CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:29

Người đam mê sưu tầm cổ vật mang nhiều giá trị văn hóa dân tộc

Đam mê siêu tầm cổ vật từ nhỏ

Trong căn nhà 3 tầng xây dựng từ những năm 90 của ông Nguyễn Hữu Ngôn (SN 1961) ở thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đang trưng bày nhiều bộ sưu tập với hàng nghìn cổ vật như: đồng hồ cổ; xe máy, xe đạp cổ; đèn dầu cổ; tem thư qua các thời kỳ; đặc biệt là những nông cụ qua các của các dân tộc Mường, Thái, Kinh qua các thời kỳ như: liềm, hái, niêu đất, cối xay; bát, đĩa, vại, cối…được ông Ngôn sắp xếp gọn gàng ngăn nắp. 

Ông Ngôn tâm sự, từ nhỏ, ông đã ham mê sưu tầm cổ vật để có thể đối chứng với lịch sử, qua đó tìm hiểu những câu chuyện xoay quanh chúng. Xuất thân từ người nông dân, lớn lên từ hạt lúa củ khoai, lấm lem bùn đất nên ông Ngôn hiểu hơn ai hết nỗi vất vả, khó nhọc của người nông dân. Hơn nữa, với mong muốn niềm đam mê của mình sẽ là minh chứng để các thế hệ con cháu sau này có thể cảm nhận hết nỗi vất vã, lam lũ của thế hệ ông cha trước đây. Từ đó, ông Ngôn đã rong ruổi về các vùng quê để tìm kiếm những nông cụ của người nông dân xưa qua nhiều thời kỳ; săn tìm những chiếc đồng hồ cổ thời Liên xô, Trung Quốc…

Nhà Sưu tầm Nguyễn Hữu Ngôn bên những nông cụ của người nông dân Việt Nam xưa.

Đam mê sưu tầm cổ vật đã thấm sâu vào sương máu nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Ngôn, nhưng để sở hữu được những cổ vật tưởng chừng như bỏ đi ấy, ông Ngôn phải mất rất nhiều thời gian, công sức và cả những đồng tiền ít ỏi mà ông tích cóp từ tiền lương, nhuận bút cộng tác viên cho nhiều tờ báo, tạp chí. 

Ông Ngôn chia sẻ: "Để thỏa mãn đam mê, sở hữu những cổ vật mình yêu thích, tôi phải đi đến từng thôn, xóm ở nhiều làng, xã để tìm kiếm, lượm nhặt, mua lại của người dân trên khắp mọi miền. Nghe ở đâu có vật cổ là tôi lại mũ áo, cởi xe máy lên đường. Có những chuyến đi may mắn sở hữu vài cổ vật, nhưng cũng có những lần về tay trắng, còn phải đối mặt với nguy khó trên đường. Để có nhiều bộ sưu tập với hàng nghìn cổ vật như bây giờ, tôi không nhớ là mình đã lên đường bao nhiêu lần!". 

Nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Hữu Ngôn thông tin thêm, trong số hàng nghìn cổ vật mà ông đang sở hữu, có những món ông xin không, nhưng đa phần là những cổ vật ông phải bỏ tiền dành dụm từ đồng lương ít ỏi để sở hữa nó. Với đồng lương của một công chức, để thỏa mãn đam mê, ông Ngôn vẫn phải lo cho cuộc sống gia đình. Chính vì vậy ông đã làm cộng tác viên cho rất nhiều tờ báo, tạp chí để lấy tiền nhuận bút, thỏa mãn đam mê mà bấy lâu nay người đời vẫn gọi ông là "Ngôn đồ cổ". Đáng chú ý, trong hàng nghìn hiện vật của ông Ngôn, bộ sưu tập với hàng nghìn con tem phong phú các chủ đề: Sự kiện lịch sử, Bác Hồ, trang phục các dân tộc anh em…. mang nhiều giá trị văn hóa dân tộc.

Người đam mê sưu tầm cổ vật mang nhiều giá trị văn hóa dân tộc - Ảnh 2.

Một góc nhỏ bộ sưu tập đồng hồ cổ thời Liên Xô, Trung quốc những năm 1950.

Cứ nhìn vào căn nhà 3 của ông Nguyễn Hữu Ngôn với hàng nghìn cổ vật về đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân Bắc Trung Bộ trên khắp mọi miền tổ quốc. Chỗ này là hệ thống các công cụ làm đất như: mảnh, tước, rìu đá, rìu đồng, cày, bừa…Chỗ kia là công cụ làm cỏ như: các loại cào, nạn, dao phạt, liềm…Kia nữa là công cụ chế biến sản phẩm nông nghiệp như: các loại cối xay, cối giã, các loại nồi, chõ, niếng...Rồi công cụ lưu giữ, bảo quản lương thực, thực phẩm như: đồ sành, gốm, sứ như vò, âu, ang, vại, chum, xồm, kiệu…mới thấu hiểu hết nỗi đam mê về nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Hữu Ngôn.

Cổ vật là tư liệu giáo dục truyền thống cho cán bộ và thế hệ trẻ

Để sở hữu hàng nghìn cổ vật với nhiều bộ sưu tầm, nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Ngôn phải bỏ rất nhiều công sức, tiền bạc, thậm chí phải đổ cả máu trên chặng đường đam mê là vậy. Nhưng với một tấm lòng hướng về cội nguồn, với mong muốn những vật cổ của mình sẽ là minh chứng để giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu sau này sẽ cảm nhận hết nỗi vất vã, lam lũ của thế hệ trước, nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Ngôn đã dâng tặng cả nghìn cổ vật mà mình góp nhặt bấy lâu cho huyện Hoằng Hóa trưng bày tại Nhà truyền thống làm nơi thăm quan của các du khách trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là địa chỉ đỏ để các thế hệ trẻ của Huyện Hoằng Hóa ghi nhớ, học tập noi theo truyền thống tốt đẹp mà cha ông để lại trong lao động, sản xuất và chiến đấu.

Hình ảnh những chum, ché sành là công cụ lưu giữ, bảo quản lương thực, thực phẩm của người nông dân Việt Nam xưa được nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Ngôn trưng bày tại Nhà truyền thống huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Trao đổi với PV báo Dân Sinh, ông Trương Đình Thịnh, Trưởng phòng Văn Hóa Thông tin huyện Hoằng Hóa cho biết: "Nhà truyền thống huyện Hoằng Hóa là nơi lưu giữ, trưng bày các hiện vật, tư liệu, hình ảnh thuộc các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương qua các thời kỳ lịch sử giới thiệu cho người dân trong và ngoài tỉnh. Các hiện vật trưng bày tại Nhà truyền thống huyện sẽ đóng góp quan trọng giúp việc bảo tồn, lưu giữ và lan tỏa hình ảnh đẹp về đất và người nơi đây qua nhiều thế hệ. Trong số các hiện vật được trưng bày tại Nhà truyền thống, có cả nghìn cổ vật mang đậm giá trị văn hóa dân tộc qua các thời kỳ được nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Ngôn tặng cho huyện. Đây là những món quà vô giá được Đảng bộ huyện, xã và người dân rất trân trọng. Từ những chiếc đồng hồ quả lắc bé xinh, xe máy cổ sản xuất từ trước những năm 1950; rồi bộ sưu tập tem thư đánh dấu nhiều thời kỳ lịch sử dân tộc; những nông cụ tiêu biểu cho người nông dân của nhiều dân tộc qua các thời kỳ; hay những cuốn sách, hình ảnh… mà ông Ngôn dày công lưu giữ qua năm tháng hiện diện trong một không gian trưng bày độc đáo, ý nghĩa". 

Người đam mê sưu tầm cổ vật mang nhiều giá trị văn hóa dân tộc - Ảnh 4.

Bộ sưu tập với hàng nghìn con tem qua các thời kỳ của Việt Nam.

"Qua những hình ảnh trưng bày, du khách khi thăm quan Nhà truyền thống huyện Hoằng Hóa đều bị thu hút bởi những tư liệu, hiện vật phản ánh đời sống sinh hoạt thường ngày cả thời xưa đến nay và các thành tựu về giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội của người dân nơi đây qua nhiều thế hệ là tư liệu sinh động, thiết thực giáo dục truyền thống cho cán bộ và thế hệ trẻ mãi về sau. Qua hình ảnh trưng bày, du khách càng thêm thấu hiểu, trân trọng, cảm phục trước truyền thống cách mạng và đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc, giữ vững quốc phòng - an ninh của các thế hệ người dân nơi đây" - ông Thịnh cho biết thêm.

Theo quan sát của phóng viên, ngoài những hình ảnh về cổ vật của nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Ngôn, Nhà truyền thống Hoằng Hóa còn giới thiệu ảnh chân dung các tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng qua các thời kỳ. Những con người ấy chính là niềm tự hào, là đại diện, minh chứng thuyết phục nhất về vùng đất học xứ Thanh. Các vật cổ, hình ảnh, tư liệu được trưng bày tại Nhà truyền thống huyện Hoằng không đơn thuần chỉ là nơi trưng bày các tư liệu, hiện vật mà vượt lên trên tất cả, bảo tàng, Nhà truyền thống được xem như chiếc cầu nối xóa nhòa ranh giới giữa quá khứ và hiện tại nhằm mang lại cho người xem cái nhìn tổng quát nhất về lịch sử hình thành, phát triển cũng như những đặc trưng tiêu biểu nhất của vùng đất xứ Thanh qua các thời kỳ, các giai đoạn lịch sử đấu tranh của dân tộc ta.

HOÀNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh