặc” này bao gồm cả người địa phương và một số người ở địa bàn khác chuyển đến, kể cả người ngoài tỉnh Thừa Thiên Huế. Mỗi nhóm bình quân từ 6 – 8 người.

Mặt khác, thực trạng khai thác gỗ lậu tại các khu rừng cộng đồng quanh hồ chứa nước thủy điện A Lin B1 đã tồn tại âm ỉ lâu nay. Phương thức và thủ đoạn khai thác không có vẻ gì được cho là dấu diếm hay lén lút mà được diễn ra một cách công khai, liên tục hàng ngày. Theo tìm hiểu của phóng viên, hàng ngày từ khoảng 7 – 8 giờ sáng, các nhóm lâm tặc sẽ di chuyển đến đập thủy điện A Lin B1 theo tuyến đường độc đạo dẫn vào công trình này. Tại đây, lâm tặc sẽ di chuyển bằng những chiếc ghe gắn máy cole từ mặt đập lên phía thượng nguồn. Mất 20 phút để các cole chở lâm tặc đi từ điểm xuất phát đến nơi tập kết. Tại nơi tập kết, các nhóm lâm tặc sẽ di chuyển bằng đường bộ vào sâu trong những khu rừng nguyên sinh nằm sát biên giới Việt – Lào để “ăn gỗ”.

Từ 10 giờ 30 đến 11 giờ trưa, tiếng máy cưa bắt đầu vang lên tứ phía ở những cánh rừng như đã có sự phân chia ngầm giữa các nhóm lâm tặc. Từ 14 giờ đến 15 giờ chiều cùng ngày, tiếng máy cưa hạ cây, xẻ gỗ thành phách sẽ ngừng để nhường cho việc vận chuyển gỗ ra ngoài. Lợi dụng địa hình dốc núi và các khe nước, mỗi một lâm tặc sẽ kéo một phách gỗ ra nơi tập kết, kết thành khối rồi dùng thuyền máy kéo theo dòng nước hồ thủy điện ra khu mặt đập để bán cho đầu nậu gỗ.

Theo người dân địa phương, trước đây, khoảng 17 giờ là gỗ lậu đã được tập kết tại khu vực mặt đập thủy điện A Lin B1. Sau đó, họ sẽ dùng phương tiện là những chiếc xe máy chế, độ, gia cường một số chi tiết, chở gỗ ra ngoài khu dân cư để bán. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lâm tặc chỉ việc kéo gỗ ra khu vực đập thủy điện sẽ có xe ô tô loại 16 chỗ vào thu mua tận nơi. Được biết, giá mỗi một phách gỗ được bán tại đây giao động từ 500.000 đến 800.000 đồng tùy thuộc loại gỗ, kích thước.

Cũng theo người dân địa phương, trước đây khi hồ thủy điện A Lin B1 chưa tích nước, tuyến đường mòn do một đơn vị khai thác vàng tại khu vực thượng nguồn suối Tà Ay làm, kéo dài từ mặt đập thủy điện vào đến sát cột mốc 646, trở thành “cung đường gỗ lậu”. Gỗ được khai thác từ các cánh rừng dọc tuyến đường này rồi tuồn xuống, bán tại chỗ cho đầu nậu. Tuy nhiên, từ khi hồ thủy điện A Lin B1 tích nước, tuyến đường hiện tại tạm thời bị cắt đứt, buộc lâm tặc phải chuyển qua dùng phương tiện đường thủy để vận chuyển gỗ ra ngoài tiêu thụ. Người dân cho biết, hiện trên vùng lòng hồ thủy điện A Lin B1 có 6 thuyền máy cole của các nhóm khai thác gỗ lậu, trong đó chiếc lớn nhất thuộc về một nhóm được cho là người quê Quảng Bình kết hợp người bản địa. Đây cũng được cho là nhóm “ăn gỗ” mạnh nhất.

Để có cái nhìn thực tế hơn về những phản ánh của người dân, ngày 7/8 vừa qua, được sự giúp sức của một “thổ địa”, phóng viên đã thực hiện chuyến ngược dòng, vào tận “sào huyệt” của lâm tặc để ghi nhận. Mất 5 tiếng đi bộ, băng rừng, cắt núi, chúng tôi mới vào đến khu rừng hiện đang bị khai thác. Đó là khu rừng nguyên sinh (tiểu khu 266) do Ban quản lý rừng cộng đồng thôn A Niêng (xã Hồng Trung)  quản lý, bảo vệ. Tại khe Punh, khu vực Ủy ban kháng chiến xã Thương Ninh (Hồng Trung cũ), dưới chân Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, cách cột mốc 646 khoảng hơn 1.000m, chúng tôi phát hiện 2 lán trại của lâm tặc.

Tại 1 lán trại, chúng tôi chạm mặt một lâm tặc người bản địa. Tuy gặp người lạ, lâm tặc này vẫn không hề tỏ ra lo lắng hay sợ hãi gì. Với lý do đi tìm ong và hoa lan, chúng tôi tiếp tục ngược khe Punh để đi sâu vào khu vực khai thác gỗ của các nhóm lâm tặc. Trên đường đi, chúng tôi phát hiện nhiều cây gỗ quý, có kích thước lớn bị đốn hạ; nhiều khúc gỗ đang bị cưa xẻ dang dở.

Khi phóng viên đang thực hiện ghi hình 1 bãi “chiến trường cưa, xẻ gỗ”, thì tiếng máy cưa bắt đầu vang lên khắp 2 bên khe Punh. Lúc này là khoảng hơn 11 giờ trưa. Bám theo tiếng máy cưa, chúng tôi cố gắng tiếp cận gần nhất 1 nhóm lâm tặc đang “xẻ thịt gỗ rừng”. Tuy nhiên, khi đã vào được vị trí, cách nhóm này khoảng 30m, chuẩn bị đưa máy lên quay thì bất ngờ, phóng viên bị phát hiện. Lâm tặc hô hoán có người lạ, buộc chúng tôi phải tháo chạy trong rừng rậm.

Theo người dẫn đường, các khu rừng bị khai thác mạnh nhất hiện này gồm rừng cộng đồng thôn Lê Triêng và khu vực khe Punh thuộc rừng cộng đồng thôn A Niêng (tiểu khu 266); khu vực khe Tio và vùng lòng hồ thủy điện A Lin Thượng thuộc Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Ta (tiểu khu 264). Tất cả đều thuộc xã Hồng Trung. "Những cánh rừng nào nhìn tầng trên, thấy mặt lá các loại cây bằng phẳng, đều nhau là rừng đã bị khai thác gỗ. Bây giờ, khu vực phía ngoài gần hồ thủy điện đã bị như thế, giờ chỉ còn những cánh rừng sát biên giới, nhưng chắc 2 - 3 năm nữa cũng hết nếu lâm tặc vẫn hoành hoành như hiện nay", người này cho biết.

Những hình ảnh ghi lại cảnh rừng cộng đồng bị lâm tặc tàn phá:

 - Ảnh 2Khu vực lòng hồ chứa nước thủy điện A Lin B1 hiện là địa bàn nhức nhối về nạn phá rừng ở huyện miền núi A Lưới


 - Ảnh 3Các nhóm lâm tặc thường di chuyển bằng thuyền cole lên phía thượng nguồn, đi sâu vào các khu vực rừng giáp ranh biên giới Việt - Lào để "ăn gỗ"


 - Ảnh 4Điểm tập kết nằm ở khu vực suối Tà Ay, nơi mực nước của hồ thủy điện A Lin chưa dâng lên tới


 - Ảnh 5Địa điểm rừng đang bị khai thác gỗ lậu


 - Ảnh 6Một biển cấm ở trong khu vực rừng cộng đồng


 - Ảnh 7Đau đớn thay, cây lại bị đốn hạ ngay tại biển cấm 


 - Ảnh 8

 - Ảnh 9Những khoảnh rừng tan nát vì lâm tặc


 - Ảnh 10Từ những dấu vết cũ


 - Ảnh 11

 - Ảnh 12

 - Ảnh 13

 - Ảnh 14Rất cũ


 - Ảnh 15

 - Ảnh 16

 - Ảnh 17

 - Ảnh 18Đến những vết tích còn tươi mới


 - Ảnh 19Những cây gỗ cổ thụ bị cưa hạ không thương tiếc


 - Ảnh 20Một gốc cây bị chặt hạ có đường kính lớn


 - Ảnh 21Một gốc khác cũng khá to


 - Ảnh 22Một vòng tay ôm không xuể thân cây bị chặt hạ


 - Ảnh 23Gỗ bị cưa đa phần là cây mỡ


 - Ảnh 24Theo người dẫn đường, có cả trường hợp chặt cây để xí phần, đánh dấu vị trí như thế này


 - Ảnh 25Lán trại của một nhóm lâm tặc ở khe Punh


 - Ảnh 26Phá rừng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi khí hậu khắc nghiệt như hiện nay


 - Ảnh 27Nhưng với lâm tặc, cưa cây lấy gỗ bán vẫn là việc làm kiếm tiền hàng ngày

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh