Đưa người lao động vùng đồng bào miền núi đi làm việc ở nước ngoài góp phần giảm nghèo bền vững
- Dược liệu
- 11:18 - 22/11/2023
- Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo
- Học tập, trao đổi kinh nghiệm, nhân rộng mô hình giảm nghèo
- Thừa Thiên Huế đẩy mạnh đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, góp phần xoá đói giảm nghèo
- Tư vấn đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gắn với giảm nghèo bền vững
Nhận thức rõ tầm quan trọng của vùng miền núi và các đồng bào dân tộc thiểu số trong sự phát triển chung của tỉnh, trong những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách, đề án nhằm mục tiêu giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào trên mọi phương diện. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các chương trình, dự án sản xuất, tập huấn khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, giải quyết việc làm,…còn gặp không ít khó khăn, trở ngại nên tính hiệu quả chưa cao, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi còn cao, nhất là tại A Lưới, Nam Đông.
Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, thời gian qua, công tác tạo việc làm tại địa phương này đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, số lao động đi làm việc tại các công ty trong và ngoài nước tăng hàng năm, đặc biệt việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài ngày càng được thế hệ trẻ quan tâm. Trong năm 2022, toàn huyện A Lưới có 16 lao động; trong 10 tháng đầu năm 2023 đã có 57 lao đông đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là tại Nhật Bản, Đài Loan. Việc ngày càng có nhiều lao động, nhất là lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia đi làm việc ở nước ngoài đã giúp cải thiện thu nhập, đời sống của chính bản thân và gia đình.
Tuy nhiên, công tác lao động, việc làm tại A Lưới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tỷ lệ người lao động có nhu cầu tìm việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp chiếm số lượng lớn, các doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động nhưng còn thiếu nhiều thông tin, tình trạng người chờ việc, việc chờ người vẫn diễn ra, số lượng lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài có tăng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Đó là những vấn đề mà Đảng bộ, chính quyền huyện đang hết sức quan tâm.
Theo các chuyên gia, để đảm bảo nâng cao chất lượng cuộc sống thì trước hết phải giúp đồng bào có được việc làm, thông qua giải đào tạo nghề gắn vpới giải quyết việc làm tại chỗ hoặc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, để tạo ra thu nhập ổn định. Đây là một định hướng và chính sách đúng đắn, đặc biệt là trong bối cảnh các giải pháp mô hình phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp gắn với canh tác, chăn nuôi hiện nay ở vùng miền núi Thừa Thiên Huế gặp khó khăn về nguồn vốn, đất đai, kỹ thuật, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, một trong những giải pháp phù hợp và thiết thực nhất, giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi thoát nghèo nhanh, bền vững là đào tạo nâng cao chất lượng lao động, gắn với giải quyết việc làm, trong đó, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các thị trường lao động có thu nhập cao, việc làm ổn định được xem là “con đường ngắn nhất, hiệu quả” giúp người dân thoát nghèo. Không những thế, sau khi hết thời hạn trở về, những lao động này sẽ có được kiến thức, tay nghề vững vàng, dễ dàng tạo lập sự nghiệp, tránh tình trạng tái nghèo.
Trong Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã xác định, để giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo quân toàn tỉnh giảm còn 2,0-2,2% vào cuối năm 2025, trong đó tỷ lệ hộ nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3% (riêng huyện A Lưới trung bình mỗi năm giảm từ 7-9%), thì một trong những giải pháp đưa ra đó là đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động. Theo đó, Thừa Thiên Huế phấn đấu tối thiểu 5.000 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn được hỗ trợ kết nối việc làm thành công; tối thiểu 5.000 ngƣời lao động được hỗ trợ đào tạo; trong đó, có khoảng 4.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (ít nhất 70% hộ gia đình có người đi làm việc ở nước ngoài sẽ thoát nghèo). Hỗ trợ khoảng 4.000 người lao động tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Tổng kinh phí thực hiện cho giai đoạn 2021 - 2025 là 9.440 tỷ đồng.
Mới đây nhất, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch đẩy mạnh công tác đưa người lao động vùng đồng bào miền núi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025, nhằm nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và kỹ năng, tác phong nghề nghiệp của người lao động góp phần giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào miền núi và của tỉnh.
Theo kế hoạch nói trên, tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu có 100% người lao động sinh sống trên địa bàn miền núi trong độ tuổi, được tư vấn, thông tin về thị trường lao động ngoài nước; các chủ trương, chính sách của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỉnh cũng phấn đấu đến năm 2025, 100% người lao động cư trú trên địa bàn miền núi có nhu cầu, đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định được đi làm việc ở nước ngoài. Riêng huyện A lưới, phấn đấu hằng năm đưa trên 70 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Ngoài ra, Thừa Thiên Huế phấn đấu 100% cán bộ cơ sở tại các địa bàn miền núi được tập huấn phổ biến các nội dung liên quan đến các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, tín dụng ưu đãi tạo việc làm, các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài…
Phạm vi thực hiện tại các huyện, xã miền núi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, trọng tâm là huyện A Lưới. Đối tượng là người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, cận nghèo; thân nhân người có công với cách mạng; người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật.