Sửa đổi, hoàn thiện pháp luật phòng, chống mại dâm để đáp ứng yêu cầu thực tiễn
- Pháp luật
- 11:38 - 15/11/2023
Theo Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ninh, hiện nay, toàn tỉnh có 4.455 cơ sở kinh doanh dịch vụ (2.526 cơ sở lưu trú, 570 cơ sở karaoke, masage, 05 vũ trường, 1.354 quán bia, nhà hàng ăn uống, quán cafe…); trong đó, có 167 cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ cao, dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, gồm: 47 cơ sở lưu trú, 63 cơ sở karaoke và massage, 01 vũ trường, 56 cơ sở loại hình khác như cafe, nhà hàng…
Trong 9 tháng đầu năm 2023, Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống mại dâm cấp tỉnh (Đội Kiểm tra liên ngành 178) đã tiến hành rà soát, nắm tình hình hoạt động của hơn 100 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dung hoạt động mại dâm trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố: Quảng Yên, Hạ Long, Vân Đồn, Ba Chẽ, Bình Liêu, Móng Cái. Tổ chức rà soát sau kiến nghị của Đoàn kiểm tra liên ngành 178 về phòng, chống tệ nạn mại dâm tại 04 cơ sở kinh doanh dịch vụ tại Hạ Long, Móng Cái đã được kiểm tra năm 2022; tổ chức kiểm tra theo Quyết định của UBND tỉnh đối với 50 cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong giai đoạn 2003 - 2023, Sở LĐTBXH (cơ quan thường trực phòng, chống mại dâm) đã phối hợp với các Sở, ngành, đoàn thể và địa phương tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành văn bản thực hiện công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh, gồm: 03 Nghị quyết của HĐND tỉnh; 21 Quyết định, 13 Kế hoạch và 09 Công văn của UBND tỉnh. Trên cơ sở đó, các Sở, ngành, địa phương cũng đã xây dựng, ban hành các văn bản, kế hoạch triển khai cụ thể.
Công tác phòng ngừa, kiểm tra liên ngành, đấu tranh, truy quét, triệt phá các đối tượng và tụ điểm hoạt động mại dâm được tập trung, thường xuyên hơn, do đó tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh liên tục được kiềm chế, không để hình thành các tụ điểm phức tạp, tình trạng người bán dâm đứng đường lôi kéo khách; các đường dây gái gọi, các ổ nhóm, tụ điểm mại dâm hoạt động công khai được ngăn chặn, bắt giữ, xử lý kịp thời.
Từ năm 2003 đến tháng 6/2023, lực lượng Công an toàn tỉnh đã phát hiện, lập án đấu tranh, triệt phá 433 vụ, bắt giữ 2.356 đối tượng, gồm: 402 chủ chứa, 235 môi giới, 01 mua bán trẻ em vì mục đích mại dâm, 862 gái bán dâm, 856 khách mua dâm (trong đó có 06 trường hợp mua dâm dưới 18 tuổi); Lập hồ sơ đề nghị truy tố 424 vụ 644 bị can; xử lý hành chính 1.712 đối tượng.
Bên cạnh đó, thông qua việc triển khai các mô hình thí điểm về phòng, chống mại dâm tại cộng đồng, người bán dâm tăng khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ can thiệp giảm hại về HIV/AIDS, hỗ trợ sinh kế…; tăng cường, đảm bảo những quyền cơ bản của người bán dâm, người lao động làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm; đồng thời, góp phần nắm được tình hình tệ nạn mại dâm, người bán dâm trên địa bàn.
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh duy trì 08 mô hình phòng ngừa tệ nạn mại dâm và hỗ trợ người bán dâm ổn định cuộc sống tái hoà nhập cộng đồng được triển khai tại 5/8 huyện, thị xã, thành phố trọng điểm.
Tuy nhiên, việc triển khai công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh còn những tồn tại nhất định: nguồn kinh phí phân bổ cho công tác phòng, chống mại dâm chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; việc tiếp cận, quản lý, hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm người bán dâm còn hạn chế; công tác xử lý kiểm soát hoạt động mại dâm trên biển còn hạn chế và gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trên các tàu thuyền có yếu tố nước ngoài.
Ông Lê Văn Mạnh, Trưởng phòng Phòng PCTNXH (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh) cho rằng, cần thiết sửa đổi hệ thống các văn bản quy phạm về phòng, chống mại dâm gồm Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003, Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, Thông tư số 05/2006/TT-BLĐTBXH ngày 22/6/2006 của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn thành lập và tổ chức hoạt động của đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống mại dâm; trong đó, chú trọng xây dựng chính sách hỗ trợ, can thiệp giảm hại đối với người bán dâm.
Về vấn đề này, tại buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh về kết quả 20 năm thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống mại dâm trong (giai đoạn 2003 đến 2023) ngày 14/11/2023, ông Lê Đức Quang, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã bộc lộ nhiều nội dung không còn phù hợp, không đáp ứng yêu cầu thực tiễn, do đó việc tổng kết, đánh giá kết quả triển khai chính sách, pháp luật phòng, chống mại dâm trong giai đoạn 20 năm (từ năm 2003 đến năm 2023) là nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi sự tham gia, vào cuộc của các ngành, các cấp và địa phương về những đề xuất, kiến nghị cụ thể nhằm sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật phòng, chống mại dâm, tăng cường hiệu quả quản lý trong tình hình mới.
Ông Lê Đức Quang đánh giá cao những nỗ lực, kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh cũng như các cấp, các ngành trong giai đoạn 2003-2023; ghi nhận nội dung đề xuất, kiến nghị của Sở LĐ-TB&XH về hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật phòng, chống mại dâm. Đồng thời, đề nghị Sở LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, đoàn thể các cấp, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh.