THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 02:48

Ngành LĐ-TB&XH Thanh Hóa: Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển

Tạo bước đột phá trong công tác An sinh xã hội

Công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho đối tượng bảo trợ xã hội được tỉnh Thanh Hoá đặc biệt quan tâm thông qua việc triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Năm 2023 khép lại, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều mục tiêu quan trọng, đã tạo được bước đột phá trong công tác an sinh xã hội.

“Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Ngành LĐ-TB&XH Thanh Hóa tiếp tục thực hiện phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển”, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lao động, NCC và xã hội, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.

Bà Vũ Thị Hương Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa

Bà Vũ Thị Hương Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa

Năm 2023, ngành đã tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Chủ trì phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại 6 huyện nghèo.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 35.320 hộ, đạt tỷ lệ 3,52%, giảm 14.573 hộ so với cuối năm 2022, tương ứng giảm 1,47%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh Thanh Hóa đề ra.

Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố tổ chức chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng kịp thời, đúng quy định đối với trên 193.000 đối tượng và hộ gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội với kinh phí thực hiện hằng tháng hơn 100 tỷ đồng. Chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố tổ chức chúc thọ, mừng thọ đối với 67.054 người cao tuổi với tổng kinh phí thực hiện trên 29 tỷ đồng.

Tham mưu, trình UBND tỉnh bố trí 6,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để hỗ trợ 470,31 tấn gạo trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và kỳ giáp hạt năm 2023 cho 3.704 lượt hộ với 22.017 lượt nhân khẩu. Các cấp, các ngành, các địa phương đã huy động từ nguồn xã hội hóa để tổ chức các hoạt động thăm, tặng 580.148 suất quà trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão cho các đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, cận nghèo, các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí thực hiện 381,85 tỷ đồng, tăng 133.364 suất quà, tương đương tăng 116,29 tỷ đồng so với Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa ban hành kế hoạch thăm, tặng quà cho 69.050 người cao tuổi thuộc diện chúc thọ, mừng thọ với tổng kinh phí khoảng 30,5 tỷ đồng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Đảm bảo ASXH trong dịp tết Nguyên đán 2024, để mọi người dân đón xuân đầm ấm, an vui.

Chăm lo đời sống người có công 

Trong năm 2023, đã triển khai thực hiện công tác chi trả trợ cấp kịp thời, đúng quy định đối với trên 807.600 lượt đối tượng chính sách NCC và thân nhân NCC với tổng kinh phí thực hiện hơn 1.582,2 tỷ đồng.  Tiếp tục quan tâm xử lý, giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và thân nhân theo đúng quy định; đã ban hành trên 11.000 quyết định giải quyết chế độ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Các đại biểu tham dự tại hội nghị

Các đại biểu tham dự tại hội nghị

Đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động thăm hỏi, tặng quà người có công với cách mạng và gia đình trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà của Chủ tịch nước và quà của tỉnh đối với 190.538 lượt NCC và thân nhân NCC, tổng kinh phí thực hiện trên 57,686 tỷ đồng, trong đó có 95.407 người được nhận quà của tỉnh với tổng kinh phí thực hiện là trên 28,622 tỷ đồng.

Ngoài ra, đã huy động các nguồn lực từ ngân sách địa phương (ngân sách huyện, xã) và hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm để trao tặng 52.720 suất quà, trị giá gần 15 tỷ đồng để trao tặng cho NCC. Ngoài ra, để chuẩn bị cho công tác đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Sở đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu cho tỉnh xây dựng kế hoạch thăm, tặng quà đối với 94.206 người có công với cách mạng và thân nhân với mức quà tặng là 300.000 đồng/người, tổng kinh phí thực hiện trên 28,2 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có trên 99,5% hộ gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo bước đột phá trong giải quyết việc làm

Các cơ sở GDNN ngày càng được nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Đến nay, toàn tỉnh có 66 cơ sở GDNN đang tuyển sinh và đào tạo 35 mã ngành, nghề cao đẳng; 49 mã ngành, nghề trung cấp và 16 ngành, nghề trọng điểm; trong năm đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho 83.080 người, đạt 100% kế hoạch năm và tăng 18,5% so với năm 2022; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73%.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa trao tặng Giấy khen cho các tập thể Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa trao tặng Giấy khen cho các tập thể Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện

Thị trường lao động cơ bản được phục hồi mạnh so với năm 2021 và năm 2022, công tác giải quyết việc làm gắn với nâng cao thu nhập cho người lao động luôn được chính quyền các địa phương quan tâm thực hiện. Từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho khoảng 62.850 lao động, vượt 8,36% kế hoạch năm, trong đó: đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho 14.710 lao động. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có trên 36.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung vào các thị trường chủ yếu là: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Hằng năm, số tiền người lao động gửi về gia đình ước tính khoảng 120 đến 150 triệu USD tương đương 2.760 đến 3.450 tỷ đồng. 

Tại hội nghị, Hiệu Trưởng trường Trung cấp nghề miền núi Thanh Hoá Phạm Yên Trường chia sẻ: “Trường Trung cấp nghề miền núi là một trong 30 cơ sở GDNN chuyên biệt để đào tạo cho một số nghề trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế biển và các đối tượng là người dân tộc thiểu số học nội trú, người khuyết tật… Trong những năm qua, nhà trường luôn được sự quan tâm của Bộ LĐ-TB&XH; Tổng cục GDNN, UBND tỉnh Thanh Hóa đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của Sở LĐ-TB&XH trong việc xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề. Từ nhiều năm nay Nhà trường đã hình thành, xây dựng được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các trường THPT, THCS; sự quan tâm đặc biệt của UBND, Phòng LĐ-TB&XH, Phòng giáo dục 11 huyện miền núi để thực hiện công tác định hướng nghề cho học sinh, công tác tuyển sinh, đặc biệt là đối với học sinh sau tốt nghiệp THCS. Các chính sách hỗ trợ của nhà nước đã phát huy hiệu quả tích cực cho công tác tuyển sinh, đào tạo của nhà trường, 100% học sinh sau khi tốt nghiệp được nhà trường tư vấn, giới thiệu việc làm tại các công ty, nhà máy, xưởng sản xuất tương ứng với trình độ tay nghề đã học và đều có việc làm thu nhập ổn định… Nhà trường luôn nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động”.

“Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển”

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa Vũ Thị Hương cho biết: “Trước những kết quả đã đạt được trong năm 2023, năm 2024 ngành LĐ-TB&XH Thanh Hoá tiếp tục thực hiện phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển”; tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lao động, người có công và xã hội, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động’.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa trao tặng Giấy khen cho các tập thể Phòng nghiệp vụ, đơn vị trực thuộc Sở

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa trao tặng Giấy khen cho các tập thể Phòng nghiệp vụ, đơn vị trực thuộc Sở

“Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục nghề nghiệp thông qua việc thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động. Thực hiện các chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện đối với người nghèo, người cận nghèo về phát triển sản xuất, tạo việc làm, có sinh kế bền vững và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Triển khai có hiệu quả công tác trợ giúp xã hội và chính sách ưu đãi NCC với cách mạng. Xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện cho trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ… Phấn đấu tạo việc làm mới cho 58.000 lao động. Tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho 83.380 lao động, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 29,5%. giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh năm 2024. Đạt tỷ lệ 99,7% trở lên hộ gia đình chính sách NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời. Tiếp tục chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người dân được chăm lo ngày một tốt hơn với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Giám đốc Vũ Thị Hương nhấn mạnh.

Nhân dịp này, tại hội nghị, 9 Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện và 9 Phòng nghiệp vụ, đơn vị trực thuộc Sở hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác lao động, NCC và xã hội năm 2023 đã vinh dự nhận Giấy khen của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH.

THU HƯƠNG - ANH TUẤN

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh