THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:34

Những kỷ niệm với nhà văn Tô Hoài

Tôi còn nhớ cái tháng cuối cùng trước khi được “hưu” nghề biên tập thơ, Giám đốc NXB, nhà văn Nguyễn Kiên đã cho tôi dong chơi suốt các tỉnh phía Nam trong gần một tháng (kết hợp liên hệ với các bạn văn dọc miền Trung trở đi tới các tỉnh phía Nam) nắm tình hình về những bản thảo có khả năng khai thác cho kế hoạch sang năm.

Tôi gặp anh Lê Thấu đúng ngày ra mua vé tàu “du Nam”, anh  mừng rỡ ra mặt, tóm lấy tôi: “Này! Tớ vừa biết tin cậu sắp nghỉ hưu chỗ ông Nguyễn Kiên phỏng? Thế thì vừa lúc tờ báo SK&ĐS của Bộ Y tế tớ nhận làm sẽ ra mắt bạn đọc bộ mới, nhằm phát hành rộng ngoài xã hội, cần một người như cậu. Gần chục năm làm báo Độc Lập, gần chục năm làm xuất bản, quen biết mọi cây bút tên tuổi, cậu quán xuyến cho mấy trang văn nghệ thì tuyệt!”

Những tác phẩm của nhà văn Tô Hoài

Và thế là sau chuyến đi, tôi đã thành người của Bộ Y tế (hợp  đồng gần như... vô thời hạn từ 18 năm, nay mới được nghỉ hưu lần thứ 2). Về tinh thần, nhờ tờ báo mà tôi từ quen biết đến quen thân một số vị đàn anh tên tuổi, tiêu biểu như cụ Hữu Ngọc mở đầu mục Sổ tay văn hóa đúng vào năm đầu tôi nhận việc. Cụ đáng được ghi tên vào ghi nét  nghề báo về thành tích mở đầu và... chưa kết thúc một chuyên mục cho một tờ báo suốt 18 năm nay (không một tuần nào thiếu bài, chậm bài dù cụ đi nước ngoài có đợt đến hai ba tháng!). Về các nhà văn thì mỗi khi làm báo Tết, tôi đều phải đến đặt bài bằng được các vị như Tô Hoài, Hoàng Cầm... tên các cụ làm sang cả trang bìa tờ báo Tết!

Với cụ Tô Hoài, nhiều năm các báo đến xin bài cụ hơi nhiều, cụ đáp lễ bằng từng đoạn văn ngắn, tản văn, hồi ức... gì cũng được! Miễn là có chữ cụ, một ý nghĩ, ý tưởng nào đó của cụ hiện trên mặt giấy, đến lúc nào đó có thể là một di vật quý cho bảo tàng văn học! Tôi nhớ là Tết năm nào Báo SK&ĐS cũng có bài của cụ.

Lúc đầu, tôi không nghĩ được như thế! Cứ mang bài về, vi tính lại, coi như xong nhiệm vụ, văn của cụ thì còn phải biên tập gì nữa! Nhưng khi mỗi năm, mỗi tuổi, càng ngày tôi càng thấy bản thảo của cụ là quý hiếm, nó giá trị gần như bức ký họa của một họa sĩ tên tuổi, nguệch ngoạc vài nét, nhưng đấy là nét bút của Nguyễn Sáng, của Bùi Xuân Phái...Và thầm tiếc cho những bản thảo từ năm đầu của cụ tôi không chịu lưu giữ. Vậy là từ khi biết nghĩ như thế, tôi chỉ lưu được bút tích ba bản thảo đoạn văn ngắn của cụ: Gánh nước năm mới mở hàng, Tàu bay nước ở Hồ Tây, và đặc biệt Chú Dế Mèn bảy mươi tuổi xuân (1941-2011), là ba trong số 18 bài của 18 cái tết cụ “bị” tôi đặt hàng.

Có thể nói, nếu mục Sổ tay văn hóa của báo này suốt 18 năm, tuần nào cũng có bài của cụ Hữu Ngọc là xương sống của trang văn hóa, thì đoạn văn ngắn Tô Hoài là “đặc sản Tết” như cành đào, như tấm bánh chưng truyền thống bên cạnh những hồi ức, tùy bút của nhà thơ Bên kia sông Đuống Hoàng Cầm cùng một số văn nghệ sĩ tên tuổi khác...

Ở tuổi xấp xỉ 80, nên khi 7,8 tuổi, tôi được là một trong những đứa trẻ thuộc lứa độc giả đầu tiên mê Dế mèn phiêu lưu ký của cụ, tôi không thể nghĩ 70 năm sau, tôi lại có duyên cầm trong tay bút tích của chính tác giả, lại do chính mình đặt cụ viết. Chú Dế mèn của cụ mới 70 tuổi xuân thì chú bé độc  giả năm xưa đã trở thành già lão... Thế mới biết đời người thật hữu hạn, nhưng những thứ con người làm ra hữu ích cho con người thì... không có giới hạn nào! Truyện một con dế mèn phiêu lưu ở Việt Nam đã dịch ra mấy chục thứ ngôn ngữ trên thế giới, làm sao biết đến lúc nào trẻ em thế giới chán đọc nó? Ở lĩnh vực này cần nhấn mạnh: Đó là giá trị tài năng con người đã cống hiến cho xã hội! 

  Nhà văn Tô Hoài kể trong bài viết

Năm ấy, tôi 18 tuổi, đã thôi học. Tôi đã đi tìm việc. Nhưng không được, không biết làm gì. Tuy vậy tôi rất thích thú viết bài đăng báo. Viết  những cổ tích trong vùng... như chuyện ông Dầu, bà Dầu, chuyện đức thánh Chử ở Đa Hòa, tôi viết đem đăng báo Nước Non của Trần Trung Viên được đăng cả. Năm ấy tôi phải làm phu đi đắp đê ngoài sông Cái. Ngày ngày lên Sù, Gạ làm việc, canh đê, đắp đê hàng tháng. Vương với cảnh ấy, tôi viết một cái truyện ngắn như phóng sự là Nước lên. Tôi ký là Tô Hoài (sông Tô, phủ Hoài Đức), tôi đem cái truyện ngắn ấy gửi tuần báo Hà Nội Tân văn của ông Vũ Ngọc Phan ở phố Hàng Buồm.Tôi đến tòa báo Hà Nội Tân văn còn thường gặp ông Nguyễn Công Hoan. Hai ông là bạn thân và với hai ông tôi là người học trò.

Những khi hai ông ra phố, và nhiều khi tôi cùng hai ông về chơi ở trang trại dưới Thái Hà ấp là nhà ông Vũ Ngọc Phan. Các ông lại là bạn của ông Vũ Đình Long trên phố Hàng Bông, là một nhà giáo, một kịch sĩ, rồi một nhà xuất bản to nhất Đông Dương, là nhà xuất bản Tân Dân. Nhà xuất bản Tân Dân có nhà in lớn với những sách báo danh tiếng: Tạp chí Ích Hữu, tuần báo Tiểu thuyết thứ Bảy, hiện ông đang chuẩn bị phát hành một loại sách cho thiếu nhi tên là sách Truyền Bá.

Ông Nguyễn Công Hoan bảo tôi: Anh viết cũng hóm đấy! Để tôi bảo ông Vũ Đình Long mời anh viết sách Truyền Bá, của thiếu nhi. Tôi ngồi tha thẩn đầu làng bên cửa sông Tô Lịch, trông ra dòng nước quanh co. Trên cái bãi cạnh Gò Cỏ, vẫn có mấy đám đang múc nước đúc dế. Chúng tôi hàng ngày những lúc thong thả vẫn ra bãi sông chơi đúc dế. Những con dế mèn được đúc bỏ vào rọ, đem ra chơi cho dế vật nhau. Tôi đã đúc dế, chơi dế từ năm lên mười bên cây gạo có hoa đỏ ối từ bao năm nay.

Tôi chợt nghĩ: Hay là ta viết chuyện con dế mèn, con dế mèn ta đúc, ta chơi, ta cho trọi từ bao năm nay. Mấy hôm ấy, về nhà tôi viết truyện Con dế mèn, thật dễ dàng không phải nghĩ ngợi gì nhiều. Hơn một tháng sau, có một người mặc áo đen đội nón, đạp cái xe kéo đến Nghĩa Đô vào làng Nghè nhà tôi. Người ấy là người nhà làm ở nhà in Tân Dân của ông Vũ Đình Long. Anh ta đưa cho tôi cái thư của ông Long mời tôi đến nhà in. Tôi được đi cái xe tay của ông Long về phố. Ông Long nhà in Tân Dân ra đón, tôi vừa ngồi xuống ghế, ông đã đưa quyển sách có in bìa Con dế mèn thật to.         

Ông Long nói: “Sách của anh mới in, mới in mà đã bán hết ngay. Hôm nay tôi gửi anh nhuận bút và mời anh viết tiếp cho tôi sách Truyền Bá!”Tôi nhận được nhuận bút mười đồng. Bấy giờ, giá ba đồng một tạ gạo. Và mười đồng may được bộ quần áo Tây. Ông Long nói: “Anh viết ngay cho!”

Hôm ấy, cả nhà tôi, bà ngoại với u tôi, và các bà dì tôi đã ăn một bữa cỗ thịt gà mua ở chợ Bưởi. Tôi làm sao viết được ngay bây giờ như Con dế mèn mà tôi đã thuộc tính thuộc nết nó từ nhỏ? Viết thế nào? Phải có chuyện thì mới viết tiếp được chứ! Tôi lại ra ngồi lên mặt đá ngoài sông Tô Lịch.

Có lúc lại loay hoay đúc con dế mèn ngoài bãi sông. Nhưng có những điều gần gũi mà cũng khác  xa với điều tôi nghĩ. Bởi vì những điều ấy đang ập đến. Bấy giờ phong trào Mặt trận Bình dân đang rầm rộ khắp nơi. Đâu đâu cũng  thành lập các hội ái hữu thợ thuyền. Quê tôi cũng có Hội ái hữu thợ dệt, và tôi có chữ nên đọc báo, được làm thư ký Hội ái hữu thợ dệt. Tôi đi họp các nơi.

Nhà văn Tô Hoài trong lễ kỷ niệm với tác phẩm đặc biệt của mình

Trong làng Cổ Nhuế có anh ở Hội ái hữu thợ may là Văn Tiến Dũng. Chúng tôi tụ họp ở Cổ Nhuế và ở Nghĩa Đô, đọc báo, hát vang: “tiến lên thế giới đại đồng, tiến lên quân hồng!”. Và rầm rộ nhất hôm có mít tinh mùng một tháng năm ở Đấu Xảo. Cả bọn tôi được dán khẩu hiệu, đang thất nghiệp nên đi hàng trăm, hàng mấy trăm người.  Tôi hào hứng phấn khởi trong tháng năm năm ấy: Cùng lúc có quyển sách được in, vừa thích thú hào hứng lại vừa lo nghĩ viết tiếp thế nào?

Ở nhà tôi, tôi có hai cuốn tôi đang đọc nghiền ngẫm: Quyển Âu Tây tư tưởng của Nguyễn Văn Vĩnh dịch, rồi Quy li ve du ký. Có những cuốn các ông hào lý thường cho như Tê lê mác phiêu lưu ký, quan huyện cho sách thơ phú của nhà nho Nguyễn Can Mộng. Ông Nghĩa nhà tôi làm hộ lại xã  thường cho tôi đọc các sách này trong số sách cũ mua để xay làm giấy. Tôi đọc được Con chim xanh sách tiếng Pháp, mới học lớp Nhất, tôi bập bẹ đọc vừa tra từ điển...

Những nhân vật như Quy ly ve, Tôn Ngộ Không và con chim xanh cứ thấp thoáng quanh quẩn quanh tôi. Những câu chuyện ấy phấp phới trong những ngày hội ái hữu thợ dệt, thợ may, những mơ màng nhân loại thế giới đại đồng trong tôi. Thế là tôi đã vào “việc ấy”. Tôi có con dế mèn. Con dế mèn biết phiêu lưu. Con dế mèn biết kết nghĩa muôn loài. Con dế mèn, dế trũi cùng bao la với thế giới đại đồng.

Thế là tôi viết Dế mèn phiêu lưu ký, câu chuyện loài vật quen thuộc ở nhà tôi, ở đình làng và bãi nhãn sông Tô Lịch, đương là những nhân vật tôi hào hứng, muôn loài đang đi tới thế giới đại đồng: Dế mèn, Dế trũi, những con Xiến Tóc, con Chim Chả, con Châu chấu Voi cùng tôi đi tìm đến thế giới đại đồng. Dòng nước sông Tô Lịch kia đưa chúng tôi tới.

Tôi viết xong Dế mèn phiêu lưu ký đem đến nhà in Tân Dân. Chỉ một tháng sau, tôi lại được mời lên nhà in Tân Dân, ông Vũ Đình Long mừng tôi: “Dế Mèn... của ông bán được hàng nghìn cuốn rồi, đương in nữa, mời ông viết tiếp cho. Và tôi được lĩnh 100 bạc Đông Dương tiền nhuận bút. Tôi về làng, đứng tựa lưng vào tường đình, dưới tán cây gạo già, dòng sông Tô đang phẳng lặng trôi ngoài bãi nhãn. Tôi như vẫn đang trông xem những con dế mèn, dế trũi và các loài vật đang trôi trên sông như những gì tôi viết..., như ước mơ thế giới đại đồng  của tôi...

Nhà thơ Vân Long

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh