Lâm Đồng chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
- Giáo dục nghề nghiệp
- 15:03 - 23/11/2023
Công tác quản lý nhà nước về dạy nghề từ tỉnh đến cơ sở từng bước được tăng cường; kịp thời tham mưu, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về dạy nghề; kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động đối với các cơ sở đào tạo nghề.
Đến nay, toàn tỉnh có 41 cơ sở đào tạo nghề, trong đó: 4 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 11 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện, 7 trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục, 14 doanh nghiệp đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và 3 cơ sở khác có tham gia dạy nghề.
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề ngày càng được tăng cường. Đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy nghề từng bước được chuẩn hóa, số lượng và chất lượng được nâng lên; đã huy động được một số công nhân kỹ thuật có tay nghề cao, nghệ nhân gia hoạt động dạy nghề.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bằng nhiều giải pháp tích cực, trong 5 năm qua (2018 - 2022), 9.843 lao động nông thôn đã được hỗ trợ học nghề, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 74% và lao động qua đào tạo được cấp văn bằng, chứng chỉ lên 21.8%.
Đa số học viên sau khi học nghề đã tìm được việc làm mới hoặc tự tổ chức sản xuất, kinh doanh theo ngành nghề. Cùng với việc lồng ghép thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, sau đào tạo, hàng ngàn lượt hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, ổn định đời sống vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,94% năm 2022.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã thực sự có tác dụng chuyển đổi nhận thức về học nghề, việc làm, trang bị những kiến thức cơ bản, nâng cao tay nghề cho người lao động. Sau học nghề đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả, cho thu nhập cao góp phần làm chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng, biên soạn tài liệu và tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động đối với đội ngũ tuyên truyền viên là cán bộ của các hội đoàn thể. Tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn. Tổ chức biểu dương, tôn vinh, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật Giáo dục nghề nghiệp để đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp cho sản xuất, doanh; tạo cơ hội để mọi người lao động, nhất là các đối tượng chính sách đều có cơ hội và điều kiện được học để có nghề, có việc làm và được tiếp tục học lên các trình độ cao hơn.
Tăng cường điều tra khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và công tác dự báo xu hướng phát triển, quy hoạch của từng địa phương, đảm bảo gắn với việc làm sau đào tạo. Đặc biệt, cần làm tốt công tác dự báo về nhu cầu sử dụng nghề của xã hội để đảm bảo cho các học viên đã qua đào tạo có cơ hội tìm kiếm việc làm; có sự điều chỉnh về chính sách nhân sự của các trung tâm đào tạo nghề, nhất là các cơ sở dạy nghề dành cho lao động nông thôn.
Đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng về nghề nghiệp trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy nghề để thu hút các nguồn lực đầu tư vào dạy nghề cho nông dân. Cùng với đó, đào tạo bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cơ sở dạy nghề hiện có. Tăng cường đào tạo số giáo viên còn thiếu nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về quy mô đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay.
Đổi mới mạnh mẽ phương thức đào tạo, chuyển từ đào tạo tập trung đồng loạt trên lớp sang đào tạo cá nhân hóa, phù hợp với năng lực, tiến độ học tập của từng người, linh hoạt thời gian học tập trong ngày, người học có thể học bất cứ đâu và thời gian nào phù hợp tính chất công việc của mình. Để làm được điều đó cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kiến thức và kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đầu tư hệ thống LMS (hệ thống quản lý học tập) để giáo viên thực hiện lưu trực tuyến tất cả giáo trình và nội dung đào tạo đã được số hóa.
Định kỳ điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng ưu tiên dạy thực hành để nâng cao kỹ năng nghề cho người học, xây dựng giáo trình giúp người học dễ tiếp cận và tiếp thu kiến thức. Thiết kế các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lao động dựa trên các tiêu chuẩn kỹ năng nghề, ứng dụng khoa học công nghệ số; nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho các nhóm lao động đặc thù. Khuyến khích tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số ngắn hạn theo hình thức thường xuyên, linh hoạt cho người lao động.
Gắn đào tạo với thực hành, đào tạo theo nhu cầu thị trường và đơn đặt hàng của doanh nghiệp là hướng đi mới cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để có thể đáp ứng được nhu cầu hiện nay cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói chung và cho nhu cầu doanh nghiệp nói riêng. Hợp tác với doanh nghiệp để tận dụng cơ sở vật chất, máy móc thiết bị để vừa giảm chi phí đầu tư, vừa gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Quá trình đào tạo chính là cơ hội tốt cho các cán bộ nghiên cứu được tham gia giảng dạy.
Tăng cường hoạt động tư vấn lựa chọn nghề học, thông tin và giới thiệu việc làm sau tốt nghiệp. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải gắn với giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động; gắn với xóa đói, giảm nghèo và góp phần bảo đảm an sinh xã hội ở nông thôn; gắn với xây dựng nông thôn mới. Có chính sách đãi ngộ và tôn vinh những người có tay nghề bậc cao, các nghệ nhân, nông dân, công nhân giỏi nghề.