Điều trị cai nghiện ma túy cho gần 42.000 người
- Pháp luật
- 06:40 - 10/10/2022
Thí điểm một số mô hình cai nghiện ma túy mới phù hợp thực tiễn
Cụ thể, số liệu của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, trong số 42.000 người được các cơ sở cai nghiện ma túy trên cả nước tiến hành điều trị cai nghiện ma túy, thì trong đó có gần 4.500 người mới tiếp nhận theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022).
Cùng với đó, 100% tỉnh, thành phố tổ chức quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng đã nghiên cứu, triển khai thí điểm một số mô hình cai nghiện ma túy mới phù hợp với thực tiễn. Việc rà soát, thống kê và quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy cũng được các bên chú trọng, góp phần giảm tác hại do ma túy.
Về công tác phòng chống, cai nghiện ma túy, đơn cử như Sở Lao động - TB&XH Hà Nội, ước tính 6 tháng đầu năm 2022, toàn thành phố vận động, tiếp nhận và tổ chức cai nghiện cho 1.482 người nghiện ma túy, đạt 48,6% kế hoạch cả năm.
Trong đó, các quận, huyện, thị xã lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc cho 547 người; các cơ sở cai nghiện ma túy vận động, tiếp nhận và tổ chức cai nghiện tự nguyện cho 935 người; các xã, phường, thị trấn tổ chức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho 257 người...
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm, sau khi hoàn thành thời gian điều trị cai nghiện, số người tái nghiện chiếm tỷ lệ cao. “Tỷ lệ tái nghiện sau thời gian 1-2 năm chiếm tới 75-77% tổng số người được điều trị cai nghiện. Việc làm thế nào để mở rộng số người tham gia điều trị cai nghiện, giảm tỷ lệ tái nghiện luôn là vấn đề băn khoăn, trăn trở của các cơ quan chức năng và toàn xã hội”, Phó Giám đốc Sở Lao động - TB&XH Hà Nội Hoàng Thành Thái nói.
Lý giải nguyên nhân, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - TB&XH Hà Nội) Phùng Quang Thức cho hay, bắt đầu từ năm 2022, các quy định của pháp luật về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện có nhiều thay đổi, nên một số địa phương còn lúng túng trong quá trình lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
"Về công tác cai nghiện tự nguyện, đa số người nghiện chưa đủ quyết tâm cai nghiện, nên không dễ vận động, triển khai. Hình thức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng không phải nơi nào cũng đủ điều kiện để thực hiện bài bản...", ông Thức cho biết.
Nhằm hỗ trợ người nghiện ma túy, giúp họ có cơ hội từ bỏ con đường lầm lỡ, hòa nhập cộng đồng, ngành Lao động - TB&XH Hà Nội xây dựng phần mềm quản lý người cai nghiện, người sau cai nghiện ma túy và hệ thống quản lý thông tin tệ nạn xã hội trên nền tảng bản đồ số.
Cùng với đó, các cơ sở có chức năng tư vấn, điều trị cai nghiện không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, qua đó thu hút ngày càng nhiều số người tham gia cai nghiện theo hình thức tự nguyện, điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.
Việc hướng nghiệp, dạy nghề cho đối tượng trong thời gian điều trị cai nghiện cũng được ngành Lao động - TB&XH Hà Nội cùng các bên quan tâm. Đây là tiền đề quan trọng để giúp người nghiện sau cai có việc làm, ổn định cuộc sống.
Cai nghiện, quản lý sau nghiện ma túy: Nhiệm vụ khó khăn và lâu dài
Nhìn nhận về công tác điều trị cai nghiện ma túy cũng như tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy hiện nay, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho rằng, vẫn có diễn biến rất phức tạp. Trong đó công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau nghiện ma túy là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài.
Vì vậy, các cấp, các ngành từ trung ương tới cơ sở cần có sự phối hợp chặt chẽ, vào cuộc đồng bộ nhằm từng bước giảm số người sử dụng ma túy trái phép, tổ chức có hiệu quả công tác điều trị, cai nghiện ở cơ sở cai nghiện ma túy và gia đình, cộng đồng... Trước hết, các địa phương, cơ sở cai nghiện ma túy công lập tập trung làm tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tác hại của ma túy, công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy để cán bộ và nhân dân nắm vững, hiểu đúng và thực hiện tốt các chính sách, pháp luật hiện hành.
Thứ hai, ngành Lao động-TB&XH chủ trì, phối hợp với các ngành: Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Nội vụ và Công an tham mưu cho Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, quy chế phối hợp tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; bảo đảm nguồn kinh phí, đội ngũ nhân lực làm công tác cai nghiện ma túy, nhất là tại cơ sở cai nghiện ma túy và tại cộng đồng;
Rà soát, thống kê toàn bộ số người nghiện ma túy trên địa bàn, đặc biệt là nhóm người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; ban hành cơ chế, chính sách thiết thực, thông thoáng để khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia công tác cai nghiện ma túy tự nguyện; chính sách hỗ trợ, thu hút người vào làm việc tại các cơ sở cai nghiện công lập;
Thứ ba, các cơ sở cai nghiện ma túy công lập xây dựng kế hoạch bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự để tiếp nhận, quản lý và cai nghiện hiệu quả; đào tạo, tập huấn chuẩn hóa đội ngũ viên chức, người lao động về kỹ năng, quy trình cai nghiện ma túy;
Ban hành và tổ chức thực hiện quy trình cai nghiện ma túy phù hợp với thực tiễn và các quy chế quản lý, đánh giá kết quả học tập, cai nghiện, khen thưởng, kỷ luật, thăm gặp thân nhân đối với người cai nghiện...
Đối với những vướng mắc, khó khăn và kiến nghị của các địa phương, Cục PCTNXH sẽ tiếp thu, nghiên cứu và đề xuất, phối hợp với các đơn vị liên quan sớm ban hành văn bản hướng dẫn để các địa phương triển khai thống nhất, hiệu quả trong thời gian tới.
Những tháng cuối năm, ngành Lao động - TB&XH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, các địa phương tăng cường tuyên truyền về tác hại khi sử dụng trái phép chất ma túy, nâng cao hiệu quả phòng, chống ma túy, đổi mới công tác cai nghiện ma túy...