THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:46

Thông tin mới về chính sách về lao động, việc làm và an sinh xã hội

Tham dự Hội thảo có TS. Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Việc làm, Vụ Bảo hiểm xã hội, lãnh đạo các Sở LĐ-TB&XH, các chuyên gia, đại diện các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp FDI…

Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu khai mạc Hội thảo

Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết: Bảo đảm việc làm và an sinh xã hội cho người dân là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và xã hội, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Qua đó, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, đồng thời thể hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Những năm qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về lao động, việc làm và an sinh xã hội, trong đó có hai văn bản rất quan trọng đó là Luật Việc làm và Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH).

Thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ LĐ-TB&XH được giao chủ trì soạn thảo Đề án xây dựng Luật Việc làm và Luật BHXH sửa đổi trong năm 2023-2024.

Để góp phần thông tin rộng rãi những nội dung dự kiến sửa đổi và những điểm mới của chính sách về lao động, việc làm và an sinh xã hội đến các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là cộng đồng đối tác quốc tế, các doanh nghiệp FDI, Thứ trưởng Lê Văn Thanh yêu cầu các diễn giả tập trung vào những nội dung quan trọng, những điểm mới của dự thảo Luật BHXH và Luật Việc làm sửa đổi; các đơn vị chủ trì soạn thảo lắng nghe và tiếp thu những chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế.

“Hội thảo chính là cơ hội cho chúng tôi được lắng nghe các ý kiến chia sẻ của các đối tác và doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện chính sách lao động, việc làm và an sinh xã hội đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn” - Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.

Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH trình bày về những nội dung mới trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi

Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH trình bày về những nội dung mới trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi

Nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi

Trình bày tham luận “Những nội dung mới trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi”, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH cho biết: Qua hơn 7 năm thi hành, Luật BHXH năm 2014 đã bộc lộ những tồn tại,  hạn chế, bất cập, như: Diện bao phủ còn thấp so với tiềm năng; tính tuân thủ pháp luật BHXH còn chưa cao, tình trạng chậm đóng, trốn đóng diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương; chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn; một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn...

“Việc sửa đổi Luật BHXH hướng tới khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật BHXH hiện hành; đáp ứng tốt tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế; nâng cao tính khả thi, phù hợp trong tổ chức thực hiện; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật” - Ông Trần Hải Nam nói.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Theo lãnh đạo Vụ BHXH, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) gồm 10 Chương với 136 Điều (tăng 1 Chương và 11 Điều so với Luật BHXH 2014) với 5 nhóm chính sách: (1) Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; (2) mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; (3) Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH; (4) Bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH; (5) Đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Dự thảo cũng có 11 nội dung lớn sửa đổi, bổ sung bao gồm: (i) Bổ sung trợ cấp hưu trí XH để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; (ii) Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; (iii) Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; (iv) Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; (v) Giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; (vi) Về quy định hưởng BHXH một lần; (vii) Bổ sung quy định quản lý thu, đóng nhằm xử lý tình trạng trốn đóng; (viii) Về căn cứ đóng BHXH bắt buộc; (ix) Sửa đổi các quy định phù hợp với NQ số 27-NQ/TW; (x) Sửa đổi, bổ sung về đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ  BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; (xi) về chi phí quản lý BHXH.

Ông Nguyễn Hải Nam cho biết thêm, Dự thảo có một số điểm đáng chú ý và nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội như: Công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do NSNN đảm bảo; người lao động đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội  thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng.

Bên cạnh đó, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc cũng được mở rộng, bao gồm: chủ hộ kinh doanh (có đăng ký KD); Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; người lao động làm việc không trọn thời gian, không giao kết HĐLĐ hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác có tính chất QHLĐ.

Đặc biệt, Dự thảo đã đưa ra 2 phương án hưởng BHXH một lần:

Phương án 1: Quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động:

Nhóm 1: Người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.

Nhóm 2: Người lao động bắt đầu tham gia từ ngày Luật BHXH (sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 01/07/2025) thì chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần đối với các trường hợp: (i) đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; (ii) ra nước ngoài để định cư; (iii) bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.

Phương án 2: “Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH”.

Định hướng sửa đổi Luật Việc làm

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe TS Nguyễn Thị Quyên, Phó Cục trưởng Cục Việc làm trình bày về định hướng sửa đổi Luật Việc làm. Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm sẽ tập trung vào 4 nhóm chính sách:

Một là, quản trị thị trường lao động (TTLĐ) linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập. Theo đó sẽ bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH trong việc công bố báo cáo định kỳ về tình hình, triển vọng việc làm, nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề (KNN); bổ sung quy định về ban hành, công bố chỉ số phát triển TTLĐ, chỉ số quốc gia về phát triển KNN. Bổ sung quy định về hoạt động DVVL trên môi trường mạng, quy định điều kiện của cơ sở đào tạo, cơ sở GDNN tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên; Sửa đổi, bổ sung quy định chức năng, nhiệm vụ Trung tâm DVVL; quy định về đào tạo nhân viên DVVL. Đồng thời bổ sung 01 Chương về Đăng ký lao động.

TS Nguyễn Thị Quyên, Phó Cục trưởng Cục Việc làm trình bày về định hướng sửa đổi Luật Việc làm

TS Nguyễn Thị Quyên, Phó Cục trưởng Cục Việc làm trình bày về định hướng sửa đổi Luật Việc làm

Hai là, hoàn thiện chính sách BHTN là công cụ quản trị TTLĐ. Theo đó, sẽ đồng nhất đối tượng tham gia BHTN như BHXH bắt buộc; sửa đổi điều kiện, nội dung hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ KNN cũng như điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý BHXH về BHTN, thanh tra BHTN; sửa đổi quy định mức đóng, bổ sung quy định về chi phí quản lý BHTN.

Ba là,  phát triển KNN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Bổ sung quy định về mục đích, nội dung, hoạt động phát triển KNN, quy định về Hội đồng KNN, quy định về khung trình độ KNN quốc gia và việc tham chiếu, kết nối với khung trình độ quốc gia, quy định về quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong phát triển KNN, quy định về kinh phí hỗ trợ phát triển KNN; quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển KNN. Bổ sung quy định cụ thể về điều kiện, tổ chức và hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ KNN quốc gia; quy định quyền, trách nhiệm của người sử dụng lao động tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ KNN quốc gia.

Bốn là, thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững: Sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; về điều kiện, đối tượng cho vay giải quyết việc làm; bổ sung đối tượng được Nhà nước hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quy định về việc làm bán thời gian cho học sinh, sinh viên; chính sách hỗ trợ chuyển tiếp việc làm và hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi; chính sách hỗ trợ chính thức hoá việc làm phi chính thức; tổ chức hoạt động giao dịch việc làm cho các đối tượng yếu thế, đặc thù.

Theo kế  hoạch, dự án Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ trình hồ sơ lên Chính phủ vào tháng 6/2024 và được kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV cho ý kiến (tháng 10/2024).

TS Nguyễn Trí Lạc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh phát biểu góp ý xây dựng chính sách tại Hội thảo

TS Nguyễn Trí Lạc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh phát biểu góp ý xây dựng chính sách tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã được nghe các tham luận về quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị về chính sách liên quan đến việc làm và an sinh xã hội; đồng thời được lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ LĐ-TB&XH giải đáp các vấn đề mới trong sửa đổi, bổ sung các chính sách về việc làm và BHXH.

THÙY HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh