CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:14

Tiễn biệt một người hiền

Nhà thơ thiên sứ

Nguyễn Trọng Tạo  và Quang Huy  là hai nhà thơ đỡ đầu cho CLB thơ Vòm Cửa Xanh trường Bách Khoa Hà Nội 1978-1982, để từ đó có Nguyễn Thành Phong, Lê Quang Sinh, Đoàn Xuân Hòa, Hà Đức Hạnh, Nguyễn Quang Lập... Có thể nói không có họ ngày xưa không có chúng tôi ngày nay.

Đêm nghe tin anh Quang Huy về trời tôi nằm thao thức mãi cố nghĩ xem vì sao vào thời buổi đói kém, "nhà nhà sợ khách, người người sợ khách", sợ tốn kém đến từng chén trà, Quang Huy lại vồ vập đón chúng tôi, những "ông trẻ dở hơi" vốn liếng chỉ dăm ba bài thơ con cóc. Ông tiếp chúng tôi không sợ mất thời gian và tốn kém, vui vẻ mời trà mời rượu mời cơm ngày này sang ngày khác. Đến nhà Quang Huy mới biết ông không chỉ vồ vập đón tiếp chúng tôi, từ Nghệ An ra Hà Nội  hầu như ai đến nhà ông cũng đều được ông đón tiếp rất nồng nhiệt bất kể khi đó ông buồn hay vui, khỏe hay mệt, đói hay no. Đó là một sự lạ, đến giờ khi đã tuổi sáu mươi tôi vẫn không giải thích được.
Nhóm thơ Vòm Cửa Xanh đến viếng nhà thơ Quang Huy
Một lần tới chơi nhà Quang Huy tôi gặp Xuân Diệu ở đấy. Nhà xuất bản văn học vừa ra tuyển tập thơ Xuân Diệu do Quang Huy biên tập. Xuân Diệu tặng Quang Huy cái đồng hồ báo thức Liên Xô, Quang Huy từ chối, nói được biên tập thơ Xuân Diệu em phải tặng quà cho anh mới phải. Xuân Diệu ép Quang Huy nhận bằng được cái đồng hồ, nói mày như thiên sứ nhà trời xuống đây giúp tụi tao nổi tiếng.
Lúc đó tôi không thích lắm câu đó, nghĩ bụng tầm cỡ Xuân Diệu còn đi nịnh Quang Huy. Bây giờ nghĩ lại thấy Xuân Diệu đã nói rất thật và rất đúng. Nhà thơ nước Nam có cả vạn nhưng nhà thơ " thiên sứ nhà trời" xuống giúp cho người khác nổi tiếng mà không cần một điều kiện nào kể cả một lời cảm ơn như nhà thơ Quang Huy thì đếm không hết mười đầu ngón tay, năm đầu ngón tay cũng đếm không hết.
Nghĩ thế mà khóc.
Nguyễn Quang Lập

Sáng ngày mùng 5 Tết Ất Mùi, Nguyễn Quang Lập nhắn tin cho tôi: "Chú Quang Huy mất rồi. Phong báo cho Hà Đức Hạnh, Lê Quang Sinh cùng nhóm thơ Vòm Cửa Xanh đi viếng chú nhé!". Tôi ngồi thừ ra. Lập điện thoại tiếp cho tôi, nói biết tin này do đọc trên blog của Nguyễn Trọng Tạo và nói: "Chú Quang Huy là người đỡ đầu cho bọn mình ngày mới tập tọng viết lách. Mà Phong là người được chú Quang Huy với cô Sương quan tâm nhất đấy".
Năm 1979, tôi 19 tuổi, đang học năm thứ hai ĐH Bách Khoa Hà Nội, có bài thơ đầu tiên đăng trên báo Hà Nội mới. Rồi tôi, Hà Đức Hạnh, Nguyễn Quang Lập, Lê Quang Sinh, Kiều Anh Hương và một vài sinh viên cùng trường nữa tìm đến nhau do cùng sở thích ham sáng tác và mê thơ, lập thành nhóm thơ, lấy tên là Nhóm thơ Vòm Cửa Xanh, ý tượng hình cái vòm cổng parabol của Đại học Bách Khoa. Một tình cờ đã cho tôi được gặp chú Quang Huy. Đó là nhà thơ danh tiếng đầu tiên tôi được gặp. Thật may mắn vì đó chính là nhà thơ Quang Huy. Tôi nói may mắn là bởi chú Quang Huy thành người thầy "bất đắc dĩ" cho cả nhóm nhưng lại là người thầy tuyệt vời, đã làm cho cái bọn chúng tôi ba lăng nhăng, học tự nhiên lại đổ đốn ra thơ phú ấy dần ý thức được nghiêm túc công việc sáng tác và bền bỉ sáng tác. Sau này, cả nhóm đã dần dần có thành tựu, đa số đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà thơ Quang Huy và vợ

 
Ngày đó, thường cứ buổi tối cuối tuần là chúng tôi "đổ bộ" vào căn hộ chật hẹp mãi trên tầng cao khu tập thể ngoắt ngoéo đường vào chỗ Kim Liên, Khương Thượng của chú Quang Huy và cô Mai Sương. Đọc thơ, hỏi thơ chán rồi thì chơi với hai đứa con Quang Anh và Mai Anh của cô chú, rồi bày ra chuyện gợi ý đề nghị cô Sương gom phiếu đi mua mấy cân đường với lạc về để chúng tôi hì hục cả đêm thực tập sản xuất kẹo lạc, rồi lại tự khen ngon và rẻ hơn đi mua kẹo rất nhiều. Sau này, có bận cô Sương nói, việc nấu kẹo của các anh tính ra rất đắt, lại không ngon mấy, nhưng cô không dám nói với các anh, chỉ bình phẩm với chú, chú hì hì cười, bảo: "Thì cũng chẳng sao, miễn là bọn trẻ nó vui là được". Càng sau này, càng không hiểu vì sao cô chú lại có sức lực và kiên trì với bọn tôi như vậy? Bây giờ, buổi tối hay ngày nghỉ, mình đi làm về, nhà thì rộng, đồ ăn không thiếu, vậy mà khách đến không báo trước là không muốn tiếp. Huống chi hồi đó căn hộ chật hẹp, vật chất chả có gì mà đám trẻ cứ hồn nhiên đến, ồ ồ đọc thơ, bình thơ, vậy mà tuyệt nhiên không thấy cô chú có bất cứ một biểu hiện khó chịu nào. Mà chắc là không chỉ có mỗi nhóm chúng tôi, còn rất nhiều khách nữa, trẻ ranh như chúng tôi khá nhiều, cùng nhiều bạn văn và các cây bút trẻ ở nhiều nơi nữa cũng tìm đến nhà cô chú, đều được tiếp đón, đãi đằng như vậy. Chú Quang Huy là trai Hải Dương, lúc nào cũng lịch lãm, lúc nào cũng cười và đầy những câu chuyện vui. Cô Mai Sương là con gái xứ Nghệ, lúc nào cũng đẹp, hiếu khách và cởi mở.
Từ chú Quang Huy, chúng tôi được tiếp xúc với những người bạn thân thiết của chú như nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, nhà thơ Võ Văn Trực. Tôi được in thơ trên báo Văn Nghệ từ năm 1980, có thơ được ngâm trên mục "Tiếng thơ" của Đài Tiếng nói Việt Nam là do chú Quang Huy khen rồi giới thiệu với chú Võ Văn Trực và chú Nguyễn Bùi Vợi, hồi đó làm biên tập thơ ở báo và Đài này. Sau đó, lần lượt đến Lê Quang Sinh, Nguyễn Quang Lập, Hà Đức Hạnh, Kiều Anh Hương, rồi dần dần, đều có danh lên cả.
Chú Quang Huy từ Nghệ An chuyển ra công tác ở Hà Nội, rồi làm trưởng ban, phó giám đốc Nhà Xuất bản Văn học, làm giám đốc Nhà Xuất bản Văn hoá. Ngoài ra, chú là trưởng ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam thời kỳ có nhiều hoạt động sôi động trong phát hiện và bồi dưỡng các cây bút trẻ, rồi là uỷ viên Hội đồng Thơ, chính là do cái tài trong nâng đỡ và vun đắp cho những người viết trẻ trưởng thành.
Trước Tết, có nghe chú đi Sing chữa bệnh về. Nhà thơ Định Hải và Mai Thanh đến tôi, tính sang thăm chú, gọi điện thì thấy bảo chú đi đâu đó, đành hẹn dịp khác. Vậy mà chú đã ra đi đúng vào ngày mùng Một Tết. Tôi thấy mình có lỗi lớn, lại một "việc nghĩa chưa kịp làm", dù mình không thiếu thời gian. Tôi gọi điện cho nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo. Anh Tạo rủ tôi qua nhà chú ngồi với cô Sương. Trên đường đi, anh Tạo bảo: "Mình thấy mình có tội lớn với anh Quang Huy. Anh ấy quan tâm chi chút cho mình, vậy mà trước khi anh ấy mất, mình không biết mà đến ngồi với anh ấy một lát". Rồi anh Tạo kể, khi anh 20 tuổi, là một anh lính hành quân bộ qua ngôi làng nơi sơ tán của Hội Văn nghệ tỉnh Nghệ An, được nghỉ chân 30 phút, để nguyên ba lô trên vai đi vào tìm thăm, gặp được hai nhà thơ Trần Hữu Thung và Quang Huy. Từ đó, chú Quang Huy coi Nguyễn Trọng Tạo như một đứa em. Khi Nguyễn Trọng Tạo mua nhà, chú Quang Huy giấu gia đình, đưa cho anh tờ ngân phiếu trị giá ngang một cây vàng, ngày đó có giá trị gấp bội phần bây giờ.
Nhà thơ Quang Huy là một người hiền, nâng đỡ và vun đắp cho người khác là bản tính của ông. Tiễn biệt một người hiền bao giờ lòng ta cũng tràn đầy nuối tiếc, biết ơn và luôn thấy mình còn có lỗi...

 9 tháng Giêng, Ất Mùi
                                                                             NGUYỄN THÀNH PHONG

NGUYỄN TRỌNG TẠO

NGOẢNH LẠI HƯ VÔ

Viếng nhà thơ Quang Huy

 

Bước một bước vào Ất Mùi 15 giờ 34 phút

Kim thời gian dừng lại vĩnh hằng

Chỉ còn “Thơ trong ký ức”

“Thơ Quang Huy” đi tiếp những tháng năm

 

Anh đã đến một “Trưa vàng suối biếc”

Anh đã yêu một nụ cười “tím ngắt màu sim”

Anh đã mang theo một “quê hương xanh rờn màu kỷ niệm”

Với trẻ thơ anh kể “Chuyện xóm lèn”.

 

Anh yêu vợ yêu thơ vì cả hai đều đẹp

Anh yêu con vì con chính là thơ

Anh yêu bạn yêu người vì họ là anh đó

Tiếu lâm vui không hết chuyện bao giờ…

 

Quang Huy nhà thơ

Quang Huy giám đốc

Sách ấy mà

Đâu xa lạ cùng anh

Người ấy mà

Thi sĩ cùng văn sĩ

Anh cũng “Về Kinh Bắc” cũng “Xem đêm”

Giấy và chữ

Xếp lâu đài Văn hóa

Những ván cờ thắng bại chẳng đua chen…

 

Anh đã đến rồi đi

Những con chữ trên sàng còn sót lại

Những con chữ Cẩm Giàng, Nghệ An, Hà Nội

“Hồn tẩm bát cháo hành”

“Mồ nằm oan xương trắng”

Viết cạn bài thơ. Anh ra đi thanh thản

Ngoảnh lại hư vô

Bài thơ chẳng hư vô.

 

Hà Nội, 26.2.2015

 “Về Kinh Bắc” (Mưa Thuận Thành) và “Xem đêm” là 2 tập thơ của Hoàng Cầm, Phùng Cung - thuộc nhóm Nhân văn - Giai phẩm được Quang Huy đỡ đầu xuất bản khi anh làm Giám đốc Nhà xuất bản Văn Hóa – Thông Tin.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh