Vĩnh Phúc: Nhiều kết quả trong thi hành pháp luật về phòng, chống mại dâm
- Pháp luật
- 16:58 - 19/11/2023
Tập trung công tác tuyên truyền
Tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nhìn chung được kiềm chế, tuy nhiên vẫn có dấu hiệu vi phạm phức tạp, diễn ra hầu hết ở các huyện, thành phố, nhất là các khu công nghiệp, khu du lịch. Các đối tượng phạm tội chủ yếu lợi dụng hoạt động trá hình trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ như khách sạn, nhà nghỉ, karaoke, café, cắt tóc thư giãn, massage…
Xác định công tác tuyên truyền, giáo dục là một trong những giải pháp cơ bản nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân về phòng, chống tệ nạn mại dâm, trong 20 năm qua (2003 - 2023), với phương châm “phòng ngừa là chính”, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các Đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan báo, đài của tỉnh xây dựng các chương trình, nội dung để tổ chức tuyên truyền về Pháp lệnh phòng, chống mại dâm; phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS; chương trình giảm tác hại bằng nhiều hoạt động đa dạng, phong phú và sâu rộng.
Cục thể, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo 100% các cơ quan, đơn vị đưa nội dung công tác phòng, chống tệ nạn xã hội vào chương trình của đơn vị và đã tổ chức tuyên truyền phòng, chống tệ nạn mại dâm cho 86.000 đoàn viên, CNVCLĐ và CNLĐ trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn;
Ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tuyên truyền 705 cuộc cho 725.095 học sinh, sinh viên và học viên trong các cơ sở giáo dục về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm buôn bán người với mục đích mại dâm và các biện pháp phòng, chống tệ nạn mại dâm nhằm giúp các em nâng cao nhận thức, ý thức phòng, ngừa đối với tệ nạn mại dâm.
Ngành Y tế đã tư vấn, xét nghiệm HIV cho trên 2000 người; tư vấn, xét nghiệm lưu động HIV cho 1.500 người.
Hội Liên hiệp phụ nữ tổ chức 291 lớp tập huấn kiến thức phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, mại dâm, ma túy; phổ biến giáo dục pháp luật cho 35.384 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ; phối hợp tuyên truyền 1.316 tin, bài về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với ngành văn hóa treo 408 pano, 540 băng zôn, 792 khẩu hiệu, 118 áp phích tuyên truyền về phòng chống tệ nạn xã hội.
Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã xây dựng, phát sóng được gần 1.200 tin, bài, chuyên mục, phóng sự tuyên truyền về phòng, chống mại dâm. Trong chuyên mục an ninh Vĩnh Phúc mỗi tháng 3 kỳ cũng có rất nhiều tin bài phản ánh về phòng, chống tệ nạn mại dâm; đặc biệt là thông tin kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính tại các quán Karaoke ở một số địa phương của tỉnh.
Trong các chương trình “Vĩnh Phúc ngày mới”, “Cuộc sống thường ngày”, “Kết nối 24h” đã có nhiều tin tức, phóng sự ngắn tuyên truyền về công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh, trong nước cũng như trên thế giới.
Cùng với đó, Sở LĐTB-XH chủ trì, phát hành gần 40.000 cuốn Bản tin phòng, chống tệ nạn xã hội; xuất bản, cấp phát gần 80.000 cuốn Tạp chí chuyên đề, Tạp chí phòng chống HIV/AIDS; hơn 100.000 tờ rời, 32.700 cuốn sách mỏng; kẻ vẽ được 5.303 pano, áp phích, treo hơn 600 băng rôn tuyên truyền về phòng, chống mại dâm, phòng, chống HIV/AIDS; phối hợp với Đài truyền hình Trung ương; Đài phát thanh và truyền hình Vĩnh Phúc xây dựng nhiều phóng sự tuyên về công tác phòng, chống ma túy, mại dâm; về gương điển hình sau cai nghiện ma túy và phát hành hàng trăm đĩa DVD tới 9 huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Thông qua tuyên truyền, giúp cho người dân nhận thức được mại dâm là một tệ nạn trái với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của con người, hủy hoại sức khỏe, hạnh phúc gia đình; ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Hằng năm, Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm các cấp xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra từ 50-70 cơ sở/năm. Qua thanh tra, kiểm tra kết hợp 20 cuộc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho với 626 tổ chức, cá nhân về phòng chống mại dâm; phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính đối với 56 tổ chức, cá nhân với số tiền 237.750.000đ.
Đồng thời, lực lượng Công an đã khởi tố 226 vụ mua bán dâm với 280 bị can liên quan, trong đó có 267 bị can là chủ chứa, môi giới và 13 bị can mua dâm người chưa thành niên; đã truy quét 48 cuộc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, 301 người bán dâm bị xử phạt vi phạm hành chính.
Viện kiểm sát nhân dân đã truy tố 03 vụ/12 bị can. Trong đó: Truy tố 01 vụ/02 bị can về tội chứa mại dâm; 01 vụ/01 bị can về tội môi giới mại dâm; 01/09 về tội mua dâm người dưới 18 tuổi. Tòa án đã xét xử 03 vụ/12 bị can. Trong đó: 01 vụ/02 bị can về tội chứa mại dâm; 01 vụ/01 bị can về tội môi giới mại dâm; 01/09 về tội mua dâm người dưới 18 tuổi.
Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới
Hiện nay, các tổ chức, đường dây hoạt động mại dâm "chuyên nghiệp" sử dụng mạng internet, điện thoại di động với nhiều phương thức tinh vi, phạm vi hoạt động ở nhiều địa phương, trong nước và nước ngoài... Hiện tượng nam giới và người chuyển giới bán dâm có xu hướng ngày càng phổ biến, trong khi chưa có quy định pháp luật điều chỉnh, xử lý đối với các nhóm đối tượng này.
Bên cạnh đó, hiện trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện loại hình hoạt động mại dâm có dấu hiệu lôi kéo học sinh, sinh viên tham gia mua bán dâm. Đối tượng bán dâm ngày càng có xu hướng trẻ hoá, chủ yếu ở độ tuổi từ 18-35 tuổi, đa số xuất thân từ các vùng nông thôn nghèo, vùng sâu, vùng xa, không nghề nghiệp, điều kiện gia đình khó khăn, lười lao động, thích ăn chơi, đua đòi.
Bên cạnh đó, việc lợi dụng công nghệ cao trên các mạng xã hội như: fecebook, zalo, telegram...để quảng cáo bản thân, thỏa thuận giá cả, hẹn địa điểm để mua bán dâm…gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác phát hiện, triệt phá và xử lý.
Để tiếp tục phòng ngừa mại dâm, các cấp, các ngành trong tỉnh xác định rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền để phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn quản lý và có biện pháp xử lý một cách triệt để.
Tiếp tục duy trì và nhân rộng và hỗ trợ kinh phí cho các mô hình giúp đỡ người mại dâm hoàn lương hòa nhập cộng đồng gắn với các chương trình an sinh xã hội tại địa phương thông qua các câu lạc bộ/nhóm đồng đẳng nhằm thực hiện có hiệu quả mô hình hỗ trợ giảm hại cho người mại dâm trên địa bàn.
Kiện toàn các Đội kiểm tra liên ngành 178 từ tỉnh đến các huyện, thành phố và phường, xã, thị trấn. Chủ động, tích cực kiểm tra và kiên quyết xử lý các hoạt động kinh doanh biến tướng, trá hình của tệ nạn mại dâm.
Đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử, nhất là đưa ra xét xử lưu động các vụ án điểm liên quan đến mại dâm, nhất là đối với các đối tượng chủ chứa, môi giới, chăn dắt, bảo kê; nhóm tội phạm mua bán phụ nữ vả trẻ em vì mục đích mại dâm nhằm răn đe, giáo dục các loại đối tượng; đảm bảo các vụ việc bị phát hiện đều được xét xử kịp thời, nghiêm minh.
Bên cạnh đó, kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh phòng, chống mại dâm cho phù hợp với các quy định của các luật khác để đảm bảo tính đồng bộ, chặt chẽ, tránh chồng chéo trong công tác phòng, chống mại dâm đạt hiệu quả.
Nghiên cứu bổ sung các quy định xử lý đối với các hành vi mại dâm nam; mại dâm đồng tính; chứa chấp, sử dụng phương thức khiêu dâm, kích dục tại cơ sở kinh doanh dịch vụ; tăng cường các biện pháp chế tài để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong thực thi pháp luật.
Sớm ban hành chính sách, chế độ hỗ trợ người bán dâm, tạo điều kiện thuận lợi cho họ tiếp cận các nguồn trợ giúp của nhà nước, cộng đồng xã hội, cụ thể là dạy nghề, hướng nghiệp, hỗ trợ vốn tạo việc làm, tích cực tham gia các dịch vụ hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS, giúp họ hoàn lương hòa nhập cộng đồng và ổn định cuộc sống.
Tăng cường các biện pháp quản lý đối với các website, blog cá nhân và các hình thức khác trên mạng internet, ngăn chặn “từ sớm, từ xa” các hành vi môi giới mại dâm.