Thanh Hóa nhiều nhóm ngành vẫn hút lao động dịp cuối năm
- Bài thuốc hay
- 20:01 - 29/11/2023
Thu thập, điều tra, khảo sát, phân tích, tổng hợp nhu cầu tuyển dụng lao động, nhu cầu tìm việc làm của người lao động thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững và Kế hoạch điều tra, khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động ở các loại hình doanh nghiệp của Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) tỉnh Thanh Hóa trong quý III năm 2023 cho thấy:
Quy mô doanh nghiệp trên địa bàn các huyện tương đối lớn, tuy nhiên qua khảo sát, thu thập, cập nhật thông tin tuyển dụng ở 502 doanh nghiệp thì tổng số nhu cầu tuyển dụng là 6.026 lao động, tập trung ở các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Thường Xuân, Lang Chánh…nhu cầu tuyển dụng tập trung vào lực lượng lao động phổ thông, lao động thời vụ là chủ yếu.
Nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lao động nhiều nhất tập trung ở nhóm ngành dệt may, giày da, nhựa, bao bì... với số lượng 2.703 người, chiếm 44,9%.
Khảo sát về nhu cầu tìm việc làm của người lao động trên địa bàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở các huyện nghèo, huyện có xã đảo, bãi ngang ven biển, kết quả tổng hợp sơ bộ 2.743 lao động có nhu cầu tìm việc làm, số lao động là nữ giới chiếm tỷ lệ thấp hơn nam giới, đạt 39,6%.
Người lao động thuộc hộ nghèo ít có cơ hội tiếp cận việc làm hơn lao động ở các nhóm đối tượng khác.
Trong tổng số 2.743 lao động được khảo sát, thu thập, số lao động thuộc hộ nghèo có mong muốn tìm việc làm là 714 người, chiếm 26,02%; tiếp đến là tỷ lệ người lao động thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu tìm việc làm là 32,81% và 4,01%, tương ứng với số người cần tìm việc là 900 người và 110 người.
Lao động thuộc các xã bãi ngang, xã đảo, huyện nghèo và không thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo có nhu cầu tìm việc làm là 1.019 người, chiếm 37,19% trong tổng số người lao động được tiến hành thu thập, khảo sát.
Trong 2.743 lao động có nhu cầu tìm việc, mong muốn công việc trong lĩnh vực dệt may, giày da, nhựa, bao bì chiếm 35,8% nhu cầu. Ngành nghề người lao động có nhu cầu tìm việc ít nhất là nhóm ngành Y tế, chiếm 0,2% tổng nhu cầu tìm việc của người lao động;
Số người lao động tìm việc trong nhóm ngành sản xuất, sửa chữa, lắp đặt máy móc, thiết bị công nghiệp, điện, điện tử 232 người, chiếm 8,5% tổng số nhu cầu tìm việc của người lao động; Số người lao động tìm việc trong nhóm ngành dệt may, giày da, nhựa, bao bì: 981 người, chiếm 35,8% tổng số nhu cầu tìm việc của người lao động; Số người lao động tìm việc trong nhóm ngành, nghề khác 520 người, chiếm 18,9% tổng nhu cầu tuyển dụng
Kết quả phân loại, đánh giá nhu cầu của người lao động tìm việc và có mong muốn mức lương phù hợp với nguyện vọng, tay nghề của mình:
Mức lương từ 3 triệu đến 5 triệu/tháng: 31 người, chiếm 1,13% ;
Mức lương từ 5 đến 8 triệu/tháng: 1.944 người, chiếm 70,9%;
Mức lương từ 10 triệu đến 20 triệu/tháng: 508 người, chiếm: 18,5% số người được thu thập, khảo sát;
Riêng mức lương từ 20 triệu đến 50 triệu/tháng: 43 người, chiếm: 2,2%.
Đây là nhóm lao động có trình độ chuyên môn bậc cao, có kinh nghiệm làm việc và mong muốn môi trường làm việc chuyên nghiệp, cơ hội phát triển bản thân và đã có kinh nghiệm làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong công việc.
Mức lương thỏa thuận: 217 người, chiếm 7,91% số người được thu thập, khảo sát.
Hầu hết nhu cầu tìm việc trong tỉnh vẫn là ưu tiên của người lao động bởi yếu tố gần nhà, thuận lợi cho việc chăm sóc gia đình, chiếm 71,5%, trong khi đó nhu cầu tìm việc ngoài tỉnh, chiếm 28,5%.
Ông Hoàng Duy Xuyên, Giám đốc TTDVVL Thanh Hóa cho biết: “Trong quý III, Trung tâm DVVL tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức 13 phiên giao dịch việc làm định kỳ tại đơn vị với 79 lượt doanh nghiệp/cơ sở dạy nghề tham gia. Số lao động được cung cấp thông tin tư vấn nghề, tư vấn việc làm là 4.680 lượt người; kết nối việc làm, học nghề cho 437 người.
Nhu cầu tuyển dụng tập trung vào lực lượng lao động phổ thông, lao động thời vụ là chủ yếu; Nhu cầu việc làm của người lao động với mong muốn mức lương dao động trong khoảng 5 triệu đến 8 triệu đồng/tháng, một số trường hợp người lao động có kinh nghiệm, tay nghề mong muốn mức lương cao hơn nhằm ổn định cuộc sống.
TTDVVLThanh Hóa đã thực hiện giới thiệu nhân sự phù hợp cho doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng và người lao động có nhu cầu việc làm thông qua cung cấp thông tin trên các trang thông tin trực tuyến của đơn vị.
Nhờ đó, cả người lao động và người sử dụng lao động đều tiết kiệm được khá nhiều thời gian tìm kiếm và chi phí tuyển dụng…”.
Hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản đóng hộp, ông Nguyễn Văn Quỳnh, Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến và Xuất khẩu nông sản việt (TP Thanh Hóa) cho biết: “Dịp cuối năm là thời điểm các công ty, doanh nghiệp tăng cường sản xuất với mục tiêu để tăng sản lượng, doanh số, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Ngay trong quý III, Công ty đã tổ chức tuyển dụng bổ sung thêm lao động thiếu hụt để tăng cường sản xuất. Cuối năm cũng là dịp lao động thêm nhiều cơ hội tăng ca, tăng thu nhập, lại có thêm các khoản tiền thưởng Tết...".
“Qua khảo sát, dịp cuối năm người lao động có nhu cầu tăng ca để tăng thu nhập, ít có xu hướng “nhảy việc, bỏ việc”, ổn định công việc để chờ thêm thưởng Tết. Doanh nghiệp có xu hướng đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng sản phẩm phục vụ nhu cầu trước, trong và sau Tết. Trong quý IV, thị trường lao động Thanh Hóa dự kiến cần khoảng 18.000 lao động. Các nhóm ngành dệt may, da giày, nhựa bao bì, kinh doanh bán hàng, vận tải kho bãi và các ngành dịch vụ khác được dự báo có nhu cầu tuyển dụng lao động cao…”, ông Lê Đăng Trường, Trưởng phòng Dự báo thị trường lao động, TTDVVL Thanh Hóa thông tin thêm.