CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:17

Những trăn trở của Bác Hồ đối với thương binh, liệt sĩ trước lúc Người đi xa

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến các thương binh, liệt sĩ. Người nêu rõ: “Máu đào của các thương binh, liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói”. 

Dù có bận trăm công nghìn việc thì hằng năm, cứ đến ngày 27/7, Bác đều trực tiếp gửi thư, tặng quà, đi thăm các thương binh, gia đình liệt sĩ và viếng các anh hùng liệt sĩ.

Ngày 7/11/1946, Bác Hồ ra “Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi”. Đồng thời để tri ân và ghi nhận những đóng góp vô cùng to lớn của các thương binh, liệt sĩ cho Tổ quốc, tháng 6/1947, Bác đã chỉ thị chọn 1 ngày trong năm làm ngày “Ngày Thương binh - Liệt sĩ”.

Thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch, Hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành ở Trung ương, khu và các tỉnh, thành tổ chức cuộc họp ở Phú Minh, Đại Từ (Thái Nguyên) nhất trí lấy ngày 27/7/1947 là “Ngày Thương binh - Liệt sĩ”.

Hồ Chủ tịch nêu rõ, sự đền ơn, đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ cần phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, bằng sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần do Nhà nước và nhân dân cùng thực hiện. Việc giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ được coi là nghĩa vụ của mọi người dân, không nên coi đó là việc làm phúc.

(Ảnh tư liệu)

(Ảnh tư liệu)

Trong Ngày Thương binh - Liệt sĩ được tổ chức lần đầu tiên ở Việt Bắc (27/7/1947), Bác Hồ gửi thư nói rõ ý nghĩa của ngày kỷ niệm và kêu gọi mọi người có hành động thiết thực giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ: "Bởi họ là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm đau, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy" .

Với các thương binh, Người ân cần căn dặn: “Hòa mình với nhân dân, tránh phiền nhiễu nhân dân, không công thần, không coi thường lao động, không coi thường kỷ luật, không bi quan chán nản” và “thương binh tàn nhưng không phế”...

Hằng năm, cứ đến ngày 27/7, Bác đều gửi thư và tặng quà cho các thương binh, gia đình liệt sĩ. Trước lúc đi xa, Bác Hồ vẫn luôn canh cánh trong lòng việc đền ơn đáp nghĩa với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.

Trong Bản Di chúc để lại Bác có dặn: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc đầu tiên đối với con người là chăm lo cho thương binh và những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình.

(Ảnh tư liệu)

(Ảnh tư liệu)

Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.

Đối với các liệt sĩ ở mỗi địa phương, cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.

Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

Trải qua 75 năm (27/7/1947 - 27/7/2022), thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, những tình cảm của Người dành cho thương binh, liệt sĩ và thân nhân của họ tới nay vẫn được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta ngày càng có những sự quan tâm đặc biệt.

Th. S. Đường Thế Anh- Trường Đại học Hà Tĩnh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh