CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:07

Đàn ông không hoàn hảo nên mới cần phụ nữ để… hoàn thiện

Khi đề cập đến chủ đề “Đàn ông và sự thức tỉnh sau những cơn say”, anh đã không ngần ngại nói về thói hư, tật xấu khá phổ biến của các đấng mày râu.

Nhà văn Nguyễn Thành Phong (trái)  trong chuyến tác nghiệp giải cứu  lao động Việt Nam tại Lybia, năm 2011.  (ảnh do nhân vật cung cấp)
Nhà văn Nguyễn Thành Phong (phải) trong chuyến tác nghiệp giải cứu lao động Việt Nam tại Lybia, năm 2011. (ảnh do nhân vật cung cấp)

Có những khi trở thành “của nợ”

Nhà văn Nguyễn Thành Phong đã không hề ngần ngại khi tự thú nhận rằng mình cũng từng là một người “ham vui”, “cũng như mọi thằng đàn ông trên đời này”, cũng đủ thói hư tật xấu, đàn đúm bạn bè, những cuộc rượu không biết trời đất là gì, những lần đi thông đêm suốt sáng mới xơ xác mò về. “Những lúc như vậy chắc mình bệ rạc lắm, đáng chán lắm, khác gì một mớ “giẻ rách” và như “của nợ” ấy. Vậy mà vợ mình vẫn kiên nhẫn dìu mình vào nhà, tháo giày tất, thay quần áo, lau khăn ấm, pha nước cho uống… Cô ấy lẳng lặng chăm sóc cái thân xác bệ rạc, không lời trách mắng dù lòng có khi là đang rất giận. Chính vì thế nên mình nhanh tỉnh lại. Rồi mình bảo với vợ là mình dở, mình chán. Vợ chỉ nói, thôi về được là tốt rồi, thành ra mình càng thấy ân hận!”, nhà văn Nguyễn Thành Phong nói.

Có lần anh đi thông đêm, người như cò bợ, lê về nhà, dự đoán trong đầu là chuyến này "toi" rồi. Thế mà vừa thấy anh về, vợ anh liền reo lên: “Các con ơi, bố về rồi này!”.  “Lúc đó tôi chỉ nghe được như vậy, biết là vợ con chờ đợi mình rồi vật ra ngủ, khi tỉnh lại, đã có bát phở nóng ngay bên. Tất nhiên khi mọi chuyện ổn rồi thì mới "kiểm thảo", "kiểm điểm" ra trò. Tôi cho thế là "cao tay". Chồng còn trở về là còn rất cần gia đình, còn có cơ hội để giáo dục, đào tạo lại", nhà văn nói.

Theo nhà văn Nguyễn Thành Phong, bản chất của hiện tượng đàn ông ham vui bạn bè là nhược điểm, thói xấu và cũng là bản năng hướng ngoại. Đàn ông sinh ra không hoàn hảo nên mới cần phụ nữ để hoàn thiện. Có người say sưa cả đời nhưng đa số chỉ ham vui trong một quãng thời gian nhất định nào đó. Họ sẽ nhận ra sự phù phiếm và họ sẽ trở về.

Hướng ngoại là bản chất có tính di truyền ở đàn ông và cũng có nhiều kiểu dạng, sắc thái. Hướng ngoại tiêu cực là thái quá, hướng ngoại "vặt", hoặc  "giả hướng ngoại” để lấp đi tâm lý tự ti, bất lực... Người đàn ông có lý trí, học thức, kinh nghiệm sống sẽ biết điều chỉnh để thêm phần hướng nội và giữ cho "con ngựa" hướng ngoại biết giới hạn. Xét ở một góc độ nào đó thì  bản năng hướng ngoại cũng làm nên vẻ đẹp và sự thành công của đàn ông.

Ngược lại, cũng vì bản năng hướng ngoại này mà một số đàn ông có chút tiền rủng rỉnh trong túi là bắt đầu hoắng lên, gọi bạn bè đi nhậu mà không nghĩ đến hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn của vợ con. Thậm chí, có người còn vung tay chi tiền “bo” các em chân dài, chi tiền cho người ngoài nhưng không có một cắc mang về cho vợ con. “Người đàn ông hành xử như vậy là do muốn thể hiện ra bên ngoài rằng mình là người có giá trị, thành đạt, giàu có. Khi họ không có tiền mang về cho vợ mà lại vung vít tiền ra thể hiện là vì cái tôi, vì sĩ diện của họ quá lớn. Họ sống trong ảo vọng mà quên đi thực tại. Bi kịch là ở chỗ đó!”, nhà văn Nguyễn Thành Phong nói.

Chân dung người vợ “cao tay”

Nhà văn Nguyễn Thành Phong cùng Vợ và các con.
Nhà văn Nguyễn Thành Phong cùng vợ và các con.

Tự nhận thấy những thành công của mình chưa là gì so với thiên hạ, nhà văn Nguyễn Thành Phong cho biết đời mình cũng nhiều phen lên xuống. Nhưng may mắn là anh có một gia đình với một người vợ lúc nào cũng sẵn sàng chia sẻ và hiểu mình khi anh cần. Vợ anh không bao giờ tự tìm đến cơ quan chồng và cũng không cố ý can thiệp vào công việc hay các mối quan hệ của chồng.

Chỉ khi nào anh gặp rắc rối, đau đầu, khó xử, không biết xử lý thế nào cho ổn, phải thở dài thì lúc ấy vợ anh mới khẽ khàng đến bên: "Mình gặp chuyện gì à?". Nếu anh chưa muốn nói, bảo “ừ, anh đang xử lý” thì vợ anh cũng chẳng vội hỏi thêm, chỉ nhẹ nhàng chăm sóc  chồng. Nhưng khi anh tâm sự thì vợ im lặng nghe, suy nghĩ rồi chia sẻ, tư vấn. Điều anh thực sự nể là vợ anh luôn đưa ra cho chồng những tư vấn khiến anh bị thuyết phục hoàn toàn.

Đặc biệt trong chuyện dạy con, vợ anh cũng rất khéo léo khi bảo với anh rằng “em chỉ nuôi con, còn dạy con thì cha phải giữ vai trò chính”. Chính câu nói đó của vợ đã khiến anh rất có cảm hứng trong việc quan tâm dạy dỗ các con. Vợ chồng anh có hai người con trai, giờ đã lớn, ngoan ngoãn và học hành đều tốt. Anh nói: “Tôi dạy con hồn nhiên lắm.

Nhưng cũng có lúc gặp  gian nan, vợ tôi lại tư vấn rồi nói, anh phải cứng rắn với con. Thế là hiệu quả. Có gia đình như thế thành ra mình bớt chút hướng ngoại để hướng nội một cách tự nhiên thôi. Tôi biết ơn vợ và thầm phục mình, sao ngày trẻ, chưa biết gì nhiều mà mình chọn vợ đúng thế, vì mình cũng đào hoa, vậy mà gặp người là vợ mình bây giờ, đã quyết định ngay và đúng luôn!”.

Vợ anh là nhà giáo Hồ Hằng, dạy chuyên toán PTCS ở Hà Nội, là con một gia đình truyền thống, học hành đến nơi đến chốn, rất chịu khó đọc sách, báo, dạy toán nhưng đã từng viết báo, viết kịch cho trẻ con. Chị có nhiều phẩm chất để trở thành người quản lý. Thế nhưng, chị chỉ dành tâm sức vào việc dạy học.

Chị đạt được nhiều thành công trong đào tạo học sinh nhưng khi được bình xét, đề nghị làm hồ sơ phong danh hiệu thì chị từ chối. Chị bảo: “Tình cảm của học trò dành cho mình đủ thay thế mọi danh hiệu”. Học sinh của chị lớn lên, đi học khắp nơi trên thế giới, trưởng thành, vẫn nhớ về cô, có lúc ba, bốn tiến sĩ líu ríu đầu ngõ, trong đó có người là trợ lý của GS Ngô Bảo Châu, có người là hiệu trưởng đại học trẻ nhất hiện nay, là giám đốc, tổng giám đốc, vẫn cái dáng chờ thăm cô như chờ mẹ ngày nào. Rồi phụ huynh, con lớn có cháu nội, cháu ngoại mà Tết nào cũng đến thăm, chỉ để nói với cô rằng, cháu đã học cô để có ngày hôm nay… Anh bảo thế là chị đã lựa chọn đúng, đã có thành công và hạnh phúc đích thực của nghề giáo.

“Đàn ông chỉ trưởng thành thực sự khi họ xem gia đình, vợ con là quan trọng. Gia đình là nơi ta xuất phát ra đi và đón ta trở về. Ra ngoài đời là phải tranh đấu, phấn đấu, nỗ lực, làm việc, kiếm tiền, xây danh vọng. Về nhà là nghỉ ngơi, hưởng thụ, tái tạo năng lượng... Vì thế nên nếu có gia đình yên ấm vững vàng thì ta có thêm tự tin, mạnh mẽ và nhạy bén hơn khi bước ra cuộc sống bên ngoài.

Gia đình yên ấm đương nhiên phải được xây đắp từ cả chồng và vợ. Nếu người chồng cả một đời say sưa với bạn bè thì chắc chắn gia đình khó mà yên ấm được”, nhà văn Nguyễn Thành Phong đúc kết.

Nhà văn Nguyễn Thành Phong giữ nhiều chức danh nghề nghiệp như: Nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch. Công việc chính hiện tại của anh là Tổng biên tập Báo Lao động và Xã hội và báo điện tử Dân sinh (Bộ LĐ,TB&XH).

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh