Phòng ngừa là trọng tâm trong phòng, chống tệ nạn mại dâm
- Pháp luật
- 19:42 - 22/11/2023
Phát huy mô hình thí điểm phòng, chống mại dâm tại cộng đồng
Đơn cử như TP. Hồ Chí Minh, lấy phòng ngừa là trọng tâm trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm; kết hợp phòng, chống tệ nạn mại dâm với phòng, chống tệ nạn ma túy và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, phát huy tính chủ động, trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở trong công tác phòng, chống mại dâm…
Xây dựng triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm và xây dựng các mô hình thi điểm hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm tiếp cận các dịch vụ xã hội từng bước chuyển đổi hành vi hòa nhập cộng đồng.
Từ năm 2021 đến nay các hoạt động của mô hình chỉ duy trì với hình thức truyền thông các văn bản pháp luật có liên đến công tác phòng, chống mại dâm và hướng dẫn phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, chuyển gửi người bán dâm, người có nguy cơ hoạt động bán dâm đến các dịch vụ can thiệp giảm hại theo nhu cầu.
Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ của Câu lạc bộ hỗ trợ người bán dâm, người có nguy cơ hoạt động bán dâm chủ yếu duy trì thông qua kênh Zalo, Messenger.
Thời gian tới, TP.HCM phấn đấu 100% số người bán dâm có nhu cầu được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội phù hợp;
Duy trì và nâng cao hiệu quả họat động của các mô hình thí điểm về công tác hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm hòa nhập cộng đồng, người bán dâm tham gia mô hình được giới thiệu, chuyển gửi, tiếp cận với các dịch vụ về tư vấn pháp lý-tâm lý, chăm sóc sức khoẻ, dạy nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ vay vốn gắn với các chương trình an sinh xã hội của địa phương, giúp cho họ ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng bền vững.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng, chống mại dâm cho các tầng lớp nhân dân trong xã hội, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao như: học sinh, sinh viên, người lao động chưa có việc làm, người lao động nhập cư, nhóm lao động di cư và nhân viên tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, phù hợp với từng đối tượng để nâng cao nhận thức về tác hại của tệ nạn mại dâm, giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng và việc lây nhiễm HIV/AIDS.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh, Sở đang đang duy trì và triển khai hoạt động 03 mô hình thí điểm phòng, chống mại dâm tại cộng đồng trên địa bàn thành phố Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, gồm:
Mô hình 1: “Hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, Câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới” tại thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí; Mô hình 2: “Cung cấp dịch vụ cho người bán dâm tại cộng đồng”: Năm 2023, do Trung ương chưa ban hành khung định mức kinh tế - kỹ thuật và các văn bản hướng dẫn nên tỉnh không có căn cứ pháp lý để bố trí ngân sách triển khai mô hình; Mô hình 3: Mô hình đảm bảo quyền của người lao động (người bán dâm) trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố Hạ Long.
Ngoài những mô hình thí điểm nêu trên, Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh còn phối hợp với các địa phương duy trì Mô hình phát huy sức mạnh cộng đồng trong phòng chống mại dâm, hòa nhập cộng đồng tại 08 xã, phường của tỉnh. Theo đó, các mô hình đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân; hỗ trợ chính quyền địa phương nắm địa bàn, phát giác, tố cáo hành vi liên quan đến hoạt động mại dâm...
Thông qua hoạt động các mô hình, Sở có thể nắm được tình hình tệ nạn mại dâm, người bán dâm trên địa bàn triển khai mô hình. Qua đó có kế hoạch nhằm kết hợp các biện pháp can thiệp giảm hại về HIV/AIDS để hỗ trợ sinh kế cho người bán dâm (tại thành phố Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả);
Đảm bảo những quyền cơ bản của người bán dâm, người lao động làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm theo quy định của pháp luật về lao động, việc làm và tiếp cận các dịch vụ xã hội, trợ giúp pháp lý, tư vấn tâm lý, y tế, gắn với thực hiện các chính sách của tỉnh theo chương trình giảm nghèo, học nghề, vay vốn tạo việc làm, tạo thu nhập, chuyển đổi nghề nghiệp để hòa nhập cộng đồng bền vững, góp phần giảm thiểu những tác hại của hoạt động mại dâm tác động đến đời sống xã hội.
Lồng ghép với các chương trình có liên quan tại địa bàn cơ sở
Chia sẻ kết quả cụ thể sau 2 năm thực hiện công tác phòng chống mại dâm, Cục PCTNXH (Bộ LĐ-TB&XH) đã tham mưu trình Bộ Ban hành Quyết định số 808/QĐ-LĐTBXH ngày 05/9/2022 phê duyệt tổng thể Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở để các bộ, ngành và địa phương thống nhất tổ chức thực hiện công tác phòng, chống mại dâm theo lộ trình từng năm;
Rà soát, kiện toàn tổ chức và xây dựng Quy chế của Tổ công tác liên ngành phòng, chống mại dâm trung ương; Ban hành Bộ chỉ số giám sát và quy trình kiểm tra, đánh giá thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm;
Hướng dẫn 20 tỉnh, thành phố trọng điểm điều tra, khảo sát, nghiên cứu đánh giá, dự báo nhu cầu của người bán dâm có khó khăn về tài chính, thanh niên chưa có việc làm, người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm và khả năng đáp ứng của các dịch vụ hiện có, trên cơ sở đó đề xuất hướng dẫn thực hiện lồng ghép hoạt động phòng, chống mại dâm với các chương trình có liên quan tại địa bàn cơ sở.
Bên cạnh đó, xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm.
Đặc biệt, các Bộ, ngành và địa phương đã tổ chức nhiều khóa đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm.