CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:19

Công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai: Nhiều kết quả tích cực

Học viên tại Cơ sở Cai nghiện ma tuý tỉnh Lạng Sơn trong giờ lao động trị liệu (Ảnh minh họa)

Học viên tại Cơ sở Cai nghiện ma tuý tỉnh Lạng Sơn trong giờ lao động trị liệu (Ảnh minh họa)

Chất lượng cai nghiện từng bước được nâng lên

Với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về cai nghiện, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chức năng, các địa phương có các giải pháp kịp thời , theo đó giải quyết các khó khăn, vướng mắc, nhất là tăng cường công tác quản lý người cai nghiện… Bằng những giải pháp quyết liệt, đồng bộ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành có liên quan, đến nay công tác cai nghiện đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo thống kê, hiện toàn quốc có tổng số người nghiện, người bị quản lý sau cai nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy là hơn 262.000 người. 

Có thể nói, chất lượng cai nghiện trong thời gian qua đã từng bước được nâng lên và có nhiều tiến bộ như tăng cường thời gian cho hoạt động dạy nghề, đổi mới phương pháp từ thiên về giáo dục các quy định hành chính, tập thể sang điều trị về thể chất với chỉnh sửa hành vi thông qua tư vấn tâm lý, tinh thần, tình cảm, tạo sự tham gia, hợp tác tự nguyện và quyết tâm của người cai nghiện, người nghiện được tiếp cận các dịch vụ cai nghiện với nhiều hình thức phù hợp.

Chất lượng cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai còn được cải thiện thông qua việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị (y tế, dạy nghề, dạy văn hoá, sinh hoạt…), tăng cường hoạt động tư vấn điều trị và dự phòng tái nghiện, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện.

Một số mô hình cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm và quản lý sau cai hiệu quả đã được hình thành và duy trì như: Mô hình thí điểm quản lý sau cai tại trung tâm của TP. Hồ Chí Minh, mô hình cai nghiện 3 giai đoạn của tỉnh Tuyên Quang...

Bên cạnh đó, công tác cai nghiện ngày càng được xã hội hóa. Công tác quản lý sau cai tại cộng đồng được gắn với tạo việc làm và việc tham gia các hoạt động xã hội, sinh hoạt trong các tổ tự quản, câu lạc bộ quản lý sau cai cũng đã góp phần giảm tỷ lệ tái nghiện và các tệ nạn xã hội khác.

Những địa phương thực hiện tốt công tác này có thể kể đến là: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Cần Thơ, Tuyên Quang, Thái Nguyên…

Học viên đang tăng gia sản xuất tại Cơ sở cai nghiện số 1 tỉnh Lào Cai

Học viên đang tăng gia sản xuất tại Cơ sở cai nghiện số 1 tỉnh Lào Cai

Trong những năm qua, cũng theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, các tỉnh, thành trên cả nước đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền kêu gọi toàn xã hội quan tâm hơn nữa đến người nghiện ma túy, xóa bỏ thái độ kỳ thị với người nghiện; chung tay hỗ trợ người nghiện cai nghiện, hòa nhập cộng đồng, bố trí việc làm phù hợp để giúp người cai nghiện hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Tăng cường công tác giám sát việc thực hiện Luật Phòng, chống ma túy

Để triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa chính sách, pháp luật về cai nghiện, quản lý sau cai nghiện, mới đây, tại các hội thảo liên quan đến công tác cai nghiện và quản lý sau cai, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Cao Văn Thành kiến nghị Uỷ ban Xã hội tăng cường công tác giám sát việc triển khai, thực hiện Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính và việc đảm bảo nguồn lực thực hiện các chính sách mới của Luật Phòng, chống ma túy của Chính phủ và các địa phương.

Đề cập đến tình hình triển khai chính sách, pháp luật về cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma tuý, ông Cao Văn Thành cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản chỉ đạo UBND, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố triển khai thi hành Luật Phòng, chống ma túy, tập trung vào các nội dung chuẩn bị cho việc triển khai các chính sách mới trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Qua đó, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố đều xác định nhiệm vụ triển khai thi hành Luật là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Do vậy đã phối hợp với cơ quan công an đề xuất với Ban Chỉ đạo 138/CP các tỉnh, thành phố bổ sung vào nhiệm vụ trọng tâm công tác, ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thi hành Luật, trong đó tập trung vào việc triển khai và đảm bảo các điều kiện thực hiện các chính sách mới trong cai nghiện và quản lý sau cai nghiện.

Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch để triển khai đến cấp huyện, cấp xã; gần 100 cơ sở cai nghiện ma túy trên toàn quốc đã rà soát, đánh giá các điều kiện hoạt động để báo cáo UBND, Hội đồng nhân dân đề xuất xây dựng các dự án nâng cấp cơ sở vật chất, kiện toàn đội ngũ cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác cai nghiện theo Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng các Thông tư hướng dẫn thi hành, dự kiến ban hành trong năm 2022. Theo đó, thông tư của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quy định về điều kiện thành lập, cơ cấu tổ chức, chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, nội quy, quy chế của cơ sở cai nghiện ma túy công lập. Thông tư của Bộ Tài chính quy định nội dung chi, mức chi, cơ chế tài chính cho việc thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH đã có nhiều hoạt động để tuyên truyền về Luật Phòng, chống ma tuý như tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 116/2021/NĐ-CP; tuyên truyền thông qua các đợt tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ở 63 tỉnh, thành phố; đăng tải Luật, các văn bản quy định chi tiết và các văn bản triển khai thi hành Luật trên Cổng thông tin điện tử của Bộ LĐ-TB&XH và Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố…

Để làm tốt hơn nữa công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Cao Văn Thành cho rằng, cần tăng cường công tác giám sát việc triển khai, thực hiện Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là các nội dung liên quan đến công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy; cũng như đảm bảo nguồn lực thực hiện các chính sách mới của Luật Phòng, chống ma túy của Chính phủ và các địa phương.

Có thể nói, những năm qua, công tác cai nghiện phục hồi đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, có bước chuyển biến về chất lượng, quy mô, các hình thức cai nghiện được đa dạng hoá, các vấn đề xã hội sau cai được tăng cường giải quyết, mang lại cuộc sống lành mạnh và bình yên cho hàng chục nghìn người và gia đình họ, giảm mức độ sử dụng ma tuý và hành vi lây nhiễm HIV của người nghiện tới cộng đồng, đảm bảo an ninh, trật tự và góp phần phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Hoàng Long

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh