Nỗi niềm phóng viên thử việc
- Giáo dục nghề nghiệp
- 14:39 - 25/08/2019
Khó khăn tìm nơi vào nghề
Cũng như nhiều sinh viên học Báo chí, từ khi còn trên ghế giảng đường, Nguyễn Quốc Nam (Khóa 34A2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) mong muốn sau khi tốt nghiệp sẽ vào làm trong các cơ quan báo chí để có cơ hội phát huy năng lực bản thân. Do đó, năm cuối Nam đã chọn báo T.N làm nơi thực tập, với mong muốn sau khi ra trường sẽ được báo nhận vào thử việc và trở thành phóng viên (PV) của báo. Nhưng sự đời không như Nam nghĩ, bởi thời điểm đó, nhân sự báo T.N đã ổn định nên báo không tuyển PV, nếu có, báo chỉ tuyển những nhà báo đã thành danh.
Trước thực tế trên, Nam đành gác lại "ước mơ" về tờ báo mà đêm ngày ấp ủ. Sau đó, qua người quen giới thiệu, được biết báo L.Đ đang có nhu cầu tuyển PV, Nam vội vàng nộp hồ sơ. Sau khi trải qua ba vòng thi, Nam trúng tuyển và được nhận vào thử việc với thời gian ba tháng. Nam cho biết: "Tại đây, em được phân viết về kinh tế, lĩnh vực em không hiểu biết nhiều, bởi thời sinh viên em hay viết về đời sống, văn hóa. Trong khi đó các anh chị PV lâu năm ở báo dù muốn giúp đỡ, hướng dẫn cho em cũng không có thời gian, vì mọi người đều phải kiêm nhiều việc. Theo quy định của báo, mỗi bài viết phải đạt 2.000 view mới được chấm nhuận bút, còn dưới 2.000 không được chấm. Em làm ở mảng Kinh tế không hiệu quả, số lượng bài trên 2.000 view cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, sau đó em được điều sang mảng Media, sang mảng này, vấn đề viết, phát hiện đề tài của em được cải thiện hơn, nhưng em nhận thấy xét về năng lực, tư duy làm báo của em vẫn còn nhiều hạn chế, kiến thức ở trường học với thực tế khác nhau rất nhiều. Kết thúc ba tháng thử việc, em không được báo ký hợp đồng. Sau đó do nhờ mối quan hệ nên hiện tại em lại được nhận vào thử việc tại báo A.N, một tờ báo khi còn là sinh viên em cũng rất mê. Em hy vọng mọi sự may mắn sẽ đến với em tại cơ quan này".
Cũng như Nam, tốt nghiệp ĐH Báo chí, hiện đang thử việc tại một tòa soạn báo ở Hà Nội, Hải An tâm sự: "Khó khăn nhất với những PV mới ra trường, đang thử việc tại các tòa soạn báo là đi cơ sở liên hệ làm việc. Nếu gặp được cán bộ dễ tính, thì việc lấy thông tin, còn gặp phải những người khó tính, thậm chí tỏ thái độ khó chịu, lúc đó PV chỉ có nước ngồi khóc. Có nơi, khi em giới thiệu là PV của báo tới liên hệ làm việc thì họ hỏi giấy giới thiệu, trình giấy giới thiệu lại yêu cầu đưa thẻ nhà báo, trong khi những PV đang thử việc như tụi em thì làm sao có được thẻ". Cũng theo Hải An, với kiến thức học ở trong trường, khi đi làm gặp muôn vàn khó khăn. Bởi sinh viên ít được đi thực tế nên mới đi làm cực kỳ vất vả. Do đó bọn em vừa tác nghiệp, vừa phải học hỏi các anh chị PV lâu năm để nâng cao tay nghề, thì mới bắt vào nhịp chung của tòa soạn.
Còn Quốc Tuấn, hiện là PV của báo V.H, sau nhiều năm thử việc, hiện Tuấn đã được ký hợp đồng làm việc cho biết, khó khăn với Tuấn khi mới vào nghề không phải viết tin, bài mà ở nguồn tin. Do mới đi làm, các mối quan hệ còn hạn chế nên Tuấn rất ít nguồn tin, khi biết được thông tin về sự kiện đó thì các báo khác đã đăng rồi. Tuấn nhớ mãi lần đi làm tin về vụ tai nạn của xe container, do chưa có kinh nghiệm nên Tuấn chỉ ghi biển số của xe kéo, mà không ghi biển số của xe được kéo, khi thông tin được đăng báo, bạn đọc đối chiếu với các báo khác thấy thông tin không giống nhau và cho rằng PV viết ẩu.
Tuấn chia sẻ: "Đặc biệt, đối với những đề tài mang tính thời sự, đòi hỏi PV phải nhanh nhạy trong việc xử lý các nguồn thông tin sao cho kịp truyền tải đến công chúng. Thêm vào đó, nhiều lúc PV bị từ chối tiếp xúc hoặc trả lời phỏng vấn do PV trẻ, chưa có kinh nghiệm làm báo. Mỗi lần như vậy, các PV mới vào nghề như chúng em phải tự động viên mình: Nghề nào mà không có những khó khăn, huống chi nghề làm báo lại là nghề đặc thù. Cái quan trọng phải biết vượt qua khó khăn ấy để trưởng thành hơn, gắn bó lâu dài với nghề mà mình đã chọn".
Hành trình trở thành PV của Trần Mai Hương không kém phần gian truân. Tốt nghiệp báo chí ĐH Huế, Hương nộp tất cả bốn bộ hồ sơ, nhưng chờ một thời gian dài không thấy cơ quan nào gọi phỏng vấn. Sau đó Hương được người quen giới thiệu viết tin, bài cộng tác cho một trang thông tin điện tử. Gần hai năm đi viết báo không lương, nhuận bút không đủ trang trải cho cuộc sống. "Biết nghề báo là vất vả, khắc nghiệt nhưng lỡ mê rồi nên phải cố gắng sống với nghề cho bằng được. Đầu tháng 5 năm nay, chị họ em ở Hà Nội cũng đang công tác ở một cơ quan báo chí đã xin cho em vào thử việc tại một cơ quan báo của Trung ương, với thời gian ba tháng. Em hy vọng đây là chỗ dừng chân và cũng là nơi để em được phát huy khả năng của mình", Mai Hương tâm sự.
Chặng đường chập chững vào nghề báo của Trung Kiên và Hải Lâm cũng không hề suôn sẻ, cầm tấm bằng ĐH chuyên ngành Báo chí trong tay, Kiên và Lâm xin vào thử việc tại một tờ báo ngành. Trong quá trình thử việc, không có người hướng dẫn cũng như định hướng về đề tài, do vậy, chúng em tha hồ "tự tung tự tác", ai nghĩ được đề tài nào thì viết. Kết cục bài viết của tụi em đều bị ban biên tập trả lại với lời phê: "Bài viết sơ sài, nội dung không theo đúng lĩnh vực của ngành…". Để rút kinh nghiệm cho những bài sau, khi định viết về lĩnh vực nào, tụi em xin ý kiến của lãnh đạo báo trước, nếu thấy được thì mới triển khai. Còn chuyện đi cơ sở hoặc đến các cơ quan để liên hệ lấy thông tin làm bài, đến giờ vẫn là những nỗi ám ảnh khó quên. Đó là, dù đã có giấy giới thiệu của cơ quan, nhưng khi đến gặp, chúng em đều bị mọi người tỏ thái độ dửng dưng không hợp tác. Rất nhiều lần như vậy, cuối cùng chúng em phải nhờ lãnh đạo báo nơi đang thử việc gọi điện can thiệp mới được làm việc", Hải Lâm kể.
Các cơ quan báo chí cần tạo điều kiện cho các PV thử việc
Nhà báo Lê Quang, Tổng biên tập báo Người cao tuổi cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân khiến các PV thử việc tại các báo trong thời gian dài nhưng không được ký hợp đồng hoặc vẫn xảy ra chuyện "nhảy" hết tòa soạn nọ sang báo kia của các PV thử việc.
Theo nhà báo Lê Quang, hiện nay hầu hết các cơ quan báo chí đều đủ thậm chí là thừa nhân sự nên việc tuyển thêm PV vào làm việc là rất khó, đã có một số báo trong khoảng thời gian 4 đến 5 năm cũng chỉ tuyển thêm một PV. Ngoài ra, tại một số cơ quan báo chí, khi tiếp nhận người vào thử việc, nhưng cơ quan chỉ cung cấp cho họ giấy giới thiệu khi liên hệ công việc tại các cơ sở, ngoài ra không có người trực tiếp hướng dẫn, định hướng đề tài, hướng dẫn cho họ. Không phân công công việc, tự họ phải bươn chải, lo đề tài và chỉ khi cần mới giao việc. Bên cạnh đó, ngoài nhuận bút, PV thử việc không có chế độ gì, họ phải tự túc hoàn toàn chi phí cho những chuyến công tác xa, do vậy chỉ có những PV thật sự yêu nghề mới trụ lại được.
Nhà báo Lê Quang, Tông biên tập báo Người cao tuổi
"Để sinh viên báo chí ra trường không "long đong" với nghề, các trường ĐH cần nâng cao chất lượng đào tạo sát với thực tế hơn, đào tạo đúng quy hoạch báo chí, không nên đào tạo ồ ạt, chạy theo số lượng, vì không chỉ riêng sinh viên học trường báo chí ra làm báo, mà một số sinh viên học chuyên ngành khác như: Luật, văn, sử, kinh tế,… khi ra trường cũng chọn nghề báo. Đối với sinh viên nên có ý thức chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng và sự yêu nghề, không nên chọn nghề theo cảm tính hoặc để lấy mác "nhà báo". Vì nghề báo trước hết ngoài cái tâm trong sáng, cùng bản lĩnh chính trị là những hiểu biết sâu rộng về xã hội cùng những kĩ năng nghề nghiệp tốt. Do vậy, nếu không có sự đam mê, học hỏi, nhạy bén với nghề, sẽ khó để trở thành một nhà báo chuyên nghiệp", nhà báo Lê Quang lưu ý.
Đánh giá về công tác đào tạo báo chí hiện nay, TS. Nguyễn Sơn Minh, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, đào tạo sinh viên ngành báo chí hiện nay có nhiều điểm khác so với trước đây. Sinh viên được đào tạo gắn với thực hành, thực tiễn nhiều hơn; kiến thức rộng hơn, không chỉ báo chí mà còn về các loại hình hoạt động truyền thông khác; được đào tạo bài bản hơn về kỹ năng mềm và các kỹ năng bổ trợ khác, như ngoại ngữ, công nghệ, giao tiếp,…
Cụ thể, hoạt động đào tạo sinh viên của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông hiện nay thực hiện 3 mục tiêu: Có kiến thức rộng về các ngành khoa học xã hội; có khả năng tác nghiệp trên các loại hình báo chí và truyền thông; bước đầu có khả năng hoạt động báo chí và truyền thông quốc tế. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu đào tạo này, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông thường xuyên điều chỉnh, bổ sung các học phần phù hợp với thực tế, tăng giờ thực hành trong các studio, lab và tăng cường đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên.
Ngành báo chí đòi hỏi sinh viên phải có thời gian chuyển hoá lý thuyết và trải nghiệm tác nghiệp, qua đó mới tích luỹ được kinh nghiệm trong quá trình làm báo. Tuy nhiên, hiện hoạt động báo chí và truyền thông vận động rất nhanh. Đó luôn là sự thách thức đối với sinh viên mới ra trường và với các nhà báo trẻ.
TS. Nguyễn Sơn Minh, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội
Những đánh giá cũng như phản hồi về trường của các cơ quan báo chí về kết quả mà sinh viên đến thực tập, theo TS. Nguyễn Sơn Minh, thứ nhất, qua các nhận xét bằng văn bản kết thúc mỗi đợt thực tập tốt nghiệp của sinh viên, đa số các đơn vị báo chí, hoặc công ty truyền thông đều khẳng định sinh viên có khả năng, năng động, ham học hỏi. Thứ hai, nhiều đơn vị đánh giá sinh viên thiếu kinh nghiệm, chưa chủ động. Như vậy, có thể thấy, hai luồng quan điểm này vừa chủ quan, vừa khách quan. Chủ quan là sinh viên ra trường chưa đáp ứng được ngay lập tức yêu cầu tác nghiệp tại đơn vị báo chí. Khách quan là ngành báo chí đòi hỏi sinh viên phải có thời gian chuyển hoá lý thuyết và trải nghiệm tác nghiệp, qua đó mới tích luỹ được kinh nghiệm trong quá trình làm báo.
Về việc dạy lý thuyết và thực hành cho sinh viên báo chí, TS. Nguyễn Sơn Minh cho hay, trước đây, vấn đề lý thuyết và thực tiễn xa nhau. Hiện nay, do có sự đầu tư về điều kiện thực hành, sự hợp tác giữa cơ sở đào tạo và các cơ quan báo chí, thời gian để chuyển hoá kiến thức lý thuyết vào thực tiễn hoạt động báo chí ngắn lại rất nhiều. Tuy nhiên, hiện hoạt động báo chí và truyền thông vận động rất nhanh. Đó luôn là sự thách thức đối với sinh viên mới ra trường và với các nhà báo trẻ.