THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:13

Làng Phú La tôi

Tôi nhớ một chiều đông rét mướt thời bom Mỹ. Ngồi trước cửa hang đá lưng chừng núi nơi một cánh rừng Tây Bắc, bà nội tôi răng đen hạt na nhai trầu bỏm bẻm... Có một người từ quê Thái Bình lên biếu bà mấy quả cau và khúc rễ chay để bà ăn trầu. Nhai trầu hồi lâu, bà thở dài: “Ôi chao, rét mướt, xa xôi lại bom đạn thế này, không biết bao giờ mới lại về được Phú La đây?”. Phú La là tên làng tôi. Hồi đó, tôi mới chừng 10 tuổi, đã cảm nhận nỗi nhớ quê hun hút của ông bà nội tôi. Tôi hỏi bà nội: “Thế từ đây về làng Phú La mình đi hết bao lâu hả bà?”. Bà bảo: “Nhiêu khê cách trở lắm. Về tới Hà Nội phải mất bốn, năm ngày, rồi về Thái Bình, về làng... Xe cộ không thuận lợi có khi mất cả nửa tháng mới lần được tới quê”. Tôi lại hỏi: “Thế sao ông bà lại đi lên đây?”. “Vì cây dây quấn, vì bố mày ấy, quấn túm cả nhà lên đây”...

 

Bố tôi là người hay xê dịch. Hồi trẻ, ông ra Hải Phòng làm bánh kẹo, làm kem bán cho người ta. Tháng 8/1945 ông tham gia cách mạng rồi mới về làng. Khi Pháp trở lại, đang công tác ở huyện đội quê nhà, thì ông được điều lên chiến khu Sơn Dương, Tuyên Quang. Kháng chiến xong, ông về quê rồi lên Hà Nội làm việc. Ở Hà Nội chưa lâu, ông xung phong lên Sơn La công tác. Một thời gian ngắn sau, ông đưa mẹ tôi và tôi, lúc đó mới khoảng 2 tuổi lên theo. Sau đó, ông về làng đón bằng được ông bà nội tôi lên ở với mình. Ông bà tôi lên Tây Bắc lúc đó đã chừng bảy, tám năm rồi mà chưa có dịp trở lại làng...

 Có lẽ vì nhớ quê, nên ông bà nội hay kể chuyện quê cho tôi nghe. Dần dần tôi chắp nối trong ký ức những hình ảnh tưởng tượng về làng Phú La quê mình suốt một tuổi thơ. Tôi chỉ mới sống hai năm đầu đời ở làng, ký ức chỉ là mảnh vườn của ông bà nội, dòng sông cạnh cái chợ gần nhà và cái cầu chênh vênh...Tôi không nghĩ ông bà mình xa quê, nhớ quê là khổ. Tôi nghĩ con người ta sống ở đâu thì yêu thương, thích thú nơi đó và thật là sung sướng nếu có một nơi chốn để nhớ nhung và mong được tìm về thăm. Khi thi đỗ đại học, được về Hà Nội, tôi nhanh chóng tìm về làng. Ở làng, tôi còn ông bà ngoại và bao nhiêu họ hàng hai bên. Những hình ảnh của làng, tôi thấy không khác nhiều so với tưởng tượng, chỉ có điều lam lũ hơn thôi. Rồi ông tôi khuất núi, nằm lại trên Tây Bắc. Bố mẹ tôi nghỉ hưu, lại đưa bà nội về sống ở làng. Tôi làm báo, cũng nay đây mai đó, nhưng càng ngày, càng năng về làng hơn...

Thử chuông đồng mang từ Lâm Tỳ Ni về làng


Làng Phú La tôi hợp với làng Tiến Trật thành xã Đô Lương thuộc huyện Tiên Hưng (Tiên Hưng sau này nhập với Đông Quan, thành huyện Đông Hưng), tỉnh Thái Bình. Theo truyền ngôn, cách đây chừng 700 năm, có bốn trai tráng, khí phách hơn người thuộc bốn dòng họ Đinh, Vũ, Nguyên, Trần xuất thân từ làng Đô Kỳ, cùng kết nghĩa huynh đệ xuống khai phá vùng đất hoang trũng lập ấp, dựng nhà, dần dần mà thành làng Phú La. Bốn trai tráng thở ấy đã thành bốn vị Tiên Công làng Phú La, nay còn bốn ngôi mộ tổ ờ làng: Mả Ru, Mả Rang, Mả Mái và Mả Vườn Bầu. Làng Phú La bắt đầu có tên cách đây chừng hơn ba thế kỷ, thuộc tổng An Lạc, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam Hạ. Vùng đất này đã có lúc thuộc về trấn Nam Định, có lúc lại thuộc về trấn Hưng Yên... Làng Phú La tôi cũng như mọi làng quê bình thường khác của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Làng tôi có ba sản vật, người quanh vùng hay kể đến là cau, là chè xanh bán bằng nón đội đầu của các bà các chị và chuối ngự giống bên Hà Nam.Trai làng tôi nổi tiếng nấu ăn ngon. Có mấy món tôi thấy không ở đâu ngon bằng ở làng là chạch nấu củ chuối, lòng gà xào cây chuối non, rau diếp thái nhỏ ăn với chạch nấu chuối thì thôi rồi, khỏi phải bàn. Còn có một món mà không nơi nào có, đó là món gỏi sụn lợn. Tất cả các miếng ngon trong bộ lòng con lợn cùng với thịt tai lợn thái nhỏ trộn với các loại rau thơm, mắm tôm chanh ăn với bánh đa nướng. Một lần tôi dẫn các nhà văn như  Ma Văn Kháng, Xuân Thiều, Nguyễn Đức Mậu, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Quang Lập, Phạm Ngọc Tiến, Trần Quang Đạo, Thùy Linh... về làng chơi, thiết đãi cả hội món gỏi sụn ăn với bánh đa nướng. Tất cả đều trầm trồ và công nhận là chưa được ăn món ngon này ở bất cứ đâu....

 

Làng nằm trong nước, vận mệnh của nước nằm trong vận mệnh của làng. Nước nổi cơn binh lửa, can qua thì làng cũng đổ xương, đổ máu, nước yên hàn phát triển thì người làng cũng tươi mới nụ cười. Nghe chuyện làng thấy mình cứ tự hào lâng lâng. Từ trong lịch sử xa xưa, nơi đây từng là kho lương và là nơi giấu quân chống giặc ngoại xâm phương Bắc. Thời chống Pháp, ông Đỗ Mười đã bí mật về đây chỉ đạo kháng chiến. Trong chống Mỹ, mấy chục trai tráng làng Phú La hy sinh ở chiến trường, giờ nhiều người vẫn chưa tìm được hài cốt. Đêm trước Đổi mới, làng tôi có một người lính hy sinh vì đương đầu với bọn trộm cắp ở Cảng Hải Phòng, được phong anh hùng chống tiêu cực... Bây giờ điểm lại, làng có khối người thành danh, ăn nên làm ra ở khắp nơi trong nước. Có giáo sư tiến sỹ, có nhà giáo, thầy thuốc ưu tú, có tướng tá quân đội, công an, có cả lãnh đạo cấp chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện, có tổng giám đốc biết làm giầu cho mình, cho nước... Còn bao hứa hẹn phát đạt từ những gương mặt non tơ của làng đang học hành tấn tới... Lần đầu tiên tôi tìm về làng năm 1977, phải đi bộ từ thị trấn Đông Hưng 6 cây số về làng, qua những bờ ruộng bước thấp, bước cao, lại đúng ngày mưa nước dềnh khắp đường làng. Có câu: "Trăm cái tội, không bằng lội Phú La" là nói về cái khổ Phú La một thời trong những ngày mưa gió như thế. Nhưng chẳng hề chi, còn có bao ngày nắng ráo, bước chân thơ thới trên ruộng, trên đồng, trên đường làng, nghe ríu rít tiếng nói cười, chào hỏi của người làng.

Mỗi lần từ làng ra đi lại mang theo một chút gì đó mà hòa vào đời sống nơi xa, có thể là một ấn tượng về điệu chèo hát nơi ngõ quê, hay dáng mẹ lui cui trong chiều đông vắng, có khi cụ thể hơn là một gốc rau bầu đất mang đi giâm vào bồn đất đặt trên tầng gác phố thị. Tôi nhớ có lần vào chơi với ông chú trẻ Vũ Duy Hải, nay là một doanh nhân thành đạt ở Sài Gòn, thấy trong nhà đầy chum vại, rồi thì nơm tre, rủi tre, khắp vườn thì rau bầu đất, rau má, rau húng đũi mang từ làng vào trồng. Sống xa làng mà vẫn thấy như nghe tiếng làng ríu rít xung quanh...

 

 Mỗi lần về làng lại thấy lối ngõ cảnh vật đổi thay, nhiều đoạn đường được san đắp mới, nhiều công trình mới mọc lên, chùa chiền, miếu mạo, lầu son gác tía được sửa chữa, tôn tạo, cái thì từ ngân sách, cái thì dân làng chung lòng đóng góp, cái thì do những người con của làng đi làm ăn xa thành đạt nay dư dả gửi về quê công đức...

Tôi không nhiều tiền của, thì cũng có cái đóng góp cho làng mà thấy ấm lòng: Một gốc cây ưu đàm từ chùa Vàng, chùa Bạc, một gốc bồ đề từ cội bồ đề nghìn tuổi ở Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ), hay một cái chuông quí, không cần gõ mà tiếng vẫn ngân nga như tiếng sáo diều đại giữa trưa hè no gió, tôi mang về từ nơi đất thiêng, nơi Đức Phật đản sinh ở Lâm Tỳ Ni (Nepal)....

Đại đức trụ trì chùa Phú La bên cây ưu đàm


Cứ đi đi, về về nhiều lần như thế, con người thành thân quen, cảnh vật thành thân thuộc, làng càng ngày càng phong quang, phát triển đi lên, tình yêu làng ngày càng lớn lên trong tâm hồn mình.

Tôi cũng nhớ một đêm khuya lạnh giá, bà nội ôm tôi vào lòng thì thầm: “Con ơi, mày còn một người chị, đó là chị Phát, giờ bà không biết nó ở đâu. Sau này lớn lên, liệu mà đi tìm chị nhé!”. Chắp nối các lời kể, chi tiết nghe được ở đâu đó, tôi biết về câu chuyện này như sau: Bố tôi hồi ở Hải Phòng có quen và lấy mẹ Nhâm. Sau năm 1945 hai người sống với ông bà tôi ở làng. Bố tôi và mẹ Nhâm có với nhau ba người con. Người con trai đầu mất lúc 3 tuổi vì bạo bệnh. Chị Phát sinh đầu kháng chiến chống Pháp. Khi bố tôi lên chiến khu Tuyên Quang, mẹ Nhâm và chị Phát ở làng với ông bà nội tôi. Trong kháng chiến, bố tôi có lần về thăm làng và có thêm anh Hồng... Rồi không hiểu vì có chuyện đồn thổi sao đó, kháng chiến kết thúc, bố tôi về làng thì mẹ Nhâm đã mang chị Phát và anh Hồng đi ra Hải Phòng. Bố tôi có ra tìm nhưng không thuyết phục mẹ Nhâm về lại với mình. Mãi sau đó năm năm, bố tôi lấy cô gái trẻ cùng làng là mẹ tôi. Bố tôi số vất vả lại nóng tính, nay đây mai đó. Lấy mẹ tôi, sinh ra tôi, sau đó một loạt các em, cũng phải hai đứa bệnh tật, sống không thành người. Thế mà ông vẫn đau đáu nhớ thương hai đứa con với người vợ trước. Vào thời điểm bà nội nói với tôi chuyện này, thì cũng hai năm nghe tin anh Hồng đi bộ đội rồi hy sinh ở miền Nam. Khi bố tôi về hưu, sống ở làng, đã vào tuổi tám mươi, ông còn lụi cụi đi ra Hải Phòng lần tìm tin con gái mà không được. Nghe nói chị Phát đã lưu lạc ra nước ngoài ở một phương trời nào xa lắm. Bố tôi vài năm sau cũng thành người thiên cổ...

 Cuối năm Canh Dần bỗng một chiều tôi nhận được điện thoại từ miền Đông nước Úc xa xôi. Chị Phát gọi về. Chị khóc trong máy, kể: Mẹ dẫn chị đi khỏi làng từ khi chín, mười tuổi, đi bộ đi mãi đi mãi mới gặp đường cái, chỉ nhớ mỗi tên làng mình là Phú La. Giờ nhớ tìm về cũng nhờ người em kết nghĩa ở Hải Phòng từ cái tên làng Phú La mà lần ra gốc tích. Tôi chợt nhớ là tôi đã đi nhiều nơi, chưa thấy làng nào trùng tên với Phú La làng mình. Gặp chị Phát rồi tôi ra Hải Phòng, còn nhận được di ảnh và giấy tờ liệt sỹ của anh Hồng tôi.Tôi đã mang di ảnh anh Hồng về đặt bên di ảnh ông bà nội và bố tôi trên bàn thờ, thắp nén hương thơm mà như thấy lòng mình nhẹ bẫng, bao tâm tư giờ đã tan rồi...

Thế là sắp tới, cả nhà tôi sẽ được đón chị Phát, một người con gái lưu lạc phương trời xa bao năm giờ với tìm về họ tộc, với làng Phú La thân thương, dù hơi muộn màng...

Nhà văn Nguyễn Thành Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh