THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:11

Hà Giang: Nỗ lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo

Được bổ sung vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018 – 2020, Bắc Mê hiện cùng với 6 huyện nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Giang nằm trong diện thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a là Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì và Xín Mần.

Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Bắc Mê có 3.739 hộ nghèo (chiếm 35,42% dân số) với 15 dân tộc anh em cùng sinh sống gồm: Tày, Mông, Xuồng, Giấy, Bố Y... Trong đó, số hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 94,4%, số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm 33%. Nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống, trong những năm qua, Bắc Mê đã chú trọng và triển khai nhiều chương trình, chính sách hướng đến đồng bào dân tộc ít người.

Công tác dân tộc và việc thực hiện hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn được các cấp, ngành trong huyện quan tâm bố trí nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, như: Tổng kinh phí thực hiện Chương trình 135 và 30a giai đoạn 2016 – 2018 là 4.897 triệu đồng với 4.769 lượt hộ hưởng thụ... Qua đó, đời sống của nhân dân các dân tộc trong huyện đã từng bước cải thiện, đường giao thông đi lại thuận lợi, tình hình di cư tự do giảm đáng kể; trình độ dân trí trong đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên... Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm dần, với 4.235 hộ nghèo (chiếm 47,2%) năm 2010 và đến cuối năm 2018 giảm xuống còn 3.576 hộ (chiếm 30%), thu nhập bình quân đầu người đạt 22,5 triệu đồng/năm.

Đạt được được kết quả trên, Bắc Mê đã triển khai và đưa ra những chỉ tiêu cho từng giai đoạn. Theo đó, huyện đã duy trì thực hiện các chính sách, dự án hiện hành gắn với xây dựng nông thôn mới bằng việc giao chỉ tiêu, kế hoạch và phân bổ ngân sách thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội; xây dựng kế hoạch trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, từng lĩnh vực phân công các thành viên chủ động duy trì và triển khai các chính sách, chương trình theo từng lĩnh vực được phân công phụ trách; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, đối thoại chính sách với người nghèo; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở ở các xã, thị trấn, thôn, bản; đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo.

Pu Péo là một trong những dân tộc ít người của huyện Bắc Mê với 23 hộ và 138 khẩu, sống tập trung tại 2 xã Yên Cường và thị trấn Yên Phú. Trong những năm qua, với việc nhận được sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền đã góp phần thay đổi cuộc sống của những người dân Pu Péo nơi đây.

Ông Tráng Mìn Lèng, người Pu Péo sống tại thôn Tiến Xuân (xã Yên Cường), cho biết: Trước đây, cuộc sống của người Pu Péo gặp rất nhiều khó khăn và cổ hủ lạc hậu, đặc biệt là việc chỉ được lấy người trong dòng họ, không được phép lấy người ngoài, bởi vậy dẫn đến việc hôn nhân cận huyết. Bên cạnh đó, lương thực thì ít với những giống lúa địa phương năng suất kém. Tuy nhiên, kể từ khi được Đảng và Nhà nước hỗ trợ đã góp phần thay đổi cuộc sống của chúng tôi thông qua việc hỗ trợ tu sửa nhà cửa, tấm lợp, học phí, phân bón, giống, kỹ thuật chăn nuôi... Từ những hiệu quả bước đầu, mọi người đã tập trung phát triển kinh tế, ứng dụng những giống mới năng suất cao vào sản xuất, trẻ nhỏ thì khích lệ nhau đi học. Gia đình tôi có 5 người con, đứa nào cũng học hết lớp 12, có đứa đi học chuyên nghiệp, hiện đang làm việc và lập gia đình dưới Hà Nội. Ông Tráng Mìn Lèng cũng khẳng định, cuộc sống của người Pu Péo giờ không còn bó hẹp và biệt lập trong thôn nữa mà đã và đang tiếp cận với những tiến bộ mới trong xã hội…

Tiếp đến, để thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững nói chung, giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng thoát nghề gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện Bắc Mê đã xây dựng mô hình: Phân công các cơ quan, đơn vị, trường học và doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân phụ trách, giúp đỡ hộ nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới tại xã Minh Ngọc, Yên Định, Yên Phong. Đến nay, đã đăng ký giúp đỡ được 3 xã với 350 hộ nghèo và Minh Ngọc là xã đầu tiên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hai xã còn lại phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào cuối năm nay… Đây được xem là cách làm hiệu quả, thiết thực, kêu gọi được sự chung tay hỗ trợ hộ nghèo, qua đó, giúp địa phương giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, góp phần làm tốt công tác an sinh xã hội. Không chỉ vậy, việc giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ hộ nghèo còn góp phần giáo dục ý thức vươn lên thoát nghèo, tạo sự gần gũi, gắn kết giữa người dân và chính quyền các cấp.

Hà Giang: Nỗ lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo - Ảnh 1.

Đoàn viên thanh niên Bắc Mê ra quân giúp hộ nghèo thôn Bản Đuốc (xã Yên Phong) vận chuyển vật liệu xây dựng nông thôn mới

Căn cứ các tiêu chí nghèo đa chiều, hộ anh Nông Văn Nâng, thôn Bản Đuốc, xã Yên Phong cần thực hiện những nội dung để thoát nghèo đó là: nhà vệ sinh (5 điểm), tivi (15 điểm), tủ lạnh (10 điểm), xe máy (25 điểm). Được phân công phụ trách, giúp đỡ gia đình anh Nâng thoát nghèo, đồng chí Bùi Văn Tuân, Bí thư Huyện ủy Bắc Mê đã đến tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của gia đình, nhằm xác định nguyên nhân nghèo, tìm giải pháp tác động, giúp đỡ. Bên cạnh việc giúp đỡ gia đình có tivi để nắm bắt thông tin, tình hình phát triển kinh tế - xã hội chung, đồng chí Bí thư Huyện ủy còn định hướng và giới thiệu hai thành viên trong gia đình đi làm việc tại một doanh nghiệp nhằm tăng thêm thu nhập.

Theo đồng chí Bùi Văn Tuân, Bí thư Huyện ủy Bắc Mê, trao đổi: Các cơ quan, đơn vị, trường học và doanh nghiệp, hợp tác xa, cá nhân thực hiện tốt việc phụ trách, giúp đỡ hộ nghèo. Qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang, cũng như nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền các cấp. Những việc làm đó đã tạo sự gần gũi, gắn bó giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân, thắt chặt tình đoàn kết ở các khu dân cư. Dù bận nhiều công việc, nhưng các cơ quan, đơn vị, cá nhân được phân công giúp các gia đình khó khăn thường xuyên gặp gỡ, tìm hiểu thực tế, từ đó đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương có cách giúp đỡ phù hợp.

Có thể nói, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Bắc Mê ngày càng mang tính xã hội với việc thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân, các tổ chức đoàn thể và sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Nhằm hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện Bắc Mê đã có phương hướng, giải pháp cụ thể cho các giai đoạn tiếp theo; khắc phục những bất cập và vấn đề nảy sinh trong thực hiện chương trình, chính sách giai đoạn 2016 – 2020; bố trí kinh phí hỗ trợ hộ nghèo một cách hợp lý, kịp thời...

THANH MẠNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh