THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:25

Cuộc sống qua góc nhìn của sinh viên báo chí: Mộc mà tinh

 

Lọc những con ong yêu nghề

Với những sinh viên này, hầu hết đây lần đầu cầm máy chụp ảnh chuyên nghiệp. Và máy ảnh cũng hầu hết phải đi thuê hoặc đi mượn. Tác nghiệp trong những điều kiện không hề “nhẹ nhàng”… Đó là thử thách đầu tiên của họ khi quyết định bước chân vào nghề báo. Thử thách của “vòng loại” này sẽ lọc được những con ong say nghề - một nghề vất vả và nhiều thú vị!

Yêu cầu của kết thúc môn cho bài kiểm tra là mỗi sinh viên phải có 3 tác phẩm dự thi theo 3 loại hình: Ảnh tin, ảnh nhóm và ảnh phóng sự. Đề tài phải gắn với đời sống thực tế, đúng nghĩa là một tác phẩm báo chí được diễn tả bằng hình ảnh. Có nghĩa, ngoài yêu cầu ảnh phải có cốt chuyện, có nhân vật, có quá trình… thì phần hình cũng phải đạt được độ chuẩn kỹ thuật cơ bản của nhiếp ảnh.

Bài kết thúc môn được thể hiện bằng cuộc triển lãm nhỏ xinh “rất sinh viên” đã cuốn hút tôi và các giảng viên dừng chân thật lâu trước từng bức ảnh. Đó là những tấm hình hoàn toàn mộc, chân thật như chính cuộc sống nhưng được các em thể hiện qua con mắt khá tinh và nhạy của người làm báo. Các đề tài đều mang tính phát hiện như: Người đàn ông vớt xác trên sông, người đàn ông tật nguyền mưu sinh với tập vé số, cuộc sống của người dân sống trong vùng triều cường, cảm nhận về tuổi thơ trẻ em vùng sơn cước K' Ho ở Lâm Đồng hoặc về những làng nghề truyền thống gốm, đúc lò, đúc đồng...

 

Chật vật sống chung với triều cường ở TP.HCM. Ảnh Nguyễn Thị Ly

          Ở tác phẩm ảnh bộ Nụ cười trẻ thơ K’Ho, sinh viên Cẩm Anh dẫn giải: “Trên vùng cao nguyên Di Linh, trẻ em người K’ho đang gặp rất nhiều khó khăn và thiệt thòi trong cuộc sống. Có rất nhiều em không được đi học, còn có những em còn rất nhỏ phải theo mẹ đi làm nương để đỡ đần cuộc sống gia đình. Nhưng điều đó không thể dập tắt nụ cười ngây thơ của những đứa trẻ nơi đây, nụ cười trong veo như những bông hoa rừng”. Đó là phát hiện đầy lạc quan, trong trẻo của Cẩm Anh khi em về tận vùng núi xa xôi, “canh” từng khoảnh khắc để ghi lại được ý tưởng của mình.

 

Tác phẩm “Nụ cười trẻ thơ K’Ho”. Ảnh Cẩm Anh

Tú Trinh thì có phát hiện khá nhân bản về một nhân vật đặc biệt qua “Hiệp sĩ” vớt xác, cứu người dưới chân cầu Bình Lợi. “Nằm lọt thỏm giữa hai cây cầu Bình Lợi cũ và mới, vẫn còn đó một xóm chài nghèo yên bình. Xóm chài chỉ vỏn vẹn có ba hộ gia đình, sống lay lắt trên những chiếc ghe cũ kĩ. Hằng ngày phải chạy ăn từng bữa bằng nghề chài lưới, thế nhưng hơn 40 năm qua, có một người đàn ông vẫn được người dân phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM gọi với cái tên thân thương là “Hiệp sĩ”. Ông Ba Chúc, tên đầy đủ là Nguyễn Văn Chúc, quê ở Vĩnh Phúc. Từ nhỏ ông đã theo cha vớt xác, cứu người trên sông Sài Gòn. Đến khi cha không còn nữa, ông vẫn âm thầm làm cái việc không ai thuê suốt 40 năm qua. Chỉ cần nghe tin có người nhảy cầu hay có xác chết trôi, ông lập tức đến ngay với hy vọng có thể cứu thêm mạng người hoặc cho thi thể người đã khuất bớt lạnh giá. Ở tuổi 58, sức khỏe không được như trước nữa. Nhưng đối với Ba Chúc, chỉ cần một ngày còn sức khỏe thì ông vẫn ở xóm chài và cứu người, vớt xác trên sông Sài Gòn”.

 

“Hiệp sĩ” vớt xác, cứu người dưới chân cầu Bình Lợi. Ảnh Tú Trinh

Rất thích thú với chiếc rằn quen thuộc của người Nam Bộ đã được biến tấu thành những sản phẩm cách điệu mang tính ứng dụng cao, sinh viên Trần Văn Sung đã lặn lội về tận Cần Thơ hoàn thành phóng sự của mình, ghi chép lại bằng hình ảnh về một chàng trai miền sông nước Nguyễn Quốc Thịnh tốt nghiệp trường Đại học Văn Hiến thực hiện đam mê cháy bỏng với thời trang truyền thống mang đậm văn hóa dân tộc, và chính những bằng bộ sưu tập “Hương sắc Việt” gồm váy, áo yếm, áo dài được trang trí họa tiết bằng khăn rằn đã đem về cho nhân vật giải nhì tại Hàn Quốc.

 

Khúc biến tấu khăn rằn. Ảnh Trần Văn Sung

 Nguyễn Thị Kim Loan cũng đem đến một tác phẩm khá hoàn chỉnh về cảm xúc qua phóng sự “Judo khiếm thị”. Tác giả đã biết khai thác những góc nhìn, cảnh cận khá xúc động về những vận động viên khiếm thị trên võ đài ...

 

Judo khiếm thị. Ảnh Nguyễn Thị Kim Loan

Tình yêu nghề của thầy và trò

          Là người trực tiếp đứng lớp, giảng viên – Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Trung Trực không dấu được niềm vui khi nhận xét về những học trò của mình: “22 ảnh tin, 22 ảnh bộ và 22 phóng sự ảnh được các em phát hiện, lựa chọn, phản ánh qua các góc nhìn của mình khá sinh động và hấp dẫn. Tuy còn một số tác phẩm còn non về ánh sáng, bố cục, góc nhìn, có những  tác phẩm chưa phản ánh hết được nội dung cần chuyển tải. Nhưng để có những tác phẩm báo chí ấy các em đã vượt qua hàng trăm cây số, không kể nắng mưa, ngày hay đêm đến những vùng đất xa xôi ở Tây Ninh, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình thuận ... và những hang cùng ngõ hẻm của đất Sài Thành để tìm cho mình những góc máy lạ. Chính tinh thần học tập nghiêm túc say mê của các em đã làm cho chúng tôi - những người hướng dẫn thêm động lực để yêu quý bục giảng hơn”.

 

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Trung Trực và học trò đang trao đổi về tác phẩm

          Theo Thượng tá Vũ Hồ Tùng, Chỉ huy trưởng Cơ sở 2, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội: “Với 45 tiết học về môn nhiếp ảnh, trong điều kiện thực hành còn gặp khó khăn, thì tất cả những tác phẩm ảnh của các sinh viên đều rất đáng khích lệ. Tình yêu và sự lăn xả với nghề là những điều kiện quan trọng để các em có thể trở thành những phóng viên bản lĩnh và vững vàng. Đây là khóa Báo chí thứ 2 trong 4 khóa đang được đào tạo tại Cơ sở 2 nói riêng và nhà trường nói chung. Thực hiện chỉ đạo của Ban giám hiệu nhà trường, chúng tôi luôn chú trọng việc gắn học tập với thực hành, lấy chất lượng đào tạo là yếu tố quan trọng hàng đầu. Sinh viên báo chí ở Trường, ngoài kiến thức cơ bản theo khung chương trình đào tạo chung, các em còn được học tập và rèn luyện trong môi trường quân đội, có thêm phẩm chất của anh Bộ đội Cụ Hồ, tính chiến đấu của người chiến sĩ. Những phẩm chất này luôn cần và tốt cho ngòi bút của các em, những người làm báo chí cách mạng kế cận”.

 

Khoảnh khắc đáng nhớ của thầy và trò


Triển lãm “Khoảnh khắc cuộc sống” qua ống kính sinh viên Lớp Báo chí Khóa 2 tại Cơ sở 2, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội diễn ra trong phạm vi nhỏ hẹp nhưng nó đã thành công khi truyền và thổi bùng lên những ngọn lửa đam mê với nghề báo của những “phóng viên” non trẻ đang rèn dũa kiến thức, trau dồi kinh nghiệm trên giảng đường để làm hành trang vững bước vào cuộc sống. Làm gì cũng vậy, nghề nào cũng thế, nếu muốn thành công, trước hết ta cần phải yêu nó. Và tôi tin, với những ngọn lửa kia, các em sẽ bước vào nghề thật nhẹ và thật tự tin.

Đinh Hoa/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh