CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:27

Phòng chống ma túy là công tác quan trọng, liên tục, không kể ngày đêm

Tang vật trong một vụ án bắt giữ 300kg ma túy đá tại thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh minh họa)

Tang vật trong một vụ án bắt giữ 300kg ma túy đá tại thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh minh họa)

Những nỗ lực không ngừng nghỉ

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết trong những năm qua, do tác động trực tiếp của tình hình tội phạm ma túy trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là khu vực "Tam giác vàng", tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở Việt Nam diễn biến rất phức tạp, nhất là trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, nhất là gia tăng sử dụng công nghệ cao, mạng xã hội và các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để thực hiện hành vi phạm tội.

Đáng chú ý, tội phạm ma túy hoạt động xuyên quốc gia có dấu hiệu phức tạp trở lại sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội do dịch COVID-19.

“Công tác phòng, chống ma túy đã chú trọng vào các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là tuyến Tây Bắc, Bắc Miền Trung, biên giới Tây Nam, các sân bay quốc tế, cảng biển; qua đó, làm giảm các điểm, tụ điểm, địa bàn trọng điểm phức tạp; từng bước làm chuyển biến tình hình ở một số "điểm nóng" về ma túy"” Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc thông tin.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, trong 10 tháng năm 2022, lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy toàn quốc đã khám phá gần 20.000 vụ, bắt gần 30.000 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy thu giữ hơn 677kg heroin, gần 4,6 tấn ma túy tổng hợp, 185 khẩu súng, phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia, bắt giữ được các đối tượng cầm đầu, thu giữ số lượng ma túy rất lớn. Cụ thể, truy bắt hơn 100 đối tượng truy nã về ma túy, trong đó có đối tượng chủ mưu cầm đầu ở nước ngoài có lệnh truy nã quốc tế. Điển hình là các chuyên án 322D, chuyên án 822T, chuyên án 922-T.

Tình hình người nghiện ma túy, sử dụng trái phép chất ma túy diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước. Theo thống kê, hiện nay toàn quốc có trên 217.059 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; 59.537 người sử dụng trái phép chất ma túy. Đây là "nguồn cầu" tiêu thụ ma túy rất lớn và có xu hướng gia tăng qua từng năm, là nguy cơ tiềm ẩn gây mất an ninh trật tự, bức xúc trong nhân dân.

Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế kiểm tra, bắt giữ các đối tượng tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy tại quán pub beer Century. (Ảnh minh họa)

Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế kiểm tra, bắt giữ các đối tượng tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy tại quán pub beer Century. (Ảnh minh họa)

Triển khai thí điểm một số mô hình cai nghiện ma túy hiệu quả

Đáng chú ý, trong năm 2022, công tác cai nghiện, phục hồi và quản lý sau cai tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; một số địa phương đã có nhiều sáng kiến khắc phục những khó khăn trong việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Trong 10 tháng đầu năm, các cơ sở cai nghiện ma túy trên cả nước đã điều trị, cai nghiện cho khoảng 43.000 người, trong đó tiếp nhận mới hơn 4.500 người theo quy định mới của Luật Phòng, chống ma túy 2021; 100% các địa phương tổ chức quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng; đã tổ chức nghiên cứu, triển khai thí điểm một số mô hình cai nghiện ma túy hoạt động hiệu quả theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện của Chính phủ.

Ở vị trí rất nhạy cảm về ma túy nhưng các lực lượng phòng, chống ma túy, các bộ, ngành, địa phương, người dân… đã nỗ lực phấn đấu để Việt Nam không trở thành điểm trung chuyển. Mặc dù cả nước có khoảng 270.000 người nghiện ma túy nhưng tỉ lệ người nghiện trên 100 người dân ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 mức trung bình của khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, theo đại diện của Bộ Công an, và Cục Phòng chống tệ nạn (Bộ LĐ-TB&XH) không thể thỏa mãn và buông lỏng khi hằng ngày, hằng giờ ma túy vẫn rình rập, đe dọa tất cả mọi người, nhất là độ tuổi người bị ảnh hưởng bởi ma túy ngày càng trẻ. Công cuộc phòng, chống ma túy phải làm liên tục, quanh năm, không kể ngày đêm.

Bên cạnh đó, để công cuộc phòng chống ma túy đạt được hiệu quả cao, theo các chuyên gia, công tác cai nghiện, trợ giúp người nghiện phải được đẩy mạnh hơn nữa trên tinh thần "không chỉ là trách nhiệm của ngành LĐ-TB&XH mà cả hệ thống chính trị, nhất là sự vào cuộc của các đoàn thể, toàn thể nhân dân.

Chỉ thị 36-CT/TW 2019 của Bộ Chính trị, Luật Phòng, chống ma túy 2021, Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy, các kế hoạch, chương trình hành động, chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban quốc gia… đều thể hiện tinh thần nhất thiết phải hành động thường xuyên, liên tục.

Ngoài ra, đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; khai thác tối đa hiệu quả hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu căn cước công dân phục vụ công tác quản lý xã hội, quản lý con người. Qua đó, hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy.

Phát huy vai trò của cấp xã, phường mà nòng cốt là lực lượng Công an xã, trong công tác phòng, chống ma túy ngay từ cơ sở, nhất là công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, công tác xác định tình trạng nghiện, lập hồ sơ áp dụng các biện pháp cai nghiện phù hợp.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh