Thừa Thiên Huế: “Lâm tặc” hoành hoành, rừng cộng đồng kêu cứu! (Bài 2: Chính quyền và cơ quan chức năng nói gì?)
- Pháp luật
- 23:17 - 10/08/2019
Rừng cộng đồng tại Hồng Trung (A Lưới) chảy máu
Trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế xác định việc giao rừng tự nhiên cho các cộng đồng dân cư và hộ gia đình là một chủ trương đúng đắn và phù hợp với thực tiễn quản lý rừng hiện nay. Việc giao đất, giao rừng cho cộng đồng giúp cho công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, năng lực quản lý rừng cũng như sự thiếu “công cụ” khi thực hiện nhiệm vụ của các cộng đồng đã khiến nhiều cánh rừng cộng đồng bị lâm tặc khai thác gỗ trái phép. Điển hình là tại các tiểu khu rừng tự nhiên quanh hồ thủy điện A Lin B1, thuộc xã Hồng Trung như đã phản ánh.
Những cánh rừng nguyên sinh, nằm sát khu vực biên giới Việt – Lào tại huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên Huế) đang bị các đối tượng lâm tặc khai thác gỗ một cách trắng trợn. Nhiều cây gỗ quý, hàng trăm năm tuổi bị “xẻ thịt” không thương tiếc. Điều đáng nói, đây đều là những khu rừng đã được giao cho cộng đồng dân cư thôn bản quản lý, bảo vệ. Vậy, cơ quan chức năng nói gì?
Tiếp cận vị trí khai thác gỗ lậu không dễ dàng
Tại cuộc làm việc với chúng tôi, ông Trần Nhân Đức – Hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm huyện A Lưới xác nhận thực trạng khai thác gỗ lậu tại các khu rừng như phóng viên phản ánh là chính xác và đơn vị cũng đã nắm tình hình.
Theo ông Đức, toàn huyện A Lưới có hơn 100.000 ha rừng tự nhiên. Hiện đơn vị đã tham mưu và A Lưới đã cơ bản bàn giao những diện tích rừng này cho các cộng đồng dân cư và hộ gia đình quản lý, bảo vệ. Thời gian qua, lợi dụng sự quản lý chưa tốt của các Ban quản lý rừng cộng đồng (vì cả nể, lo sợ, không đủ thẩm quyền,..), một số đối tượng đã vào rừng khai thác gỗ trái phép mang về sử dụng và bán cho đầu nậu. Cũng theo ông Đức, từ đầu năm đến nay, tại khu vực thủy điện A Lin B1, Hạt đã bắt và xử lý 3 vụ khai thác gỗ lậu với tổng khối lượng gỗ bị tịch thu là 4,698 m3, bắt quả tang và xử lý 1 phương tiện vận chuyển gỗ lậu.
Ông Đức cho rằng, tại các khu rừng phóng viên phản ánh, đơn vị cũng thường xuyên cử lực lượng tuần tra, bảo vệ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Hạt phải điều động, tăng cường lực lượng đến xã Hồng Thủy (cũng đang nóng về vấn đề khai thác gỗ lậu). “Có thể, do nắm được thông tin này nên các đối tượng lâm tặc tại khu vực thủy điện A Lin B1 lại tiếp tục vào rừng khai thác gỗ lậu trở lại”, ông Đức cho biết. Ông Đức khẳng định, trong thời gian tới, Kiểm lâm A Lưới sẽ tăng cường lực lượng, phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng khác truy quét sạch toàn bộ những đối tượng khai thác gỗ lậu ở khu vực thủy điện A Lin B1; đồng thời, lập chốt chặn tại các điểm nóng về nạn khai thác gỗ lậu để không cho các đối tượng lâm tặc vào rừng khai thác gỗ.
Các Ban quản lý rừng cộng đồng có thật sự thiếu năng lực?
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, huyện cũng đã xác định khu vực công trình hồ chứa nước thủy điện A Lin B1 là khu vực vô cùng nhức nhối về nạn khai thác gỗ lậu.
Theo ông Hùng, thời gian qua, một số đối tượng lợi dụng các tuyến đường quốc phòng, công trình và đường sản xuất để đi sâu vào các khu rừng tự nhiên, lợi dụng sự quản lý chưa tốt của các Ban quản lý rừng cộng đồng, sự phối hợp chưa nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng, vào rừng tự nhiên khai thác gỗ để sử dụng hoặc bán cho đầu nậu.
Ông Hùng cho rằng, vấn nạn lâm tặc ở A Lưới chưa bị xử lý triệt để, nguyên nhân chính là do diện tích rừng ở đây rộng, địa bàn phức tạp, trong khi lực lượng mỏng, máy móc, phương tiện thiếu. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ rừng; xử lý nghiêm các đối tượng khai thác gỗ lậu lẫn các đối tượng mua bán gỗ lậu khi phát hiện. Đồng thời, chỉ đạo các xã tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ rừng; nâng cao hơn nữa trách nhiệm bảo vệ rừng của các đội, ban quản lý rừng cộng đồng, của chính quyền xã”, ông Hùng cho biết.
Theo Hạt Kiểm lâm A Lưới, hiện nay, Ban quản lý rừng cộng đồng thôn A Niêng được giao quản lý, bảo vệ 536,3 ha rừng tự nhiên, thuộc tiểu khu 266; Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Lê Triêng quản lý 942,7ha, thuộc tiểu khu 266; Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Ta quản lý 889,3ha, thuộc tiểu khu 264. |
Video ghi nhận hiện trường rừng tự nhiên bị lâm tặc khai thác gỗ lậu:
THẢO VI