CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:48

Những nhà báo "tay ngang"

 

Nhà báo Trần Thị Lộc, nguyên Tổng biên tập Báo LĐ&XH: Nghề báo đến với tôi như một cơ duyên

Hồi còn đi học chả bao giờ tôi nghĩ mình sẽ trở thành nhà báo. Sau này bạn bè gặp lại cũng hay hỏi, sao lại đi làm báo? Chuyện là sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân, tôi được phân công về giảng dạy tại ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, lúc ấy tôi chưa sẵn sàng vào miền Nam nên còn băn khoăn lắm. Đang đứng giữa ngã ba đường thì Tạp chí LĐ-XH tuyển phóng viên kiêm biên tập viên, tôi đã tham gia viết thử và được nhận vào làm một cách khá suôn sẻ.

 

Nhà báo Trần Thị Lộc tham dự Hội nghị APEC 2017 về “kỷ nguyên số và phát triển nguồn nhân lực”. Ảnh: MẠNH DŨNG.

 

Được vào một cơ quan như Tạp chí LĐ–XH lúc bấy giờ là điều may mắn nên tôi rất vui, nhưng cũng thấy lo, vì hình dung đây là một nghề hấp dẫn nhưng rất khó, đòi hỏi phải làm việc rất nghiêm túc, không thể lơ mơ được. Tôi đi làm, trở thành nhà báo trong tâm trạng như vậy. Mỗi khi đi địa phương, đến các doanh nghiệp viết về vấn đề lao động, việc làm, tiền lương, đào tạo nghề... Khi bắt đầu viết một bài báo nào tôi thấy không dễ chút nào, phải tìm hiểu, đọc nhiều tư liệu phỏng vấn rất kỹ mới viết được.

Cũng phải kể đến một điều là hồi ấy bác Tổng biên tập Đỗ Phú Hoan đào tạo phóng viên rất nghiêm khắc, khắt khe, yêu cầu chất lượng bài vở cao. Bác thường xuyên đòi hỏi phóng viên phải viết sâu sắc, thường xuyên bám cơ sở để viết về các điển hình, cũng như việc thực hiện chính sách lao động - việc làm như thế nào... Nhiều lúc nghĩ lại thấy sự nghiêm khắc ấy đã giúp cho những phóng viên trẻ, trong đó có tôi trưởng thành rất nhiều. Làm việc ở Tạp chí, tôi cũng có bài “đổ”, hoặc phải viết đi viết lại mới được duyệt. Nhưng nhờ được đào tạo và tự rèn luyện, dần dà  tôi được khen là phóng viên cứng, viết được nhiều mảng “gai góc”.

Sau gần 25 năm làm việc tại Tạp chí, tôi lại có hơn 5 năm làm việc tại Báo LĐ&XH với vị trí Tổng biên tập. Cùng với việc chỉ đạo về nội dung, có lẽ những kiến thức học được ở Trường Kinh tế Quốc dân đã giúp cho tôi làm công tác quản lý tốt hơn.

Vậy là không học báo chí, nhưng nghề báo đã đến với tôi như một cơ duyên. Tôi  nhận thấy mình chưa phải là nhà báo giỏi, nhưng cũng đã đứng vững được với nghề một phần nhờ có chút năng khiếu viết lách, nhưng cơ bản là do học hỏi, rèn luyện mà nên.

 Nhà báo Giang Sơn, Trưởng văn phòng miền Trung Báo LĐ&XH: Khởi nghiệp từ một mẩu tin 118 từ

Chẳng ai có thể sắp xếp lộ trình cho cuộc đời. Tôi cũng vậy, đến với nghiệp làm báo từ một sự ngẫu nhiên và lòng đam mê cháy bỏng.

Từ một sinh viên trẻ măng của Trường Cao đẳng Giao thông đến một người chiến sĩ trinh sát Biên phòng dạn dày bởi sóng, gió biển khơi. Trong thời kỳ đất nước chuyển mình đổi mới, tôi lại lăn lộn khắp các vùng miền với tư cách Trưởng phòng kinh doanh của một doanh nghiệp thương binh. Thế rồi sau trận bóng đá của Đội tuyển Việt Nam và Indonesia tại SEA Games 19, mọi chuyện đã thay đổi cuộc đời tôi một cách đầy bất ngờ.

 

Nhà báo Giang Sơn tác nghiệp tại một sự kiện.

 

Với một người luôn “ăn, ngủ” cùng trái bóng nên ngay sau trận đấu, với sự phấn khích đến tột độ, tôi đã viết những lời đầy tâm huyết gửi cho tờ Tin nhanh của Sài Gòn Giải phóng và thật không ngờ sáng sớm hôm sau, tin “Các anh đã đoạt Huy chương vàng trong lòng chúng tôi” đã được đăng.

Sau mẩu tin vỏn vẹn 118 từ này, tôi như một người khác hẳn. Tôi nghiệm một điều hết sức “mơ mộng”: Mình cũng có thể trở thành một nhà báo. Rồi với sự đam mê và nỗ lực hết mình, tôi đã dấn thân vào nghề báo với quyết tâm cháy bỏng. Bằng những kiến thức học được ở cuộc sống, từ những cây bút gạo cội, chỉ trong thời gian ngắn hàng chục bài báo tôi viết và gửi cho Báo Nhà báo và Công luận với tư cách cộng tác viên. Tôi không ngờ những bài báo này đã tạo được ấn tượng với Tổng biên tập lúc đó là chị Nguyễn Thị Vân Anh và chị đã mời tôi về làm phóng viên của Văn phòng miền Trung dịp chị vào khai trương VPĐD miền Trung tại Đà Nẵng.

Không phụ lòng tin của Tổng biên tập và sự cần cù, lòng yêu nghề đã giúp tôi trở thành phóng viên chính thức. Tôi đã có rất nhiều tác phẩm để đời. Trong đó bài“Bài học phá sản của một doanh nghiệp” tham gia cuộc thi “Nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp” do Hội Nhà báo Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức. Bài này tôi là người duy nhất được Chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam Phan Quang trao giải.

Sau 20 năm vào nghề, với 17 năm làm Trưởng văn phòng Báo LĐ&XH tại miền Trung, viết lại những kỷ niệm nghề nghiệp để mong các bạn trẻ thấy rằng: Nếu thật sự yêu nghề, biết chấp nhận và vượt qua được những khó khăn, vất vả, đặc biệt phải có quyết tâm thì nghề báo cũng là một sự lựa chọn đầy hấp dẫn.

 Nhà báo Dương Thu, Báo Đời sống và Pháp luật: Những chuyến đi nuôi dưỡng “lửa” nghề

Tôi tốt nghiệp khoa Xã hội học, ĐH Công đoàn - một chuyên ngành không liên quan đến báo chí. Rồi về quê, tôi cũng chẳng mảy may chuyện quay trở lại Thủ đô vì nơi đây không một ai thân thích. Những năm tháng sinh viên, tâm lý của một đứa con gái quê “bện hơi” mẹ nên chỉ mong nhanh ra trường để về nhà và làm gì cũng được.

 

 Nhà báo Dương Thu cùng đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc bên hành lang Quốc hội tại một kỳ họp.

 

Cầm tấm bằng tốt nghiệp trong tay, tôi tự thưởng cho mình một chuyến phượt hơn 10 ngày lên ngã ba biên giới Việt – Trung – Lào. Đi một vòng khắp các tỉnh Tây Bắc, tôi lại thấy yêu những nơi mình đã đi qua, thấy thú vị với những gì mình tự khám phá. Rồi lời “dụ dỗ” của cô bạn thân học cấp 3: “Mày đi làm báo với tao”. Nghe có gì đó hấp dẫn, vì làm báo thì sẽ được đi... tác nghiệp. Đó là lý do duy nhất mà tôi bước vào nghề báo, đúng với những gì mà tôi tâm niệm.

Chân ướt chân ráo vào ban Pháp luật của một tờ báo, rồi viết mảng ghi chép, phóng sự một thời gian. Sau đó tôi chuyển sang làm thời sự do yêu cầu của tòa soạn. Hiện tôi “bén duyên” với mảng nội chính, nghị trường cũng do sự phân công của tòa soạn, theo dõi mảng Chính phủ, Quốc hội...

Cứ lăn lóc như thế mà cũng “sống” được với nghề dù chẳng phải đứa... có nghề. Cũng bởi không... có nghề nên mỗi đề tài đăng ký hay đề tài được giao, tôi thường dành thời gian để “google” tìm kiếm thông tin một cách kỹ lưỡng, hoặc nhờ sự hướng dẫn của cấp trên, các anh chị và đồng nghiệp. Tôi luôn nghĩ ít nhất thông tin mình hiểu về đề tài (hoặc người được phỏng vấn) cần đủ để người mà mình tiếp cận sẽ cởi mở chia sẻ thông tin.

Từ khi vào nghề cho đến nay, tôi luôn dặn lòng phải thận trọng với từng câu chữ. Viết bài xong còn đọc đi đọc lại, trăn trở mãi dù đôi khi chỉ là một cách dùng từ nào cho hợp lý. Hiện tại, khi tòa soạn hội tụ, vừa làm báo giấy, vừa viết bài cho báo điện tử, tôi vẫn giữ một thói quen đọc bài rất kỹ. Kể cả khi đã đọc bản word nhiều lần mới nhập bài lên CMS nhưng vẫn phải đọc lại thêm 1-2 lần rồi mới ấn nút gửi bài.

6 năm - quãng đường không dài nhưng cũng đủ vui, buồn và nhiều thi vị với nghề. Từ một người viết thông tin hiện trường đơn thuần, nay đã biết nảy ra vấn đề để làm những bài “đinh” cho tờ báo... Tôi thấy mình đã trưởng thành rất nhiều, ngoài sự nỗ lực của bản thân, còn là môi trường làm việc và sự chỉ dạy tận tình của lãnh đạo tòa soạn và các anh chị đồng nghiệp.

 

 Nhà báo Dương Thu phỏng vấn đại biểu Quốc hội.

 

Những chuyến đi vẫn là thứ “lửa” không thể thiếu để giữ tình yêu và nhiệt huyết với nghề. Chúc cho tất cả những ai đang và sẽ bước vào nghề báo cũng luôn tự tin và bản lĩnh, cẩn trọng với từng câu chữ và giữ được ngọn lửa đam mê cháy mãi trên mỗi chặng đường tác nghiệp.

Tuy nhiên, tôi hiểu rằng muốn sống có ích và “sống lâu” được với nghề thì bản thân phải vừa làm vừa học, phải không ngừng cố gắng. Không học báo mà đi làm báo thì càng phải cố gắng gấp nhiều lần. Sự học không bao giờ là muộn. Mỗi lần đi tác nghiệp là một cơ hội cho tôi có kinh nghiệm tích lũy để mỗi bài báo viết ra được nhiều độc giả đón đọc.

HÒA CÙ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh