Ba trong một
- Văn hóa - Giải trí
- 22:11 - 22/02/2015
1. Anh cả điện thoại: “Anh mời chú về ăn cưới thằng út!”. Anh cả cho biết ngày giờ và nói thêm:“Chú ra rồi ở lại ăn Tết luôn!”. Đã hai năm không về Hà Nội ăn Tết, hơn nữa, lại được mừng anh cả có con dâu út, tôi liền phóng xe ra phòng vé.
Tôi nói với cô bán vé: “Cho tôi một vé đi Hà Nội!”. “Anh đi ngày nào?” . “Tôi mua vé Jetstar, đi chiều thứ sáu, ngày...”. Cô ta lia tia nhìn xuống xấp giấy tờ trên mặt bàn: “Ông lấy vé đi chuyến 6 giờ sáng, nhá !”, chỉ sau vài giây, từ “anh” tôi được nâng cấp thành “ông”, dù râu tóc tôi vẫn còn xanh rì rì. Vẫn giữ thái độ đúng mực của một người... cao tuổi, tôi từ tốn:“Buổi sáng tôi còn bận việc, cô thông cảm xếp tôi đi vào chuyến bay chiều”. Đang lật lật tập cuốn vé, cô ta chợt ngừng tay, trợn tròn cặp mắt:“Đã đi máy bay giá rẻ mà cũng đòi lựa chọn!”.
Không còn được gọi ông cũng chẳng nghe gọi thằng, gọi mày; cô ta nói trống không như trước mặt mình lù lù kiện hành lý. Tôi thót bụng hít mạnh, cố nuốt cho chữ “nhẫn” trôi xuống khỏi cổ họng “Cô bán vé tôi đi buổi chiều cho tiện!”. Cô ta trề môi dài cả tấc: “Giời ạ! Muốn tiện sao không mua cả chiếc máy bay mà đi?”.Chữ nhẫn phọt khỏi người, bay biến. “Mẹ kiếp, ông chỉ có thể đủ tiền chim chuột với mày một đêm!”, tôi chửi thầm, hầm hầm bỏ đi tìm phòng vé khác.
Ai nói khách hàng là thượng đế là láo toét. Chỉ người có nhiều tiền và những người biết lợi dụng chức quyền để rúc rỉa, mổ máy biến thành kẻ có nhiều tiền mới là thượng đế.Trải qua nhiều trạng thái hỉ nộ, cuối cùng, tôi cũng cầm được chiếc vé máy bay giá rẻ trong tay. Tôi gọi cho anh cả: “Lấy được vé rồi, em bay chuyến Jetstar...”.
Ông anh chẹn họng thằng em: “Ồi, sao chú lại đi Giét ta ? Chú đi Việt Nam ia lai ấy, có thiếu tiền thì vợ chồng thằng út sẽ bù vào”. Tôi nói: “Ai lại làm thế, dù sao em cũng là bậc cha chú, chưa giúp được gì cho chúng nó...”. Anh cả lại ngắt lời:“Chú mày không phải lo gì cả!”. Giọng anh cả bỗng vút cao: “Báo cho chú mày biết, lần này dòng họ nhà ta cưới được cô con dâu là người Việt gốc Hoa quốc tịch Mỹ đấy!”.
2. Cái tin anh cả cưới được cô con dâu “3 trong 1” khiến tôi vừa mừng vừa lo. Mừng thằng cháu (tuy không đẹp mã như chú nó) quả là giỏi, biết tìm kiếm kén chọn và “cuỗm” được cô vợ người Việt gốc Hoa lại đang ở xứ sở cờ hoa. Mừng cho ông anh cày cuốc vất vả cả đời đến lúc tóc bạc da nhăn chộp được vận may là cưới được cô dâu mặt Hoa nhân khẩu Mỹ làm anh giãn nở cơ mặt, rung râu rung đùi và thỏa sức tung hoành ba tấc lưỡi. Mừng cho cả dòng họ được dịp sang lây.
Mừng cho cái gien nhà ta biết cắm rễ gieo giống nơi... nước nhớn. Riêng tôi còn nhu nhú cái mầm hy vọng. Biết đâu, cặp vợ chồng “3 trong 1” chúng nó lại hào phóng mời cha nó chú nó một chuyến du hí xứ người. Vừa được đi ngắm nghía cái sự giàu của một hợp chủng quốc giàu nhiều đời, lại vừa được dòm ngó cái nước láng giềng đang hộc tốc làm giàu bằng mọi cách, xem xem có cô nào “phong nhũ phì đồn” mà còn “ống chề”, nhờ cô cháu dâu làm mối cho ông chú tuy bị vợ bỏ, nhưng sức lực vẫn còn trai tráng.Lo là lo sao cho cái phong bì mừng cặp đôi “3 trong 1” cho nằng nặng.
Lo... bởi tôi đang rơi vào tình trạng “viêm màng túi” thời kỳ trầm kha. Thời kỳ mà thật giả tốt xấu khó bề ém nhẹm. Nợ xấu, người xấu, ô thủng... lần lượt được vạch mặt chỉ tên. Công ty tôi làm kế toán cả chục năm, nay được liệt vào danh sách phá sản bởi tài sản công âm thầm biến thành tài sản riêng của các sếp. Mớ tiền mà các sếp thương tình cho tôi chấm mút chỉ đủ mua căn hộ trả góp và chắt mót cho con vợ tôi ba lần sang Thái Lan bơm mũi nâng mông nâng ngực và khi có được gương mặt bắt mắt và độ nở của vòng một vòng ba như ý thì ả liền thấy chồng mình thua xa các sếp, nhất là cái khoản... kiếm tiền.
Mất vợ, mất tiền, mất việc nhưng nhất quyết không để thụt mất tia hy vọng lấp ló là có thể có cơ hội hốt được cô vợ sẵn giàu ở đất nước mới giàu. Tôi chạy vạy vay hỏi được một mớ, một mớ có được từ việc bán chiếc đồng hồ Longines Thụy Sĩ vốn là phần được thưởng từ phi vụ mần ăn hốt bạc tỷ của sếp.
Thấy dấu vết chiếc đồng hồ xịn còn hằn trên cổ tay, tôi trích ra chút tiền mua lại cho mình chiếc Longines Hồng Kông bên hông Chợ Lớn. Một ít tiền nữa sắm sửa áo quần, mua cà - vạt mới, chùi bóng sợi dây nịt, đánh xi đôi giày...Sau khi kiểm tra, thấy hành trang Bắc tiến có đủ những thứ cần có, tôi cẩn thận dặn báo thức lúc 4 giờ sáng trên chiếc đồng Longines Chợ Lớn và vặn chuông to hết cỡ trên chiếc điện thoại Nokia đời cũ. Thức thức ngủ ngủ.
Tôi sợ ngủ mê không nghe tiếng chuông báo thức sẽ lỡ chuyến Jetstar cất cánh lúc đất trời mờ mờ tỏ tỏ. Nơm nớp lo, tôi bật dậy trước tiếng chuông báo thức.
3. Cặp vợ chồng “3 trong 1” quả có sức gắn kết mớ dây huyết thống vốn lỏng lẻo, rời rạc. Bà con bên nội bên ngoại, ông chú ông bác bà cô, bà dì ông cậu; rồi các anh các chị em nhánh trên cành dưới chi chít, thêm mấy nhánh đâm ngang, sui gia, thông gia tua tủa... từ Lũng Cú đến chót mũi Cà Mau, ai cũng nở nang mày mặt, vui vẻ mở hầu bao bởi ai cũng muốn làm đẹp lòng cô dâu mặt Hoa nhân khẩu Mỹ.
Nhiều người có sáng kiến không mừng cưới bằng tiền đồng Việt Nam mà bằng đồng USD hoặc đồng nhân dân tệ. Tôi muốn được cô cháu dâu đặc biệt chú ý, liền lẻn ra ngân hàng ngoại thương, đổi một nửa tiền Mỹ và một nửa tiền cố quốc của nó. Lễ cưới xôm tụ, cảm động. Cảm động đến mức bài phát biểu cảm ơn cảm tạ của anh cả cứ nghẹn lời, ngắc nga ngắc ngứ.
Cảm động đến nỗi cô dâu chú rể rót rượu lễ mà không làm trọn lễ, chỉ dâng cho cha mẹ mà không thể dâng tiếp cho những bậc trượng lão trong dòng họ. Rồi sau đó, vì quá cảm động khiến đôi chân cô dâu chú rể lướng vướng nên chỉ dìu nhau chào hỏi được một phần ba khách mời ngồi gần nơi cử hành hôn lễ. Và có lẽ cũng vì quá cảm động mà chú rể sớm đưa cô dâu “3 trong 1” lê lệch phệch chiếc váy cưới nhiều tầng về phòng hoa chúc.
Cảm động dâng như bát nước đầy khiến cả những người mất ăn mất ngủ vượt hơn ngàn cây số đến dự lễ cưới mà không được tay bắt mặt mừng với cặp vợ chồng “3 trong 1” cũng hỉ xả, không chê trách giận hờn, cứ tíu tít khen anh cả tuy góa vợ mà khéo dạy con, khen thằng út biết nhìn xa trông rộng. Anh cả tôi hả hê, dòng họ hả hê, người chúc mừng, người được chúc mừng, cụng ly, bia rượu chảy tràn.
Cảm động đến nỗi tôi uống tì tì đến “quắc cần câu”, nói theo mấy anh hai Nam bộ. Khi tỉnh dậy, tôi giật mình, không biết bằng cách nào lại nằm dạng háng trên bộ đi - văng trong căn nhà anh cả.
4. Trong căn nhà anh cả không thấy bóng dáng đôi uyên ương “3 trong 1”. Anh cả lụi hụi nấu cơm, dọn cơm. Tôi nhìn mâm cơm dọn có hai cái bát, hỏi: “Vợ chồng thằng út đâu anh?”. Anh cả ngồi xuống ghế vừa xới cơm vừa nói: “Chúng nó từ khách sạn bay thẳng ra Phú Quốc”. Tôi cười: “Chúng nó biết chọn nơi hưởng tuần trăng mật đó”.
Anh cả cầm chai Lúa mới rót ra ly, đẩy một ly về phía tôi: “Nào, uống!”. Cứ thế, hai anh em loay hoay cơm nước trà lá rượu thuốc và âm thầm đợi cặp vợ chồng “3 trong 1” sau tuần trăng mật lử lả, sẽ trở về làm tròn nghĩa vụ của đứa con, đứa cháu. Một tuần sau, trong bữa ăn chiều, anh cả uống liền tù tì ba ly rượu, rồi nói: “Hồi trưa thằng út điện về. Vợ chồng nó từ Phú Quốc sẽ quay về Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn sẽ bay thẳng về Mỹ, sau đó mới trở về Thượng Hải chào hỏi bà con bên vợ”.
“Vậy khi nào chúng nó trở về đây?”, tôi hỏi. “Chắc đợi đến Tết!”, anh cả trả lời, rồi cầm chai rượu, rót tiếp. Không thể ngồi đợi đến Tết để nối lại cái mầm hy vọng mới ló đã thụt. Tôi muối mặt hỏi vay anh cả ít tiền mua cái vé Jetstar.
Anh cả móc tiền coi bộ khó khăn: “Chú đi giét ta chi cho phí tiền, đi tàu hỏa í!” Khi cầm chiếc vé tàu trên tay, trong tôi chợt loe lóe tia sáng mới: Biết đâu trong suốt 24 giờ đồng hồ trên chuyến tàu Bắc Nam, tôi lại gặp được một cô nàng “phì đồn phong nhũ” và biết đâu, đó lại là cô vợ “3 trong 1” mà tôi chẳng phải nhờ ai làm mai mối.
Đất trời rục rịch vào Xuân.