THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:06

Phòng, chống mại dâm: Lấy phòng ngừa làm trọng tâm

Lấy phòng ngừa làm trọng tâm

Lấy phòng ngừa làm trọng tâm, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, cộng tác viên và người dân về phòng, chống tệ nạn xã hội. 9 tháng đầu năm 2023, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức 45 hội nghị, lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, cộng tác viên, người có uy tín trong cộng đồng tham gia công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở cơ sở, trong đó: 28 hội nghị tập huấn kỹ năng tư vấn, tuyên truyền về phòng, chống mại dâm, ma túy và mua bán người tại Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên với sự tham gia của hơn 2.260 lượt người tham dự; 10 hội nghị tập huấn phổ biến, cung cấp thông tin, kiến thức về phòng, chống ma túy và tệ nạn xã hội cho 850 giáo viên, học sinh tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh; 2 lớp tập huấn cho 160 người trong Ban chủ nhiệm và tiếp cận viên của 3 Nhóm/ Câu lạc bộ Mô hình 1 và Nhóm ILO Mô hình 3 về kỹ năng tư vấn, tiếp cận cộng đồng về phòng, chống mại dâm...

Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, cơ quan truyền thông kịp thời đưa tin, viết bài tuyên truyền về lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội; trong 9 tháng đầu năm, đã đăng tải 118 tin, bài, ảnh tuyên truyền về phòng, chống, cai nghiện ma túy, mại dâm, mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng. Số lượng người dân, địa bàn dân cư, trường học, khu công nghiệp được tiếp cận các thông tin về phòng, chống tệ nạn xã hội, các chính sách về cai nghiện ma túy tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022.

Sinh viên Trường Cao đẳng Nông lâm Đông Bắc tham gia thảo luận, hỏi đáp tại Hội nghị Truyền thông nói chuyện, chuyên đề về phòng, chống mại dâm, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội ngày 25/10.

Sinh viên Trường Cao đẳng Nông lâm Đông Bắc tham gia thảo luận, hỏi đáp tại Hội nghị Truyền thông nói chuyện, chuyên đề về phòng, chống mại dâm, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội ngày 25/10.

Sở LĐ-TB&XH cũng hướng dẫn các địa phương, mô hình phòng chống tệ nạn xã hội ở cơ sở triển khai hoạt động truyền thông; hơn 600 lượt người dân được các câu lạc bộ, mô hình phòng, chống mại dâm, đội công tác xã hội tình nguyện tiếp cận, tư vấn, tuyên truyền trực tiếp, qua zalo, facebook về pháp luật phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy. Tổ chức được 15 hội nghị tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội tại các địa bàn dân cư, trường học, doanh nghiệp với 2.860 lượt người tham dự. Phối hợp, hỗ trợ báo cáo viên tuyên truyền cho 17 hội nghị tuyên truyền, hội thi, lớp tập huấn kỹ năng phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội của các sở, ngành, đoàn thể, địa phương với hơn 2.800 lượt người tham dự...

Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo các địa phương nắm chắc cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn cơ sở thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật; đồng thời rà soát việc kiểm tra theo kế hoạch đảm bảo không chồng chéo giữa các cấp và tạo điều kiện để cơ sở kinh doanh dịch vụ hoạt động đúng quy định của pháp luật.

Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống mại dâm cấp tỉnh (Đội Kiểm tra liên ngành 178) đã xây dựng kế hoạch hoạt động, tổ chức Hội nghị công bố Quyết định kiện toàn, trao thẻ kiểm tra và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2023. 9 tháng đầu năm 2023, Đội kiểm tra liên ngành 178 đã tiến hành rà soát, nắm tình hình hoạt động của hơn 100 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố: Quảng Yên, Hạ Long, Vân Đồn, Ba Chẽ, Bình Liêu, Móng Cái. Tổ chức rà soát sau kiến nghị của Đội kiểm tra liên ngành 178 về phòng, chống tệ nạn mại dâm tại 4 cơ sở kinh doanh dịch vụ tại Hạ Long, Móng Cái đã được kiểm tra năm 2022; kiểm tra theo Quyết định của UBND tỉnh đối với 50 cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn toàn tỉnh.

Phát triển các mô hình thí điểm về phòng, chống mại dâm

Để công tác phòng, chống mại dâm thực sự hiệu quả, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì các mô hình thí điểm về phòng, chống mại dâm, gồm: Mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng chống bạo lực giới tại TP. Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả; Mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng; Mô hình hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; Mô hình phát huy sức mạnh cộng đồng trong phòng, chống mại dâm và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng... nhằm tạo cơ hội, hỗ trợ cho người bán dâm thay đổi hành vi, hòa nhập cộng đồng bền vững.

Một tiết mục văn nghệ của sinh viên Lào đang theo học Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh tại Hội nghị Truyền thông chuyên đề về phòng, chống mại dâm, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội ngày 25/10.

Một tiết mục văn nghệ của sinh viên Lào đang theo học Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh tại Hội nghị Truyền thông chuyên đề về phòng, chống mại dâm, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội ngày 25/10.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, các mô hình đã tiếp cận trực tiếp, cung cấp thông tin giảm hại, tư vấn cho 230 lượt người có nguy cơ tham gia hoạt động mại dâm các kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS; tiếp cận, tư vấn về quyền của người lao động cho 75 người có nguy cơ mại dâm qua zalo; tiếp cận 150 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm tư vấn thực hiện quy định của pháp luật về quản lý người lao động, đảm bảo an ninh trật tự xã hội; trực tiếp tư vấn, chuyển gửi 98 người đến cơ sở y tế xét nghiệm HIV miễn phí, xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs). Cấp phát 10.000 bao cao su cho người mại dâm. Mở rộng kết nối 73 thành viên mới tham gia hoạt động nhóm/ Câu lạc bộ. Tổ chức cấp phát hơn 5.000 bao cao su cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.

Thông qua hoạt động các mô hình, Sở LĐ-TB&XH có thể nắm được tình hình tệ nạn mại dâm, người bán dâm trên địa bàn triển khai mô hình. Qua đó, có kế hoạch kết hợp các biện pháp can thiệp giảm hại về HIV/AIDS để hỗ trợ sinh kế cho người bán dâm (tại TP Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả); đảm bảo những quyền cơ bản của người bán dâm, người lao động làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm theo quy định của pháp luật về lao động, việc làm và tiếp cận các dịch vụ xã hội, trợ giúp pháp lý, tư vấn tâm lý, y tế, gắn với thực hiện các chính sách của tỉnh theo chương trình giảm nghèo, học nghề, vay vốn tạo việc làm, tạo thu nhập, chuyển đổi nghề nghiệp để hòa nhập cộng đồng bền vững, góp phần giảm thiểu những tác hại của hoạt động mại dâm tác động đến đời sống xã hội.

Với các giải pháp đồng bộ và thiết thực nêu trên, cùng sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của các cấp, các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo an ninh, an toàn và trật tự xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

MINH THƯ

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh