Giấc mơ Nhật: Đi để vấp ngã, đi để trưởng thành
- Văn hóa - Giải trí
- 07:27 - 31/12/2023
Tác giả Nguyễn Phương Dung cho biết: "Khi mới sang nước ngoài 1 năm, mọi thứ sẽ rất mới mẻ, mọi người xung quanh cũng sẽ không yêu cầu quá cao khi ai đó nói rằng tôi mới sang Nhật. Tuy nhiên khi ở 8 năm, lúc này ta sẽ cần nhập gia tùy tục. Yêu cầu ta phải bám rễ thật sâu vào một môi trường nửa lạ nửa quen. Và lúc này ta cần cạnh tranh trực tiếp với người bản xứ, phải nỗ lực gấp 3-5 lần người bản xứ là chuyện rất bình thường. Bởi ngoài những kiến thức chuyên ngành phải học bằng thứ ngôn ngữ khác, ta còn cần hiểu văn hóa và những thứ phi ngôn ngữ nằm sâu phía dưới.
Mặc dù đã học chuyên sâu và tìm hiểu về Nhật suốt 4 năm đại học, nhưng hồi đầu mình cũng khá chật vật để hòa nhập, ít nhất là 3 tháng đầu tiên, sau đó quen dần. Và cho tới ngày hôm nay mình vẫn đang cần học tập văn hóa, lối sống và suy nghĩ của họ.
Điều mình thay đổi nhiều nhất là nghĩ cho đối phương nhiều hơn trước kia, sống có khoa học và kế hoạch dài hạn. Tầm nhìn của những công ty Nhật luôn là cả chục năm hay có những dự án kéo dài vài chục năm.”
Tác giả cho biết, thứ khiến cô quyết định chọn Nhật Bản để gắn bó là bởi niềm ngưỡng mộ sự nhân văn trong con người và văn hoá của Nhật. Cách họ để những chiếc ô miễn phí ở một số sân ga cho người đi đường tự do sử dụng, sau đó dùng xong họ tự ý thức mang trả lại. Cách họ để dép xoay ngược hướng về người bên trong nhà, để khi ra khỏi nhà ta cứ thế mà xỏ giày dép chứ không phải xoay người theo giày,... tất cả những thứ tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng lại khiến cô thật sự yêu mến.
“Thanh xuân quá ngắn ngủi. Trong quãng thời gian ấy, có rất nhiều người đã đi qua cuộc đời tôi, có những người nằm lại mãi, có người lại về hưu từ tuổi hai mươi hai. Họ dạy tôi trân trọng từng giây phút còn được tồn tại. Cuộc sống thực sự quá ngắn ngủi, đến mức không còn đủ thời gian để ghét bỏ bất kỳ ai hay điều gì. Chưa có một chuyến đi nào vô ích, chưa có một cuộc gặp gỡ nào tôi không học được chút gì đó hay ho từ người mình tiếp xúc. Nó là cách tôi lựa chọn để trưởng thành trong suốt bảy năm. Vì đơn giản, bản thân mỗi người là một thước phim muôn màu cần được trân trọng.” – Nguyễn Phương Dung
4 năm viết nên cuốn sách này là hành trình rất ý nghĩa và thiêng liêng với bản thân tác giả Nguyễn Phương Dung. Cuốn sách đi xuyên qua giai đoạn Covid và toàn xã hội buộc phải cách ly, ngắt bớt kết nối, phải ngồi lại với chính mình rất nhiều. 4 năm với rất nhiều mất mát nhưng cũng rất nhiều nhiệt huyết và lòng biết ơn được khơi dậy, thúc đẩy cô viết nên cuốn sách du ký - trải nghiệm đầy sống động này. Tuy nhiên, cuốn sách cũng được lồng ghép thêm các nội dung về kỹ năng sống với mong muốn giúp độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ tìm được những lời giải đáp cho thắc mắc của mình về con đường hiện thực hóa "Giấc mơ Nhật".
"Giấc mơ Nhật hay bất cứ thứ giấc mơ gì, nói rộng ra là tất cả những giấc mơ của tuổi trẻ đều rất thiêng liêng và mang nhiều ý nghĩa với Dung. Đó là lý do mình lựa chọn tên sách là Giấc mơ Nhật." - Nguyễn Phương Dung chia sẻ.
Cuốn sách “Giấc mơ Nhật: Đi để vấp ngã, đi để trưởng thành” là cuốn sách đầu tay của tác giả Nguyễn Phương Dung, thuộc thể loại sách trải nghiệm – kỹ năng, được xuất bản vào tháng 12 năm 2023.
Cuốn sách kể về hành trình chinh phục, theo đuổi giấc mơ học tập, sinh sống và làm việc tại xứ Phù Tang – “miền đất hứa” trong mộng của cô gái trẻ Nguyễn Phương Dung. Qua những trang viết “thật” nhất về con người, văn hóa và xã hội Nhật Bản, những trải nghiệm thực tế của cô trong 8 năm tại đây được lưu giữ lại như một kho báu quý giá về thời thanh xuân. Là may mắn nhưng cũng là nghị lực, là niềm vui nhưng cũng là nước mắt, bảy năm ấy đã dạy cô nhiều bài học nhân văn về cuộc sống và quay về cái tôi bản ngã của mình.