THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:30

Cai nghiện cho người chưa thành niên: Bảo đảm tính thân thiện và nhân văn

Trong quá trình quản lý, giúp đỡ, hỗ trợ các em cai nghiện, các cơ sở cai nghiện luôn tạo một môi trường, điều kiện quản lý tốt nhất

Trong quá trình quản lý, giúp đỡ, hỗ trợ các em cai nghiện, các cơ sở cai nghiện luôn tạo một môi trường, điều kiện quản lý tốt nhất

Bảo vệ và hỗ trợ người chưa thành niên cai nghiện ma tuý

Trước thực trạng đối tượng nghiện ma túy ngày càng trẻ hóa, công tác cai nghiện đối với thanh thiếu niên cũng đã được sửa đổi trong Luật Phòng chống ma túy có hiệu lực từ đầu năm nay. Đây là điểm nổi bật, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc khắc phục khoảng trống, tăng cường hiệu quả công tác cai nghiện ma túy cho thanh thiếu niên; thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, nhà nước đối với thế hệ trẻ.

Cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy chưa thành niên sẽ bảo vệ quyền của vị thành niên, và cần thiết để quản lý, giáo dục, chữa bệnh cho trẻ nghiện ma túy khi không thực hiện được việc cai nghiện tự nguyện.

Theo bà Khuất Thị Hải Oanh, trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển cộng đồng, khi mà đưa các em vào cai nghiện tập trung thì phải đảm bảo rằng các em được giúp đỡ, được cai nghiện hiệu quả.  

Thực tế hiện nay tình trạng người chưa thành niên sử dụng trái phép chất ma túy ngày một gia tăng, việc cai nghiện tự nguyện chưa có hiệu quả, đặc biệt tình trạng người chưa thành niên lang thang không có nơi cư trú gây mất an ninh xã hội. Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả lại là điều không hề đơn giản.

Bà Oanh cho rằng: “Thanh thiếu niên trong độ tuổi từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vẫn là lứa tuổi đang có sự thay đổi nhiều trong tâm sinh lý. Vì vậy, việc áp dụng hình thức cai nghiện bắt buộc với những người sử dụng ma túy trong độ tuổi này phải tính đến những yếu tố đặc thù như là xây dựng cho các em một môi trường lành mạnh, làm sao để tránh được sự kỳ thị từ cộng đồng và từ chính các em. Một vấn đề nữa phải tính toán đến khi đưa trẻ vị thành niên đi cai nghiện tập trung là làm sao để đảm bảo việc học tập của các em”.

Theo ông Trần Ngọc Túy, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi) quy định với người nghiện ma túy từ 12 tuổi đến 18 tuổi - những đối tượng này được tự nguyện đăng ký cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại các cơ sở cai nghiện cho đến khi gia đình, người giám hộ không đăng ký cai nghiện nữa nhưng các em vẫn còn nghiện thì lúc đó sẽ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

“Đây là điểm nhân văn, thể hiện sự quan tâm, chăm lo nhưng cũng là biện pháp theo dõi, quản lý chặt chẽ hơn đối với trẻ em nghiện, bảo đảm quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy được quy định tại Điều 28, Luật Trẻ em: “Trẻ em có quyền được bảo vệ khỏi mọi hình thức sử dụng, sản xuất, vận chuyển, mua, bán, tàng trữ trái phép chất ma túy”. Như vậy, trẻ em nghiện ma túy có quyền tham gia các chương trình cai nghiện (có thể tại gia đình hoặc cộng đồng hoặc tại các cơ sở cai nghiện)”, ông Túy cho biết.

Các em được các cơ sở cai nghiện quan tâm, chăm sóc sức khỏe thường xuyên

Các em được các cơ sở cai nghiện quan tâm, chăm sóc sức khỏe thường xuyên

19 cơ sở cai nghiện ma túy đã bố trí khu riêng cho trẻ em

Ngoài ra, cũng theo ông Trần Ngọc Túy, trước đây, việc cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng được giao cho chủ tịch UBND cấp xã tổ chức thì Luật mới đã quy định người nghiện ma túy thực hiện cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng với sự hỗ trợ chuyên môn của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy, sự phối hợp, trợ giúp của gia đình, cộng đồng và chịu sự quản lý của UBND cấp xã. Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng.

Như vậy, Luật đã chú trọng chính sách xã hội hóa công tác cai nghiện, giúp cho người cai nghiện ma túy được tham gia cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

Luật cũng quy định các cơ sở cai nghiện ma túy công lập phải bố trí các khu riêng biệt để bảo đảm các quyền và trách nhiệm riêng biệt đối với các nhóm đối tượng khác nhau như: Khu lưu trú tạm thời, khu cai nghiện bắt buộc, khu cai nghiện tự nguyện, khu cho người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi…

Vì mới bắt đầu triển khai, cho nên trong Luật cũng quy định, các cơ sở cai nghiện ma túy phải đảm bảo các điều kiện tổ chức hoạt động cai nghiện theo quy định mới. Và thời gian cho phép để chuẩn bị 2 năm từ khi Luật có hiệu lực.

Tức là đến 1/1/2024 các cơ sở cai nghiện ma túy phải đáp ứng yêu cầu của cơ sở cai nghiện theo Luật như, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, nhân lực, phân khu,…

Về việc này, khi bắt đầu Luật có hiệu lực, Bộ Lao động- TB&XH đã có văn bản chỉ đạo các địa phương phân công trách nhiệm cụ thể cho UBND cấp tỉnh, Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện và các cơ sở cai nghiện, UBND cấp xã, từng cấp một để mỗi đơn vị theo từng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất để triển khai thực hiện.

Theo số liệu của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, hiện nay, trong tổng số 113 cơ sở cai nghiện trên cả nước, đã có 19 cơ sở cai nghiện ma túy bố trí khu cai nghiện ma túy cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, có phân khu nam riêng, nữ riêng.

“Các em trong độ tuổi này, còn đang trong giai đoạn hình thành nhân cách, nên phải được quản lý riêng, bằng chế độ chăm sóc riêng. Tinh thần của các nhà làm luật, trong quá trình quản lý các em phải tạo một môi trường, điều kiện quản lý tốt nhất” Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội Trần Ngọc Túy cho biết và nhấn mạnh, trước thực trạng đối tượng sử dụng ma túy đang ngày càng trẻ hóa, công tác cai nghiện đối với thanh thiếu niên là một điểm mới nổi bật trong Luật Phòng, chống ma túy, tạo hành lang pháp lý quan trọng để khắc phục khoảng trống, tăng cường chất lượng công tác cai nghiện.

Đồng thời, việc trẻ em nghiện ma túy có quyền tham gia các chương trình cai nghiện, có thể tại gia đình hoặc tại các cơ sở cai nghiện thể hiện sự quan tâm, chăm lo nhưng cũng là biện pháp theo dõi, quản lý chặt chẽ hơn đối với trẻ em nghiện, bảo đảm quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy được quy định trong Luật Trẻ em.

Theo thống kê của Bộ Công an từ năm 2016 đến tháng 9/2020, có 13.560 người chưa thành niên sử dụng trái phép chất ma túy.

Cả nước có 97 cơ sở cai nghiện công lập, trong đó 6 cơ sở chỉ có chức năng cai nghiện ma túy bắt buộc; 71 cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng (bao gồm cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện, điều trị thay thế, quản lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định).

Hoàng Long

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh