THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:51

Người phụ nữ hơn 40 năm sưu tầm tư liệu về Bác Hồ

 2 lần được gặp Bác Hồ

Xuất thân trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, bà Nguyệt từng là nữ quân nhân tham gia kháng chiến. Trong chuyến tập kết ra Bắc và tham gia học tập, bà may mắn được gặp Bác Hồ 2 lần. Đó cũng là cơ duyên để bà sưu tầm và lưu giữ hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Bác. Hiện bà Nguyệt lưu giữ hơn 400 quyển sách, hơn 3.000 tấm ảnh về Bác. Mỗi cuốn sách, tấm ảnh đều chứa đựng những kỷ niệm đáng nhớ về Bác. 

Kể chuyện về Bác, ánh mắt bà Nguyệt luôn ánh lên niềm hạnh phúc, với tất cả sự ngưỡng mộ, tôn kính. Bà kể, năm 1955, trong dịp Bác ghé thăm Đại tá Hồ Thị Bi tại Bệnh viện 303 (nay là Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô), đây là lần đầu tiên bà được nhìn thấy Bác “bằng da bằng thịt”. Từ khoảnh khắc đầu tiên ấy, dù không được trực tiếp gặp và nói chuyện với Bác, nhưng hình ảnh vị lãnh tụ đáng kính đã in đậm trong tim bà.

Bà Nguyệt lật từng bức ảnh và kể những câu chuyện về Bác.

Bà Nguyệt lật từng bức ảnh và kể những câu chuyện về Bác.

Lần thứ hai bà Nguyệt được gặp Bác là vào năm 1959, trong dịp Bác về thăm Trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng. “Lúc đó tôi nghe thông báo có đoàn cán bộ Trung ương đến thăm trường nhưng không biết là ai. Bấy giờ tôi là đội viên thanh niên cờ đỏ của trường và vinh dự được đứng ngoài mở cửa cho đoàn. Vừa nhìn thấy Bác xuống xe, tôi vội chạy đến ôm chầm lấy Bác. Cho đến bây giờ khi nhớ lại giây phút đó tôi vẫn có cảm xúc không nói thành lời”, bà Nguyệt kể trong sự xúc động xen lẫn tự hào.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà Nguyệt trở về Nam. Hình ảnh Bác Hồ từ 2 lần gặp gỡ, cái ôm nồng ấm vẫn luôn in đậm trong tâm trí bà. Xuất phát từ những tình cảm thiêng liêng đó, bà Nguyệt đã dành rất nhiều thời gian và công sức để sưu tầm hình ảnh, tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Người.

Trong ngôi nhà nhỏ, bà Nguyệt dành hẳn một nơi trang trọng nhất để lưu giữ những bức ảnh, sách tư liệu về cuộc đời của Bác Hồ. Những tấm ảnh này được bà Nguyệt lưu giữ bằng cách sắp xếp cẩn thận vào một album theo từng chủ đề khác nhau.

Những tấm ảnh về Bác được bà Nguyệt lưu giữ bằng cách sắp xếp cẩn thận vào một album theo từng chủ đề khác nhau.

Những tấm ảnh về Bác được bà Nguyệt lưu giữ bằng cách sắp xếp cẩn thận vào một album theo từng chủ đề khác nhau.

Đằng sau mỗi bức ảnh, bà đều nắn nót ghi chú thời gian, địa điểm, sự kiện rồi ép nhựa, lồng vào album và bảo quản cẩn thận. Đó là tấm ảnh về những người thân của Bác, lúc Bác sống ở Huế, khi Bác ra đi tìm đường cứu nước, những hoạt động của Bác ở nước ngoài, Bác với bộ đội, Bác với các cháu thiếu nhi. Mỗi tấm ảnh lại càng thêm ý nghĩa hơn khi nó gắn liền với những sự kiện quan trọng trong cuộc đời, sự nghiệp của Bác hòa cùng dòng chảy lịch sử dân tộc Việt Nam.

“Những tấm ảnh về Bác Hồ mà tôi sưu tầm được, có tấm là các vị lãnh đạo cấp cao tặng, tấm được bạn bè, đồng nghiệp gửi đến, nhưng cũng có tấm tôi phải bỏ công đi tìm suốt mấy tháng bằng xe đạp mới có được. Thậm chí khi sang Pháp thăm con gái, tôi cũng dành thời gian đi tìm những bức ảnh về Bác”, bà Nguyệt cho biết.

Kể chuyện về Bác Hồ cho thế hệ trẻ

Trong cuốn album lưu giữ những hình ảnh về Bác, chúng tôi được nghe từng mốc sự kiện, thời gian và những dấu ấn cuộc đời của Người trong từng bức ảnh. Không chỉ với bà Nguyệt mà với tất cả người dân Việt Nam, những ký ức và kỷ vật liên quan đến Bác đều là tài sản vô giá. Với riêng bà Nguyệt, từng tấm ảnh, cuốn sách mà bà sưu tầm về Bác chính là tình cảm, sự biết ơn vô hạn mà bà dành cho Người.

Với bà Nguyệt, mỗi tấm ảnh, mỗi câu chuyện về Bác chính là tài sản vô giá.

Với bà Nguyệt, mỗi tấm ảnh, mỗi câu chuyện về Bác chính là tài sản vô giá.

"Tuy ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng mỗi ngày tôi đều dành thời gian đọc sách về Bác. Càng đọc tôi càng thấm thía những lời Bác dạy và tôi đã vận dụng lời dạy của Bác để làm phương châm sống, truyền đạt cho con cháu, cho mọi người, vận động họ thực hành vào cuộc sống hằng ngày", bà Nguyệt tâm đắc.

Từ nhận thức của bản thân, bà Nguyệt vẫn luôn trăn trở và mong muốn làm sao để thế hệ trẻ hôm nay, dù không được gặp Bác như bà, vẫn luôn có tình yêu và hiểu biết về sự gần gũi, đáng kính của Người với nhân dân, về những hy sinh, đóng góp to lớn của Người dành cho đất nước. Đó cũng chính là lý do bà dành cả cuộc đời mình để sưu tầm hình ảnh, sách về cuộc đời, sự nghiệp của Bác, giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu và cảm nhận được sự vĩ đại của Bác.

Bằng chính những tư liệu vô giá mà bà Nguyệt đã sưu tầm được, bà luôn tích cực mang những hình ảnh, cuốn sách, câu chuyện về Bác để kể, truyền đạt lại cho mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ. Bà thường đến các trường tiểu học, mầm non để kể chuyện về Bác Hồ cho các cháu nhỏ, giúp các cháu có thể hiểu thêm về Bác - vị lãnh tụ đáng kính và vô cùng gần gũi với nhân dân.

Những tấm ảnh về Bác Hồ mà bà Nguyệt sưu tầm được, có tấm là các vị lãnh đạo cấp cao tặng, tấm được bạn bè, đồng nghiệp gửi đến.

Những tấm ảnh về Bác Hồ mà bà Nguyệt sưu tầm được, có tấm là các vị lãnh đạo cấp cao tặng, tấm được bạn bè, đồng nghiệp gửi đến.

“Các cháu nhỏ đều rất hứng thú khi nghe tôi kể chuyện về Bác. Nhiều cháu đặt những câu hỏi rất hay và ý nghĩa. Điều quan trọng nhất là sau mỗi câu chuyện tôi kể về Bác, các cháu đều chăm ngoan học tập hơn”, bà Nguyệt vui mừng nói.

Từng đọc rất nhiều cuốn sách, sưu tầm rất nhiều những hình ảnh về con người, tính cách, sự nghiệp của Bác, bà Nguyệt càng thêm thấm thía về tư tưởng, đạo đức của Bác và tầm quan trọng của việc học tập và làm theo đạo đức Bác Hồ vĩ đại.

Bản thân bà Nguyệt cũng đã, đang và sẽ sống và học tập theo gương Bác, bà mong muốn tất cả mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ cũng sẽ tích cực học tập và làm theo tấm gương của Bác.

XUÂN TRƯỜNG

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh