THỨ NĂM, NGÀY 21 THÁNG 11 NĂM 2024 08:56

Xây dựng sân chơi không “rào cản” cho người khuyết tật

Hai bạn nhỏ khuyết tật thích thú làm quen và chơi cầu bập bênh. Ảnh: BTC

Hai bạn nhỏ khuyết tật thích thú làm quen và chơi cầu bập bênh. Ảnh: BTC

Hiện nay, ở những không gian công cộng, những khu vui chơi, giải trí, việc tính toán công năng sử dụng dung hòa cho cả người khuyết tật chưa thực sự được lưu tâm khiến quyền và lợi ích của người khuyết tật gặp rất nhiều thiệt thòi. Với mong muốn giúp người khuyết tật hưởng lợi từ các không gian công cộng, một sân chơi đã được tổ chức tại khu bờ vở, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội nhằm đáp ứng những yêu cầu trên.

Bà Phạm Thị Hiền - Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hoàn Kiếm cho biết, đây là lần đầu tiên người khuyết tật được mời tham gia trải nghiệm thực tế để góp ý trực tiếp cho việc thiết kế sân chơi, vườn rừng và cải tạo những không gian công cộng như bờ vở sông Hồng.

Bà Hiền khẳng định, đây là một việc làm rất ý nghĩa, cần thiết và là bằng chứng sống động của việc Đảng ủy, HĐND và UBND quận Hoàn Kiếm hiện thực hóa sự quan tâm của Đảng và Nhà Nước đối với người khuyết tật.

“Sân chơi mà người khuyết tật sử dụng được thì người già hay trẻ em cũng sẽ sử dụng được. Việc tham vấn người khuyết tật cũng là cách thực hiện nguyên tắc - các vấn đề của người khuyết tật thì không thể thiếu sự tham gia của người khuyết tật”, bà Hiền nêu quan điểm.

Nụ cười luôn thường trực trên môi khi cậu bé khuyết tật được mẹ dắt tới một nơi công cộng và thoả thích vui chơi như thế này. Ảnh: ĐVCC.

Nụ cười luôn thường trực trên môi khi cậu bé khuyết tật được mẹ dắt tới một nơi công cộng và thoả thích vui chơi như thế này. Ảnh: ĐVCC.

Cũng tại sân chơi, ban tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của người khuyết tật về các thiết bị thể thao, thiết kế không gian, bảng thông tin hướng dẫn để làm cho sân chơi phù hợp hơn cho người khuyết tật và trẻ tự kỷ.

Là một người khuyết tật, anh Nguyễn Đức Quyền (ở 23 phố Phúc Tân, phường Phúc Tân) đã vui vẻ thử chơi nhiều thiết bị khác nhau và cho biết, “các thiết bị ở đây khá đa dạng, nhưng nếu các ghế ngồi thấp hơn chút thì sẽ rất tốt. Ngoài ra, các đường vào nên làm thoai thoải hơn và nền sân nên làm phẳng hơn để người đi xe lăn có thể thuận tiện di chuyển. Cũng nên có các thiết bị chơi đơn giản cho các cháu tự kỷ có thể tham gia”, anh Quyền nói.

Em Hà Đan (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) rất vui khi trải nghiệm các trò chơi dành cho người khuyết tật. Ảnh: ĐVCC.

Em Hà Đan (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) rất vui khi trải nghiệm các trò chơi dành cho người khuyết tật. Ảnh: ĐVCC.

Theo ông Lê Quang Bình - điều phối viên Vì một Hà Nội đáng sống thì việc tổ chức cho người khuyết tật và trẻ tự kỷ trải nghiệm sân chơi trực tiếp rất cần thiết và hữu ích.

Thứ nhất, đơn vị thiết kế có thông tin để tích hợp ngay vào công trình sân chơi và vườn rừng ở bờ vở.

Thứ hai, người khuyết tật có cơ hội tham gia góp ý, thực hiện quyền của họ.

Thứ ba, cộng đồng dân cư cũng như các bên liên quan học hỏi về nhu cầu của người khuyết tật để từ đó thúc đẩy việc thực hiện các công trình công cộng trong thành phố phù hợp hơn.

Ông Bình cũng cho biết: “Khi tham gia vào các không gian công cộng như công viên, sân chơi, hay vườn rừng... người khuyết tật sẽ có cơ hội bình đẳng để phát triển về thể chất, tinh thần và kết nối xã hội. Từ đó, góp phần cải thiện cơ hội giáo dục, việc làm, và giải trí cũng như khả năng thực hiện các quyền công dân của người khuyết tật”.

Bà Chu Kim Đức - Giám đốc Think Playgrounds, đơn vị chủ trì thiết kế và hỗ trợ cộng đồng quản lý, duy trì Công viên rừng Chương Dương bày tỏ sự tin tưởng các hoạt động ở đây sẽ góp phần tăng cường tính hòa nhập cho các thiết kế sân chơi ở khu bờ vở cũng như các công viên của Think playgrounds với các cộng đồng đô thị.

Nhiều người khuyết tật rất vui khi tham gia hoạt động trải nghiệm sân chơi, vườn rừng. Ảnh: ĐVCC.

Nhiều người khuyết tật rất vui khi tham gia hoạt động trải nghiệm sân chơi, vườn rừng. Ảnh: ĐVCC.

Công viên rừng tại bờ vở Sông Hồng là không gian công cộng hiếm hoi của người dân hai phường Chương Dương và Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm. Ước mong của những người dân và người khuyết tật sống bên bờ sông là có thêm nhiều không gian công cộng như thế này trong thời gian tới. Giúp cho người khuyết tật và trẻ tự kỷ được hòa nhập thực sự, được hưởng thụ những không gian chung của cộng đồng mà không cần phải suy nghĩ tới hai từ “rào cản”.

Niềm vui được khám phá ống trượt. Ảnh: BTC

Niềm vui được khám phá ống trượt. Ảnh: BTC

Với tư cách là nhà tài trợ Chương trình, bà Tredene Dobson - Đại sứ New Zealand cho biết: “New Zealand luôn nhất quán trong cam kết hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam, cũng như cam kết phối hợp với các đối tác trong nước nhằm đảm bảo người khuyết tật có thể tham gia vào đời sống xã hội một cách bình đẳng. Quan trọng nhất là làm sao dỡ bỏ các rào cản đối với người khuyết tật và tăng khả năng tiếp cận của họ với các dịch vụ thiết yếu cũng như không gian công cộng. Chúng tôi rất vui được cộng tác với quận Hoàn Kiếm, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống, ECUE và Thinkplaygrounds trong dự án này nhằm giúp người khuyết tật hưởng lợi nhiều hơn từ các không gian công cộng xanh sạch đẹp của Hà Nội”.

Bà Tredene Dobson cũng bày tỏ sự hài lòng với việc tham vấn người khuyết tật và trẻ em tự kỷ tại sân chơi vườn rừng, cũng như sự tham gia của người khuyết tật vào quá trình thiết kế các dự án. “Việc tham gia trực tiếp như vậy sẽ đảm bảo tính bền vững và ý nghĩa thiết thực của các dự án đối với cộng đồng”, bà Tredene Dobson nhấn mạnh.

Hưng Châu

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh