Lao Cai: Tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động
- Bài thuốc hay
- 02:02 - 04/12/2019
Ông Đinh Văn Thơ, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lao Cai cho biết: "Với đặc thù là tỉnh có nhiều lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh như: Khai thác, chế biến khoáng sản, luyện kim, sản xuất hóa chất, thủy điện… với nhiều ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.Trong quá trình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh đã gặp không ít khó khăn như: Phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong số đó còn có những đơn vị chạy theo lợi nhuận mà chưa quan tâm đúng mức đến công tác an toàn, vệ sinh lao động, chế độ, quyền lợi của người lao động như: Tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và khám sức khỏe cho người lao động, chưa trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân kiểm định máy, thiết bị an toàn còn chưa nghiêm ngặt".
Năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn tỉnh xảy ra 42 vụ tai nạn lao động, 14 người bị tai nạn lao động, trong đó có 10 vụ tai nạn lao động chết người làm 10 người bị chết, 10 người bị thương nặng... Khu vực không có quan hệ lao động đã xảy ra 29 vụ tai nạn lao động làm 29 người và 10 người bị thương. Năm 2018 xảy ra sự cố tràn và vỡ đập bãi thải Gyps của Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và thiệt hại tài sản của người dân. Nguyên nhân chủ yếu xảy ra tai nạn lao động, sự cố mất an toàn.. là do người lao động và người sử dụng lao động chưa thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động.
Chính vì vậy, công tác an toàn, vệ sinh lao động nói chung và bảo đảm an toàn, sức khỏe của người lao động nói riêng luôn là một yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng đối với các cấp, các ngành, địa phương và doanh nghiệp trong tỉnh.
Năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 các Sở đã tổ chức 169 lớp tập huấn, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho 12.652 lượt người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động và người lao động; tổ chức Hội nghị đối thoại chính sách, pháp luật về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động cho trên 50 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh, qua đó nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật an toàn vệ sinh lao động cho các doanh nghiệp, đặc biệt là người sử dụng lao động và người lao động.
Các sở, ngành, địa phương đã tổ chức 105 cuộc thanh tra, kiểm tra về thực hiện pháp luật an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại 645 lượt doanh nghiệp, cơ sở trong đó tập trung ở các đơn vị có nhiều yếu tố lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, có nguy cơ cao dễ gây cháy nổ, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp cơ quan liên ngành tổ chức 3 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất và chuyên đề trong việc chấp hành pháp luật an toàn vệ sinh lao động tại 39 đơn vị; kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động tại 18 công trình thi công xây dựng trọng điểm. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện một số đơn vị, doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật an toàn vệ sinh lao động; chế độ, quyền lợi của người lao động chưa được đảm bảo; chưa quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, sử dụng. thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động chưa được kiểm định an toàn.. Các sở, ngành đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với 109 đơn vị với tổng số tiền là 634,8 triệu đồng.
Để thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đưa ra những giải pháp như: Tăng cường công tác quản lý nhà nước và an toàn vệ sinh lao động; triển khai đầy đủ, kịp thời Luật An toàn vệ sinh lao động đến các vấn các ngành, các thành phần kinh tế và cả người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; tăng cường công tác hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về an toàn vệ sinh lao động đối với cán bộ, công nhân viên chức trong các cơ quan, đơn vị, cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động và người lao động trong các doanh nghiệp, đặc biệt đối với những đơn vị mới được thành lập; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động.
Chủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các thành phần kinh tế chủ động nắm bắt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chế độ, tiêu chuẩn, quy phạm về an toàn vệ sinh lao động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, không ngừng cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, tạo điều kiện để người lao động được làm việc trong môi trường an toàn nhằm giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động;
Tổ chức Công đoàn các cấp thực hiện tốt chức năng giám sát, kiểm tra, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động về chính sách lao động, an toàn vệ sinh lao động; chủ động phối hợp với người sử dụng lao động làm tốt công tác an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp; đẩy mạnh phong trào thi đua "xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động"... Đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động trong doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị; khen thưởng kịp thời cho những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ; đồng thời xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.