CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:45

Ở nơi thách cưới bằng… thịt chuột!

Ở nơi thách cưới bằng… thịt chuột! - Ảnh 1.

Đại diện bà mối bàn giao lễ vật xin dâu.

Sống thử rồi mới cưới

“UBND tỉnh Lào Cai đã có quyết định phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Phù Lá (Xá Phó, Bố Y) giai đoạn 2017 - 2025. Trong đó sẽ đầu tư hỗ trợ dân tộc Xá Phó tại Sapa số tiền trên 9 tỷ đồng bao gồm các nội dung: Đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và đào tạo cán bộ cơ sở”.

Cung đường từ Sapa vào xã Nậm Sài chỉ khoảng 40km nhưng chúng tôi phải mất hơn 2 tiếng chạy xe máy mới tới nơi. Từ đường lớn, phải cuốc bộ theo lối mòn khá dốc để vào thôn Nậm Sang và Nậm Kéng, nơi sinh sống chủ yếu của người Xá Phó - một trong những cộng đồng dân tộc thiểu số còn rất ít người. Tạt vào ngôi nhà bên đường, bắt gặp một bà lão đang địu em nhỏ trước ngực. Hỏi câu gì bà cụ cũng lắc đầu: “Không biết đâu…”.

Qua nhà văn hóa, công trình kiên cố duy nhất được dựng lên, cửa khóa trái, lũ trẻ con mặt mũi lấm lem, nhiều đứa chỉ mặc áo, không có quần đang ngồi đùa nghịch trước cổng. Gạ hỏi mãi, tôi mới được chỉ tới gặp nhà Lò Mun Ba, bởi người này nói được tiếng Kinh lại hiểu cái lý của người Xá Phó.

Bấm từng ngón chân đi chéo dần xuống con dốc trơn trượt, thấy bóng người đàn ông cởi trần ngồi cạnh chiếc bàn gỗ bên hiên nhà, tôi cất tiếng hỏi: “Có phải nhà Lò Mun Ba không?”. Giọng người đàn ông lơ lớ tiếng Kinh đáp: “Đúng rồi, nhà Ba đây, đang nghỉ, không làm nữa đâu!”. Tôi lại gần, giải thích là phóng viên muốn hỏi phong tục của người Xá Phó, chủ nhà mới gật đầu: “Cứ hỏi, cứ chụp ảnh nhưng phải cho xin ít tiền nhé”.

Có khách lạ, lũ trẻ từ đâu chạy lại, dò xét. Anh Ba liền vào trong nhà cầm mấy quả chuối rừng chia cho từng đứa khiến chúng mừng ríu rít. “Toàn cháu trong họ. Nhà mình có 2 con, cũng cố cho đi học lấy cái chữ. Đứa con gái làm giáo viên ở xã được 2 năm nhưng không có chỗ (biên chế - PV) nên nó chán bỏ đi làm dưới Sapa rồi”. Người Xá Phó đẻ con ít hơn người Mông nhỉ? - tôi hỏi. Nghe vậy, anh Ba chậm rãi: “Trước ở trên núi cao, ông bà mình cũng đẻ nhiều, đẻ hết trứng nhưng không nuôi được. Trẻ con hồi đó không biết vì sao chết nhiều lắm. Như nhà mình đẻ 17 con mà chỉ sống sót 4 người thôi. Bây giờ người Xá Phó bảo nhau đẻ ít thôi, khổ quá không nuôi được”.

Đúng lúc này, bóng dáng người phụ nữ tập tễnh bước từ nhà kho lên, anh Ba nói: “Vợ đấy, nó mới bị ngã, chưa đi nương được”. Không được như chồng, Vàn Thị Khá nói tiếng Kinh một cách khó khăn. Khi được hỏi về ngày sống chung mái nhà, thành vợ chồng, chị Khá cười nheo mắt: “Khi hai bên cha mẹ gật đầu, anh ấy về nhà mình ở, cặm cụi làm mọi việc như con trong nhà. Ngày đầu cũng ngại lắm, chỉ làm cùng nhau chứ chưa ngủ cùng. Tới khi hiểu nhau, mình nói chồng nghe, chồng nói mình nghe, đi đâu cũng có nhau rồi mới cho ở chung”.

Trong hôn nhân, người Xá Phó rất “thoáng”. Con trai cứ đến nhà bạn gái ở, cùng nhau làm ăn, bao giờ đủ tiền mới làm đám cưới. “Ở với nhau hợp thì cưới, còn không thì tự bỏ nhau thôi. Con gái mình cũng không ngại, vẫn lấy chồng khác được. Có nhà có 2 mặt con mới đủ tiền làm cưới hỏi”, Khá cười hồn hậu.

Thách cưới bằng... thịt chuột

Ở nơi thách cưới bằng… thịt chuột! - Ảnh 4.

Cái nghèo tới nay vẫn đeo bám người dân Xá Phó bởi chính tập quán sinh hoạt.

Tục thách cưới của người Xá Phó cũng rất lạ, Ba bảo: “Cái lý” không thể thiếu thịt chuột mà phải là chuột bắt trên rừng, về làm sạch rồi chặt ra bỏ vào ống nứa rắc bột ngô vào rồi gác bếp. Trước ngày cưới 1 hôm, nhà trai cử 2 người mối, mang theo 2 con chuột to sang nhà gái trước. Sau đó làm thịt chuột mời bố mẹ cô dâu ăn rồi mới bàn chuyện thách cưới. Tiền bạc có thể xin nhà gái giảm nhưng thịt chuột ống, rượu ống, bánh giày thì bắt buộc phải có. Bởi theo lý phải đủ những thức đó thì tổ tiên mới nhận đó là con cháu.

Đến ngày cưới, thành phần đoàn nhà trai gồm: 2 ông bà mối, phù dâu, phù rể và đoàn người đưa lễ vật. Lễ vật gồm: 18 ống thịt chuột nhỏ và 2 ống thịt chuột to; 18 ống rượu nhỏ và 2 ống rượu to; 18 chiếc bánh giày nhỏ và một đôi bánh giày to bằng chiếc mẹt… Nhà gái nhận và kiểm đếm số lễ vật, nếu thấy đủ sẽ đem chia phần thịt chuột ống, rượu ống cho anh em trong dòng họ. Khi nhận, những người này cảm ơn và gửi lời chúc đôi vợ chồng trẻ sau này có cuộc sống đầy đủ, sung túc, hạnh phúc bền lâu.

Lý giải về tục thách cưới lạ lùng, bà Vàng Sa Mạ (hơn 70 tuổi, thôn Nậm Kéng) cho biết: “Ngày xưa còn ở trên núi khổ quá, sống như con khỉ, không có áo mặc, quanh năm sương rét, phải lấy lá, lấy rơm để lót ổ nằm. Không có thịt để ăn, đàn ông thường đặt bẫy chuột trong rừng. Ai bắt được nhiều chuột càng chứng tỏ người ấy tài khéo. Thịt chuột được chặt ra bỏ vào ống làm chua, chờ khi có đám cưới hay ngày Tết lại mang ra làm món cúng tổ tiên rồi mời anh em họ hàng ăn hết”.

Theo HOÀNG NGÂN/Báo giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh