CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:41

Lào Cai: Thực hiện tốt chính sách lao động việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động

Nhiều giải pháp tạo việc làm cho lao động địa phương

Giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 8/2019, toàn tỉnh Lào Cai đã đào tạo nghề cho hơn 56.600 lao động, trong đó có gần 33.400 lao động dân tộc thiểu số (chiếm 59%), nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh từ 43,1% năm 2015 lên 51,68% năm 2019. Cũng trong giai đoạn này, Lào Cai đã tạo việc làm cho 51.260 lao động, trong đó 30.000 lao động là người dân tộc thiểu số. Lao động có việc làm thường xuyên chiếm trên 90%, trong đó lao động là người dân tộc thiểu số chiếm gần 70%.

Công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp được coi là giải pháp đáp ứng nhu cầu việc làm và thu nhập của người lao động, đặc biệt đối với lao động ở các huyện đặc biệt khó khăn, lao động là người dân tộc thiểu số. Từ năm 2016 đến nay, Lào Cai có 300 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… trong đó có 110 lao động là người dân tộc thiểu số, thu nhập bình quân đạt từ 10-30 triệu đồng/người/tháng tùy từng thị trường.

Đặc biệt, tại Lào Cai, công tác quản lý lao động qua biên giới đã góp phần tạo việc làm cho lao động của các địa phương, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lào Cai, từ năm 2016, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các ngành tổ chức 5 cuộc hội đàm và ký biên bản hội đàm với chính quyền huyện Hà Khẩu và Ban Quản lý Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Hà Khẩu (Trung Quốc) về quản lý lao động qua biên giới, trong đó có nội dung đưa lao động sang làm việc tại doanh nghiệp Trung Quốc. Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai đã tuyển chọn và đưa 947 lao động địa phương sang làm việc tại Công ty Hữu hạn Khoa học Kỹ thuật Huệ Hồng, Vân Nam, Trung Quốc, trong đó 820 lao động là người dân tộc thiểu số (chiếm 86,6%) với tiền lương bình quân đạt từ 7 đến 10,5 triệu đồng/người/tháng ...

Lào Cai: Thực hiện tốt chính sách lao động việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động - Ảnh 1.

Người lao động đăng ký tìm việc tại Sàn giao dịch việc làm tỉnh Lào Cai.

Bên cạnh đó, các chính sách vay vốn hỗ trợ việc làm và Quỹ quốc gia việc làm được triển khai đồng bộ ở các cấp trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả mạnh mẽ. Từ năm 2015 đến tháng 8/2019 có 6.166 lao động được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm với tổng số vốn được vay 117,5 tỉ đồng, trong đó có 1.890 lao động là người dân tộc thiểu số, chiếm 30%. Việc tiếp cận vốn vay thuận lợi đã giúp người lao động có việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp và tăng thu nhập. Thu nhập bình quân của người lao động đạt từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Từ đó, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số đã phát huy tinh thần xung kích, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn khởi nghiệp và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực

Nhờ thực hiện tốt các chính sách về lao đông việc làm, kết nối cung cầu lao động không chỉ góp phần tạo việc làm cho người lao động, dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị, mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh Lào Cai, đặc biệt là lao động dân tộc thiểu số làm nông nghiệp sang các lĩnh vực phi nông nghiệp.

Tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp tại Lào Cai giảm từ 62,61% năm 2015 xuống còn 59,38% năm 2019; tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng từ 17,77% năm 2015 lên 18,12% năm 2019; tỷ trọng du lịch - dịch vụ tăng từ 19,62% năm 2015 lên 22,5% năm 2019. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh có 28.770 lao động từ lĩnh vực nông nghiệp chuyển sang lĩnh vực công nghiệp xây dựng và dịch vụ, trong đó 50% lao động là người dân tộc thiểu số, thu nhập của người lao động tăng nhanh. Nhiều lao động là người dân tộc thiểu số làm việc trong các doanh nghiệp có mức thu nhập khá đã nâng cao đời sống gia đình, đầu tư cho con cái học tập tốt hơn và tham gia xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Lào Cai: Thực hiện tốt chính sách lao động việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động - Ảnh 2.

Lào Cai đặt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động mạnh mẽ với 20.120 lao động .

Từ nay đến năm 2025, Lào Cai phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 65%; số lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 493.320 người, trong đó 66% lao động là người dân tộc thiểu số. Đồng thời giai đoạn này, Lào Cai đặt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động mạnh mẽ với 20.120 lao động từ lĩnh vực nông nghiệp chuyển sang lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lào Cai cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, ưu tiên đào tạo cho lao động là người dân tộc thiểu số, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động, phục vụ các dự án phát triển kinh tế của tỉnh và địa phương, bổ sung nguồn vốn vay giải quyết việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh hoạt động dịch vụ việc làm, mở rộng thị trường lao động, quan tâm giải quyết việc làm và thu nhập cho lao động vùng giải phóng mặt bằng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động.Đồng thời, tăng cường đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở nông thôn, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số; tiếp tục đầu tư chương trình giảm nghèo bền vững, trợ giúp thiết thực cho các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân cư còn nhiều khó khăn…

DIỆU NGỌC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh