Cai nghiện và giáo dục: Con đường để người nghiện tái hòa nhập cộng đồng
- Pháp luật
- 10:17 - 21/09/2022
Được thành lập từ năm 2000, trải qua gần 22 năm qua, Cơ sở cai nghiện ma túy số 6 Hà Nội đã tiếp nhận và điều trị cắt cơn giải độc cho khoảng 13.000 lượt người nghiện ma tuý, tổ chức khám điều trị nội trú cho hơn 8.200 lượt người nghiện, khám và điều trị ngoại trú cho 66.560 lượt người nghiện, chuyển viện 873 người nghiện vượt quá khả năng điều trị của Cơ sở.
Những học viên đến cơ sở cai nghiện ma túy số 6 đều trải qua 5 giai đoạn và 12 chế độ trong ngày để cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó, 5 giai đoạn cai nghiện là giai đoạn phân loại, cắt cơn giải độc, giáo dục hành vi từ bỏ ma túy, duy trì hành vi từ bỏ ma túy và giáo dục tái hòa nhập cộng đồng.
Với giai đoạn phân loại, khi vào cơ sở cai nghiện, những học viên sẽ được các bác sĩ điều trị, nắm bắt được học viên sử dụng ma túy gì, sử dụng bao nhiêu lâu. Ngoài ra, giai đoạn này, còn phải nắm bắt được diễn biến tư tưởng của học viên. Tiếp theo, học viên sẽ được nhân viên y tế hỗ trợ cắt cơn giải độc, giảm thiểu những tác hại của ma túy và đảm bảo sức khỏe cho học viên.
Bên cạnh công tác cai nghiện, từ năm 2003 - 2020, Cơ sở cai nghiện ma túy số 6 Hà Nội mở được 21 lớp với 470 học viên tham gia học tập theo chương trình xóa mù chữ cho người lớn của Bộ GD&ĐT với thời gian học tập 6 tháng hết mức 3 và 8 tháng hết mức 5. Lớp học năm học 2020 - 2021 kéo dài nhất do dịch bệnh COVID-19 nhưng thầy trò vẫn hoàn thành khóa học xóa mù chữ.
Học viên Lường Văn Thoan (quê Điện Biên) khóa học 2020 - 2021 chia sẻ: “Khi còn nhỏ, em không ý thức việc học hành, lớn lên thì không có cơ hội. Khi vào cơ sở chữa bệnh, em được các thầy cô cho đi học; em nhận thức được đây là cơ hội để mình biết đọc, biết viết, nâng cao nhận thức nên đã quyết tâm học... Đến nay, em đã biết đọc, biết viết, tiếp thu các kiến thức từ sách vở, báo chí và lời dạy bảo của thầy cô. Em đã viết thư về cho gia đình xin lỗi và hứa quyết tâm không sa ngã...”.
Có thể nói, Cơ sở cai nghiện ma túy số 6 Hà Nội không chỉ là nơi chữa bệnh cho những người nghiện ma túy mà đã thực sự trở thành mái trường thứ hai đối với các học viên. giúp học viên thêm tự tin, quyết tâm, đó cũng là hành trang để tiếp thêm sức mạnh trên hành trình tự bỏ ma túy để trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Đặc biệt, từ tháng 6/2020 Cơ sở đã đưa khu điều trị Methadone vào hoạt động, qua đó, đã giúp người nghiện sớm ổn định sức khỏe, điều chỉnh tâm lý để người nghiện có thể làm việc, sinh hoạt bình thường, bên cạnh đó, còn giảm chi phí đáng kể đối với các gia đình có người nghiện.
Anh Trần Mạnh T - địa chỉ Việt Long, huyện Sóc Sơn, nghiện heroin từ năm 2009 đã 4 lần cai nghiện ma túy tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 3, số 6 Hà Nội. Đi cai nghiện về bỏ ma túy được một thời gian lại tái nghiện, kinh tế kiệt quệ, gia đình cũng không ai quan tâm, khi biết tin Cơ sở Cai nghiện ma túy số 6 điều trị Methadone, anh là những người đầu tiên đăng ký tham gia điều trị, sáng nào anh cũng đến Cơ sở để uống Methadone đúng giờ, đều đặn. Sau gần 1 năm điều trị bằng methadone đã không sử dụng lại heroin, sức khỏe cải thiện hơn rất nhiều. Hiện anh đang làm thợ hàn và có thu nhập ổn định cho bản thân và gia đình.
Bác sỹ CKII Hứa Văn Bằng – Cơ sở cai nghiện ma túy số 6 cho biết, thực tế đã chứng minh điều trị Methadone đã mang lại những hiệu quả rất tích cực cho người nghiện ma túy nhóm Opiat (heroin, morphin, thuốc phiện) không còn nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền qua đường máu như viêm gan B, C, HIV và ngộ độc cấp tính, sốc quá liều nguy cơ dẫn đến tử vong. Cải thiện tình trạng sức khỏe thể chất, tinh thần, hành vi và có lối sống lành mạnh được gia đình, cộng đồng và xã hội chấp nhận. Giảm hẳn các mối quan hệ phức tạp, các hành vi phạm tội liên quan đến việc kiếm tiền mua heroin đồng nghĩa với xây dựng lại nhiều mối quan hệ tốt đẹp trên cơ sở tình cảm hoà thuận với gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó có cơ hội có việc làm với thu nhập ổn định hơn và chăm sóc xây dựng gia đình tiến bộ hạnh phúc, được tiếp cận với nhiều dịch vụ y tế, xã hội, từ đó tạo thêm cơ hội cho họ làm lại cuộc đời.