Nguyễn Quang Lập: "Nhớ quê mình quá!"
- Văn hóa - Giải trí
- 22:43 - 17/02/2015
Cầu đã bắc qua sông
Tuỳ bút của NGUYỄN QUANG LẬP
Tối qua nhậu về trúng gió hơi bị cảm, check mai nhận được cái thư của một học trò: “Thầy ơi em nhớ thầy đưa chúng em đi dọc sông Gianh hè năm 2009 quá”, tự nhiên ngồi thừ ra nhớ sông Gianh.
Năm đó mình đưa Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Thanh Vân và mấy đứa học trò lớp biên kịch đi đò dọc sông Gianh một ngày trời, chuyến đi gặp nắng gắt khá mệt nhưng mà thích. Mình đã ba lần đi dọc dòng sông. Lần thứ nhất năm 1985 đi dọc sông Thu Bồn cùng với Nguyên Ngọc, Phan Tứ, Cao Việt Bách, Thuận Yến… Lần thứ hai đi dọc sông Hương năm 1987 cùng với Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vĩ, Hồng Đăng… Và đây là lần thứ ba.
Bến đò trên sông Gianh
Đi dọc dòng sông rất là thích, đặc biệt là đi dọc dòng sông quê, nó cho người ta cảm giác mình đang đi đến tận cùng kỉ niệm. Suốt cả chuyến đi, Phạm Xuân Nguyên cứ ngâm đi ngâm lại mấy câu thơ của Bế Kiến Quốc “Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng/ tất cả trả lời sinh bên một dòng sông/…Chẳng phải rộng xa một tầm cò vỗ cánh/Cũng xinh xinh vài sải chèo quẫy mạnh/Quê hương Việt Nam mườn mượt những cánh đồng/ Mỗi con người gắn bó một dòng sông”.
Thì mình cũng vậy, cũng sinh ra bên một dòng sông, sông Gianh của mình cũng “rộng xa một tầm cò vẫy cánh” y chang câu thơ của Bế Kiến Quốc. Từ thủa bé thơ cho đến lúc khôn lớn, không chiều nào mình không đến với sông Gianh. Còn bé thì bơi lội, ngụp lặn thi nhau bắt cua cá. Lớn lên một chút mình thường đứng trên bờ đê Thị trấn Ba Đồn nhìn sang bờ bên kia, cố tìm xem đâu là nhà của Lưu Trọng Lư, đâu là nhà của Nguyên Nhung, đâu là nhà của Nguyễn Hàm Ninh, cả nhà bác Đồng Sĩ Nguyên nữa, họ là niềm tự hào của dân quê mình.
Nhiều lần mình sang làng Hòa Ninh xã Quảng Hòa cố tìm xem ngôi nhà mẹ anh Sơn (Trịnh Công Sơn) ở đâu nhưng tìm không ra. Nghe nói trước đây bà ở làng Vụng Nổ sát sau Thị trấn Ba Đồn, sau chạy giặc lên làng Hòa Ninh, cuối cùng mới vô Huế, lấy chồng sinh anh Sơn ở đấy.
Trịnh Công Sơn thật sướng, anh có hai dòng sông quê cùng có tên là Linh Giang. Dòng Linh Giang quê nội là sông Hương và dòng Linh Giang quê ngoại là sông Gianh. Ấy là mình nghe ba mình kể vậy chứ thực hư thế nào mình cũng không biết. Nhiều lần chơi bời nhậu nhẹt với anh Sơn mà mình quên khuấy hỏi chuyện này, thật quá tệ. Có lẽ mình tin ba mình, cứ đinh ninh như thế nên không hỏi nữa. Cũng bởi vì mình nghe trong những ca khúc của anh vừa có chút gì ngọt đắng, hờn tủi của sông Hương; vừa có chút gì thoáng đãng, dữ dội của sông Gianh.
Làng quê Việt Nam (Ảnh minh họa)
Ba mình nói xưa kia sông Gianh được gọi là Đại Linh Giang. Theo Đào Duy Anh, cái tên này có từ thế kỉ 3, thời Tây Tấn bên Tàu, cách đây chừng 1.700 năm. Sau này dân gọi tắt là Linh Giang trùng tên với Linh Giang ở Huế, sông Hương ngày nay, là vì vậy. Mình có quá nhiều kỉ niệm về dòng sông, những kỉ niệm từ thuở bé thơ cho đến quá nửa đời người kí ức ấy không hề phai nhạt. Thế mà mình không hề viết được gì về sông Gianh, trong khi anh Văn Linh quê Hà Tĩnh lại có bộ ba tiểu thuyết Sông Gianh, hơn nghìn trang sách. Nghĩ mà xấu hổ với anh Văn Linh.
Anh Văn Linh khi đã sức tàn lực kiệt nhưng mỗi lần nhắc đến sông Gianh, anh đều nói rất nhiều, rất hào hứng. Một hôm mình hỏi anh, nói ấn tượng nhất của anh về sông Gianh là gì. Anh nói ngay, ấn tượng nhất có lẽ là những cây cầu bắc qua sông, tuồng như chúng nằm ngoài những giấc mơ đẹp nhất của mình. Từ thủa thanh niên trai tráng cho đến tuổi về già, chưa khi nào mình dám nghĩ sẽ có một ngày cầu được bắc qua sông Gianh.
Đúng vậy. Từ bao đời nay người sông Gianh chỉ khát một cây cầu, khát khao cháy bỏng nhưng ít ai dám mơ tới. Sông Gianh sâu và rộng, mùa nước lũ vô cùng dữ dằn, làm sao có thể mơ đến một cây cầu? 1700 năm nay, kể từ khi người sông Gianh có mặt, qua sông vẫn chỉ những con đò, đến mùa nước lũ thì những con đò cũng vắng. Ngay bến phà Gianh nối đường Quốc lộ 1, những con phà cũng phải cắm sào neo bến không dám qua. Xe và người nối dài hàng cây số hai bờ sông chờ nước rặc luôn xảy ra ngày này qua ngày khác, năm này sang năm khác, đời này sang đời khác. Rất nhiều khi mình đã đến bên này sông, chỉ cần 10 phút xe hơi là về quê mà phải ăn chực nằm chờ trắng ngày thâu đêm.
Bờ biển Quảng Bình
Đôi khi mình ngồi buồn thiu bên trên bờ đê nhìn dòng sông cuồn cuộn chảy, nghĩ bụng dòng sông như tính khí người sông Gianh, khi hiền như đất khi giận dữ như nước lũ; nghĩ bụng có lẽ hơn trăm năm (1627-1775) chúa Trịnh không thu phục được chúa Nguyễn cũng vì sông Gianh rộng quá, sâu quá, dữ dội quá chăng; nghĩ bụng không biết bằng cách nào Quang Trung đưa được đàn voi trận qua sông kịp ra thành Thăng Long đại phá quân Thanh năm Kỉ Dậu (1779). Tất cả đều có thể, nhưng chiếc cầu bắc qua sông thì không thể, không chỉ có mình nghĩ thế, mấy vạn dân hai bờ sông có lẽ cũng nghĩ như mình.
Chẳng ngờ một ngày đẹp trời cuối thế kỉ 20, cầu đã bắc qua sông, chấm dứt cơn khát 1700 năm của những người dân quê mình, quả thực còn hơn một giấc mơ. Bây giờ không chỉ một cây cầu mà có đến 9 cây cầu, ngoài cầu chính nốí đường quốc lộ 1, gọi là cầu Gianh, còn có bảy cây cầu nữa, đó là cầu Đá Nện, cầu Cà Tang, cầu Chợ Gát, cầu Yên Tố, cầu Sảo Phong, cầu Châu Hoá, cầu Văn Hoá và cầu Quảng Hải rải dọc dòng sông. Những chiếc cầu đã chấm dứt những chuyến đò ngang bấp bênh, hiểm nghèo. Có lẽ vụ đắm đò Quảng Hải 43 người chết tết năm kia là kỉ niệm buồn đau cuối cùng của sông Gianh vì thiếu những cây cầu.
Cây cầu bắc qua sông Gianh
Tết năm ngoái mình về quê, khi đến cầu Gianh mình đã xuống xe đi bộ qua cầu. Mình biết cây cầu dài 764,4 m nhưng cứ thích bước và đếm, như ngày xưa Nguyễn Tuân đã từng bước và đếm khi qua cầu Hiền Lương. Mình kéo rê những bước chân già nua ốm yếu của mình bước và đếm, loạng choạng và nghiêng ngả bước và đếm, xiêu vẹo và đau nhói bước và đếm… cả thảy 1711 bước!
Bước cuối cùng mình ôm lấy cây cột đầu cầu thở dốc, rưng rưng trong niềm hân hoan khôn tả: 1700 bước! 1700 năm qua người sông Gianh dù đã trải biết bao khổ đau và cay cực thì giờ đây đã có những cây cầu. Nghĩ thế mà khóc. Mấy đứa trẻ tròn xoe nhìn mình, chúng không hiểu vì sao mình khóc. Làm sao chúng hiểu được, bởi vì khi đó mình đang gọi thầm ba mạ mình nơi chín suối, nói ba ơi mạ ơi, cầu đã bắc qua sông!